Nhà văn Bùi Anh Tấn: Khủng hoảng để yêu thương, nhường nhịn và chia sẻ

Việt Quỳnh (thực hiện) 11/01/2022 10:00

Trong bối cảnh TP HCM vừa trải qua đợt dịch bệnh Covid-19, nhà văn Bùi Anh Tấn chuyển công việc mới từ vị trí Phó Tổng biên tập Báo Công an TP HCM, trở thành Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ TP HCM (gồm ba tờ báo giấy và một báo điện tử). Nhưng dù đời sống còn nhiều lo âu và công việc bộn bề, nhà văn vẫn chuẩn bị ra mắt cuốn tiểu thuyết mới dày hơn 500 trang: “Hồi ức một sĩ quan tùy viên”.

Nhà văn Bùi Anh Tấn chia sẻ: Thời điểm khi Thành phố bước vào những ngày thực hiện Chỉ thị 16+, tôi đang làm Báo Công an Thành phố và là nhật báo, vì thế, tin tức người chết đưa về liên tục, rất đau thương. Thành phố đông cứng lại giữa dịch bệnh, khắp nơi chặn chốt, giăng dây. Mỗi khi tôi đi làm về, trên đường chỉ có tiếng xe cứu thương dồn dập khắp nơi. Không bóng người dân qua lại, họ không được ra đường cả ban ngày lẫn ban đêm, trừ các lực lượng chức năng tham gia hỗ trợ phòng chống dịch. Báo chí tràn ngập các tin tức nhiễm bệnh hay số người chết…

Tôi có một số người bạn, người thân, người nhà đã mất trong đợt dịch này. Đi đâu cũng là ánh mắt lo âu, sự khủng hoảng về tinh thần. Khi ấy, tôi chỉ biết làm việc tập trung để tìm sự cân bằng, trong lúc mọi thứ căng như dây đàn. Lúc này, tôi còn ngạc nhiên tự hỏi làm sao mà tôi vượt qua được. Mỗi ngày, tôi và đồng nghiệp đều phải xét nghiệm rồi hồi hộp lo âu có ai bị nhiễm không. Lúc đó, giải pháp chống dịch chưa hoàn thiện khi ai nhiễm bệnh thì cách ly tập trung, hệ thống y tế quá tải, sinh hoạt thường ngày khó khăn...

Cho đến hiện nay, chủng virus Omicron xuất hiện, bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp, tôi cảm thấy cuộc sống trở nên mong manh, có những khi thảng thốt vì người thân của mình hôm qua còn trò chuyện hỏi thăm nhau, mà hôm nay đã ra đi. Vậy nên tôi thấy thương mến hơn người thân, người bạn, cả những người trước đây còn có xích mích. Bởi vậy chúng ta cần biết yêu thương nhau hơn, quý cuộc sống, biết sống nhường nhịn, chia sẻ, và biết tha thứ cho nhau nhiều hơn”.

“Bước chuyển công việc của tôi bắt đầu từ đầu năm 2021, Đại hội Nhà văn TPHCM tổ chức. Hội Nhà văn vốn nhiều chữ, nhiều chuyện, nên thường phức tạp. Thời điểm đó, tôi đang là Phó Tổng biên tập Báo Công an Thành Phố, đến dự như một hội viên bình thường, và được giới thiệu vào Ban chấp hành Hội. Tôi cũng đồng ý, rồi đi về sớm, đến chiều, nhận được thông báo tôi đã vào Ban chấp hành, còn trúng vị trí Phó Chủ tịch Hội. Lần đầu tiên trong Hội Nhà văn có một công an đang làm việc lại trúng cử vào vị trí như vậy, chứng tỏ tôi cũng được anh chị em tín nhiệm thương quý. Tôi thấy tự hào. Lúc đó có những thông tin về Tạp chí Văn nghệ TPHCM ra đời, nhập từ 3 tờ báo theo quy hoạch: Báo Văn nghệ Thành phố, Kiến thức Ngày nay và Kiến trúc & Đời sống. Vì nhiều lý do, bên cạnh đó, tôi còn đủ tuổi, đủ điều kiện để bổ nhiệm vào vị trí Tổng biên tập của tờ báo. Từ 37 năm làm công an, lương lên đại tá 8,1, tôi có khó khăn riêng khi làm Tổng biên tập của một tạp chí thuần tuý văn nghệ lớn, tuy nhiên, cũng có thuận lợi là hoạt động trong giới văn nghệ sĩ lâu, được anh chị em văn nghệ sĩ thương quý ủng hộ”.

Năm 2022, mong chờ đầu tiên của tôi là dịch bệnh chấm dứt. Tất nhiên bệnh dịch không thể chấm dứt ngay mà Covid-19 sẽ trở thành bệnh cúm thông thường, chúng ta sẽ sống trong một đời sống bình thường mới, giảm thiểu những người ra đi vì dịch bệnh, kinh tế thành phố phục hồi từng bước. Tôi cũng mong có sức khoẻ tốt để đảm đương vai trò nhiệm vụ mới”. n

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Bùi Anh Tấn: Khủng hoảng để yêu thương, nhường nhịn và chia sẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO