Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Viết văn khiến tôi hạnh phúc

Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện) 15/03/2021 19:00

Nhà văn Đỗ Bích Thúy chuẩn bị ra mắt 4 cuốn sách. Bản thảo đều đang trong nhà in. Với hai cuốn tái bản và hai cuốn in lần đầu. Hai cuốn tiểu thuyết, một tập truyện ngắn và một tập tản văn. Vẫn tiếp tục bền bỉ đề tài chính về miền núi và dân tộc thiểu số.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy.

PV:Chị đã đi qua một tuổi thơ đặc biệt khi sống trong không khí của núi rừng ngay từ khi sinh ra?

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Tôi không nghĩ nó đặc biệt, mà là nó thân thương với tôi. Bố mẹ tôi từ miền xuôi lên lập nghiệp ở Hà Giang từ cuối những năm 60 của thế kỉ trước. Tôi được sinh ra ở đấy. Chúng tôi sống trong một ngôi làng mà chủ yếu là người dân tộc Tày. Họ ở đấy lâu lắm rồi, chắc hàng trăm năm rồi. Bố tôi mua lại một khu rừng của họ, rồi dựng nhà, làm vườn, tít trong chân núi. Tôi lớn lên trong cái thung lũng ấy, phía nào cũng là rừng, xanh biếc, cao vút. Đi hết thung lũng thì ra đến sông Lô. Bên kia sông Lô lại là núi chồng lên núi. Tuổi thơ của tôi nằm gọn dưới cái vòm trời ấy. Yên bình, trong trẻo, hồn nhiên, an toàn. Tôi và bạn bè cùng lứa cứ thế lớn lên thôi. Con nhà lao động nên biết làm việc từ bé. Ngày ngày đi học một buổi, một buổi giúp bố mẹ làm việc nhà, lên rừng lấy củi, cắt cỏ nuôi cá, chặt chuối rừng về chăn lợn… Rồi lớn lên, học xa, đi làm xa, lấy chồng xa. Rồi sinh con đẻ cái, lập nghiệp ở nơi khác. Cái kí ức tuổi thơ nó cứ sống động mãi như thế. Cứ nghĩ về nó là thấy thân thương ngập tràn.

Gia đình và những người thân, người bạn đã ảnh hưởng tới tinh thần chị như thế nào?

- Trong gia đình thì người ảnh hưởng tới tôi nhiều nhất là bố tôi. Bố tôi là bộ đội, sau Điện Biên Phủ thì ông phục viên, ra ngoài làm việc ở các lâm trường, cho đến lúc nghỉ hưu. Bố tôi là người ngăn nắp và kỉ luật. Chúng tôi được bố rèn những đức tính ấy từ bé. Cho đến giờ tôi vẫn là người ngăn nắp, luôn tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc tự đặt ra. Bố tôi lại rất thích đọc sách, báo. Đến giờ, 90 tuổi rồi ông vẫn đọc sách báo, xem tivi, không một ngày nào ông dừng việc nạp thêm thông tin, kiến thức. Bố là tấm gương chưa bao giờ mờ nhạt trong cuộc đời tôi. Mẹ lại cho tôi sự mẫn cảm đặc biệt. Mẹ tôi tinh tế lắm. Tôi có hai anh trai và một chị gái. Chị tôi mất từ nhỏ. Còn lại ba anh em thì thân nhau từ bé, giờ vẫn thân. Mặc dù trong gia đình chẳng ai theo chữ nghĩa nhưng mọi người đều rất trân trọng lao động của tôi. Nói chung tôi cho rằng gia đình là môi trường đặc biệt quan trọng đối với quá trình trưởng thành của mỗi người. Nó thậm chí mang tính quyết định đối với việc hình thành nhân cách, thái độ sống, lối sống, lối ứng xử trong suốt cuộc đời.

Những ký ức tuổi thơ mà chị vẫn còn nhớ đến?

- Nhiều lắm. Tôi cảm giác mình chẳng quên gì cả. Kể ra thì phải một cuốn sách có khi mới hết. Có thể vì phần kí ức ấy được nạp vào khi bộ nhớ của mình còn trống trơn. Nó cứ thênh thang hồn nhiên mà trú ngụ nên cứ ở đấy mãi. Cũng có thể vì tôi rất hạnh phúc trong tuổi thơ ấy, nên nhớ lâu. Tôi cứ sống hồn nhiên trong cái thung lũng ấy, thong dong lớn lên. Thân thuộc với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, các con vật xung quanh. Tôi cũng mơ mộng nữa.

Sinh ra, chị có cảm giác mình đã thuộc về văn chương không?

- Tôi chẳng cảm giác gì cả. Lúc tôi còn bé, nhà có một cái tủ sách nhỏ. Tôi nhớ nó chỉ nhỏ như cái chạn bát thôi. Trong đấy để toàn sách mà bố và hai anh tôi thích. Từ lúc biết đọc thì trong đấy có gì tôi đã đọc hết rồi. Cũng chả ai bảo tôi nên đọc hay không nên. Rồi bố thấy tôi mê sách quá nên thỉnh thoảng cho đi theo đi chợ, rồi vào hiệu sách Nhân dân ở trung tâm thị xã mua cho vài cuốn. Tôi còn nhớ cả tên cô bán sách. Nhớ cô ấy rất xinh. Cô ấy là toàn bộ niềm mong chờ của tôi vào mỗi cuối tuần khi bố cho theo đi chợ, vì nhà tôi cách thị xã cả chục cây số. Nhà nghèo, mỗi lần bố chỉ mua cho 1-2 quyển thôi. Tôi bắt đầu biết nhà văn Vũ Tú Nam từ khi ấy. Có những cuốn của ông đến giờ tôi vẫn nhớ, vẫn thuộc chi tiết. Đọc hết sách thiếu nhi thì lại quay về đọc sách người lớn. Có những cuốn tôi đọc đến 4-5 lần. Nhớ cả trang nào bị thủng vì gián nhấm. Ví như cuốn “Mẫn và tôi” của Phan Tứ, tôi phải đọc đến 5 lần. Đọc đến nát nhừ cả cuốn sách. Đọc đi đọc lại vì tủ sách chỉ có bằng ấy cuốn thôi. Mẹ tôi cứ ngạc nhiên là tại sao biết nội dung rồi mà tôi vẫn cứ đọc đi đọc lại. Thực ra là tôi thèm chữ. Đọc cho đỡ thèm, thế thôi.

Rồi lớn một chút nữa thì bắt đầu nghĩ: Liệu mình có bao giờ viết được một cuốn sách không nhỉ? Sẽ thế nào nếu trên bìa cuốn sách tên tác giả là tên mình? Nói chung cũng cứ mơ mộng kiểu trẻ con thế thôi chứ có ai ở bên cạnh để chia sẻ hay động viên, hay khuyên nhủ gì đâu. Trong cái xó núi đấy chỉ có mỗi nhà tôi là có sách thôi.

Cho đến bây giờ, trải qua rất nhiều công việc liên quan đến văn chương và không, nhưng lúc nào cũng thấy trong chị sự day dứt với văn chương, cứ như là luôn thiếu nợ?

- Tôi không coi văn chương là món nợ. Viết văn khiến tôi thấy hạnh phúc. Hưng phấn do việc lao động chữ nghĩa mang lại nó không giống bất kì thứ hưng phấn nào trên đời. Vì thấy hạnh phúc khi được lao động mà tôi cứ viết mãi, chưa từng nghĩ bao giờ thì mình dừng lại. Thậm chí tôi nghĩ, nếu như một ngày nào đó không viết gì nữa có lẽ là ngày buồn bã nhất trong cuộc đời mình.

Thế nên dù bận rộn đến đâu chị vẫn viết?

- Viết chứ. Tôi viết hàng ngày. Bạn bè thường hỏi tôi cái câu mà đồng nghiệp hay hỏi: Dạo này viết gì? Tôi trả lời: Lúc nào tôi cũng đang viết một vài thứ. Là tôi nói thật đấy. Tôi luôn làm vài thứ cùng lúc. Luôn luôn có những việc đang làm dở. Thỉnh thoảng mệt quá tôi lại tự nhủ: Làm nốt cái này xong nhất định mình phải cho bản thân nghỉ một tuần. Trong một tuần đấy chỉ có chơi thôi. Nhưng thực tế thì chưa bao giờ tôi nghỉ đủ một tuần, kể cả tết. Chỉ cần hai ngày không động đến cái máy tính là tôi đã cảm thấy mình vô tích sự lắm rồi. Tôi sợ nhất là cảm giác mình vô tích sự. Chẳng làm được cái việc gì ra hồn, để thời gian trôi đi vô nghĩa.

Cuốn sách mới sắp phát hành lần này của chị viết trong thời gian bao lâu?

- Thời gian cho một cuốn sách thì tuỳ. Cuốn lâu nhất tôi viết mất khoảng 3 năm. Cuốn nhanh nhất, là tiểu thuyết “Chúa đất”, tôi viết trong 17 ngày. Viết xong cuốn đấy tôi bị ốm mất một tuần. Không ăn được, mất vị giác. Không ngủ được. Trống rỗng tuyệt đối. Không thấy buồn cũng không thấy vui. Tôi cứ làm mọi thứ phải làm trong ngày như một cái máy. Mất một tuần mới quay trở lại trạng thái bình thường được. Sau này tôi sợ, nên tôi quyết định không dồn sức làm việc kiểu đấy. Cứ làm thế khéo có ngày đột quỵ cũng nên (cười).

Chị thường viết vào những lúc nào?

- Vào bất kì lúc nào trong ngày. Lúc bận rộn thì có khi vừa… họp tôi vừa viết. Giờ thì hay viết ban đêm. Dù nó không tốt lắm cho sức khoẻ, nhưng ban đêm luôn là khoảng thời gian tôi thấy mình tư duy tốt nhất. Mọi thứ mạch lạc rõ nét nhất. Con cái lớn rồi nên mình quản lý thời gian của mình cũng thoải mái hơn.

Khi nhìn những đồng nghiệp có tài mà ngừng viết, chị có tiếc nuối?

- Không. Tôi quan niệm mỗi người có một mục đích, một lý lẽ. Văn chương cũng không phải cái gì quá cao siêu ghê gớm. Với tôi nó cũng chỉ là một nghề thôi. Và lao động văn chương không có nghĩa là quan trọng hơn các lao động khác trong đời sống xã hội. Thế nên nếu một đồng nghiệp nào đó từ bỏ văn chương thì tôi tin rằng họ đã suy nghĩ, cân nhắc rất kĩ. Chắc hẳn họ có lựa chọn khác phù hợp với mong muốn trong cuộc đời họ hơn. Tôi có những người bạn mà tôi rất quý chữ nghĩa của họ, tư duy của họ, nhưng tôi cũng nói nếu để có một tác giả mà mất đi một người có đóng góp xã hội đáng kể như họ hiện tại, thì tôi cũng không muốn. Văn chương với tôi, đầu tiên nó có ý nghĩa đối với bản thân người viết. Nó là nhu cầu tự thân, là khao khát được lao động mà không nhằm tới mục đích gì. Văn chương là lao động cực kì trong sáng. Nhưng văn chương cũng rất khó nuôi sống nhà văn và gia đình, mà người ta ai cũng phải gánh các trách nhiệm nặng nề. Nên chọn lựa việc đi cùng văn chương suốt đời hay chỉ một đoạn đường là tuỳ vào chọn lựa cá nhân. Tôi không bao giờ phán xét, càng không bao giờ bảo đúng sai.

Với chị, văn chương không chỉ là tài năng, mà còn đến từ sự chăm chỉ cần mẫn học hỏi nữa?

- Tất nhiên. Tài năng nói chung với văn học - nghệ thuật, người ta nói nó chỉ chiếm 1% thôi. 99 % là nỗ lực lao động, rèn luyện, tích luỹ. Tất nhiên nếu không có cái 1% kia thì nỗ lực bằng nào cũng chẳng đi đến đâu, quá lắm là thành một thợ viết thôi.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy trong một lần trở về vùng cao.

Nhưng quan trọng nhất, là không từ bỏ nó, mỗi ngày cần ngồi vào bàn để viết, duy trì một cách nhẫn nại?

- Tôi không biết việc viết hàng ngày có phải là quan trọng nhất đối với một nhà văn hay không. Vì có người tôi biết họ có thể bỏ bẵng vài tháng, thậm chí vài năm, hàng chục năm không viết một chữ nào. Khi quay lại văn chương họ vẫn huy hoàng rực rỡ. Tôi thì như đã nói ở trên, tôi viết hàng ngày. Thực sự nó là nhu cầu của tôi.

Thực ra để viết được văn, còn phải đủ mạnh mẽ để chọn cho mình hoàn cảnh phù hợp nữa, nhất là khi nhu cầu vật chất ngày càng tăng cao, người viết phải đối mặt với trách nhiệm vật chất không chỉ bản thân mà còn cả gia đình?

- Hoàn cảnh không phải là thứ chúng ta dễ dàng chọn. Thường thì người ta nói ai đó bị “rơi” vào hoàn cảnh nọ kia. Tôi thì thường tự xoay sở để lúc nào cũng có thể viết được, không phải bỏ bẵng đi. Trong cái sự xoay sở đấy bao gồm cả việc lo toan mọi thứ trong cuộc sống gia đình. Xoay sở, thu xếp để mình vẫn có một khoảng thời gian, không gian để viết. Tôi luôn tâm niệm: Mọi điều trong cuộc sống, trong đó có văn chương, muốn thì sẽ làm được. Không muốn thì sẽ có lý do. Khi đã không muốn thì chúng ta thường có xu hướng tìm ra lý do để biện minh. Còn khi đã muốn thì cứ lẳng lặng mà xoay sở thôi.

Việc viết, nhiều khi như một sự xa xỉ và nên dành cho những ai không bị sự chuyển động của muôn mối quan hệ trách nhiệm đời thường quấy quả?

- Không đúng. Làm gì có ai không có các mối quan hệ đời thường quấy quả? Trừ những người đã từ bỏ cuộc sống thường nhật, theo con đường tu tập. Nếu mà đòi hỏi như thế thì thế gian này liệu có được mấy nhà văn? (cười).

Quá trình viết một cuốn tiểu thuyết của chị thường diễn ra ra sao?

- Nghĩ cốt truyện, xây dựng đề cương, xây dựng profile của mỗi nhân vật, sự liên kết giữa các nhân vật, diễn biến của các mối quan hệ v.v… Tóm lại những gì bạn đọc thấy ở một cuốn tiểu thuyết thì nó hầu như đã được tác giả nghĩ đến từ trước khi triển khai chương đầu tiên. Tất nhiên có những cuốn từ lúc mình nghĩ đến lúc viết xong nó diễn biến khác hẳn đi so với dự kiến. Kiểu như nó có thân phận riêng của nó và nó cứ chạy băng băng đi thôi. Cái này đôi lúc nghĩ lại tôi thấy buồn cười lắm. Y như là nhân vật tự có ý chí riêng và nhất định không tuân theo ý đồ của tác giả vậy.

Cảm xúc, suy nghĩ của chị với thân phận từng nhân vật?

- Tôi luôn yêu các nhân vật của tôi, kể cả nhân vật phản diện. Cái này có lẽ thuộc về tính cách. Tôi ít ghét ai, thật thà đấy. Thường là chưa đủ ghét, mới chỉ cảm thấy họ không hợp với mình thôi, là mình đã lặng lẽ lùi xa rồi. Cũng nghĩ có thể mình hiểu sai họ thì sao? Hiểu sai dẫn đến ghét thì phải tội. Thế nên cứ lùi ra cho chắc. Mà tôi cảm thấy ghét ai đấy thì mình mệt lắm. Mình mệt trước khi họ nhận ra là mình ghét họ. Thế nên khi tôi viết về các nhân vật của mình cũng vậy. Rõ ràng là nhân vật phản diện hẳn hoi, mà thế quái nào viết xong mình vẫn thấy họ có cái đáng thương, cũng có cái đáng yêu. Và nói chung vẫn có tâm trạng tha thứ được, đại loại vậy. Thâm tâm thì tôi nghĩ là con người ta không có ai xấu hết, mà cũng không có ai tốt toàn diện. Có lẽ là do hoàn cảnh sống mà có thể cái tốt nó được thúc đẩy vượt trội lên, nhấn chìm cái xấu đi. Hoặc ngược lại. Còn trong hoàn cảnh mà người ta thấy xấu lại có lợi hơn tử tế, chỉ cần một tích tắc nghĩ về cái lợi thôi là đã sa ngay vào hố rồi.

Chị là một người đã có rất nhiều thành công trong văn chương bắt đầu từ chính tài năng bản thân?

- Tôi không dám nói là mình “có nhiều thành công”. Tôi chỉ có thể dám chắc rằng tôi chưa bao giờ ân hận vì mình đã gắn bó với lao động văn chương. Tôi luôn thấy hạnh phúc khi viết. Còn tài năng thì như tôi nói ở trên đấy, nó chỉ chiếm 1% thôi. Tôi viết được đến giờ còn do may mắn nữa. May mắn lớn nhất là chọn được đề tài “ruột” để có thể gắn bó cả đời mà không sợ hết vốn. May mắn thứ hai là làm việc ở một nơi mà văn chương là không khí để thở mỗi ngày.

Thực ra sau tất cả sự rạng rỡ ấy, văn chương mang lại cho chị những gì, và lấy đi những gì?

- Tôi chỉ thấy được chứ chưa thấy mất gì từ văn chương cả. Đấy là công việc yêu thích nhất của tôi, và tôi nghĩ cũng là việc mà mình có thể làm tốt nhất trong cuộc đời. Mình chọn nó và nó cũng chọn mình. Thế nên bao năm nay tôi vẫn cứ yên tâm mà viết văn thôi.

Chị có thích đọc sách, thể loại, tác giả nào làm chị thích thú tìm đọc?

- Tôi tin là nhà văn nào cũng mê sách. Tuỳ từng giai đoạn trong cuộc đời mà tôi tập trung vào những thể loại khác nhau. Ví như lúc trẻ thì cứ vớ được cuốn nào hay, nổi tiếng là cắm đầu đọc. Sau đó thì vì công việc cần đến nhiều tài liệu, cần hiểu sâu hơn về những gì mình đang viết thì tôi dành thời gian cho các cuốn khảo cứu, sưu tầm, biên soạn. Rồi tranh thủ đọc sách của bạn bè. Đọc để xem các bạn đi đến đâu, đi đường nào. Đọc để biết mà tránh những lối người ta đã đi. Cửa người ta đã mở từ tám đời mà mình vẫn hăm hở ý định đẩy ra thì quá vô nghĩa rồi. Tôi cũng thích các cuốn sách về các lịch sử, thiên văn, xã hội học…

Từng giữ vai trò quản lý một tờ báo chuyên về văn chương, làm thế nào để chị cân bằng được giữa việc sáng tác và trách nhiệm báo chí của mình?

- Tôi là người có khả năng thích nghi. Tôi tự cảm thấy là mình có cái tố chất đấy. Kiểu gì tôi cũng sống được. Tôi mệnh thuỷ. Thứ mà tôi thấy ví với mình giống nhất, đấy là nước. Mạnh mẽ như nước cũng uyển chuyển như nước. Cuộc sống cá nhân của tôi khá vất vả. Tôi giữ cương vị phó tổng biên tập đúng 10 năm. Không cần mô tả thì ai cũng hình dung được là mất không ít thời gian, tâm trí. Nhưng như tôi nói ở trên đấy: Muốn sẽ làm được, không muốn sẽ có lý do. Mà tôi thì muốn làm nhiều thứ. Tôi muốn làm một bà mẹ gương mẫu, chăm sóc tốt cho con cái; Tôi muốn làm một đứa con hiếu thảo, quan tâm được bố mẹ già; Tôi muốn là một người lính tuân thủ kỉ luật quân đội, làm tốt công việc được giao; Tôi lại cũng muốn vẫn là nhà văn, lao động chăm chỉ, ra sách đều đặn. Tôi cũng muốn mình là người đáng mến trong mắt bạn bè nữa… Và cứ thế mà tự xoay sở thu xếp thôi. Cứ có thế nào thì sống đúng như vậy, chân thành và chất phác, và luôn tận tuỵ với cuộc đời.

Hiện nay, việc được chuyên tâm vào sáng tác đã mang đến cho chị tinh thần, nhịp sống mới ra sao?

- Tôi thấy mọi thứ đều ổn. Tôi thích cuộc sống hiện tại. Thời gian nhiều hơn, yên tĩnh hơn, thong dong hơn, quan sát, suy nghĩ về mọi thứ điềm tĩnh hơn, sâu sắc nhiều chiều hơn. Cuộc sống cũng bớt áp lực đi do con cái đã lớn, do giảm được gánh nặng trách nhiệm ở cơ quan. Chỉ còn mỗi cái việc sống cho nghiêm ngắn giữ đúng phẩm chất, bản lĩnh người lính và lao động chăm chỉ thôi. Việc đấy tôi làm được (cười)

Dường như chị luôn có khả năng để tạo ra cho bản thân sự bình ổn, trong văn chương chị chìm đắm, day dứt và không ngừng sáng tạo thông qua ngôn từ cũng như cách biểu cảm để mỗi lời văn đi vào trái tim người đọc, nhưng ở ngoài cuộc sống, chị vẫn giữ được sự tỉnh táo cân bằng xử lý mỗi khó khăn khi tới, chị đã làm thế nào?

- Tôi luôn cố gắng đơn giản hoá mọi việc trong cuộc sống. Việc to cho là việc nhỏ, việc nhỏ coi là không có gì. Tất nhiên nói thì dễ, làm thì khó. Nhưng khi quan niệm như thế thì tự nhiên mình sẽ tin là mình giải quyết được mọi điều đang đến, sẽ đến. Tất nhiên cũng do cuộc sống đã trải qua nhiều thử thách, cũng không ít trồi sụt thăng giáng, con người mình tự nhiên nó cũng cứng rắn hơn, thông thái hơn.

Văn chương là văn chương, cuộc sống là cuộc sống. Tôi không cho hai thứ đó chập vào làm một. Tôi có những người bạn thân, rất thân, có khi cả đời bạn không đọc một trang sách nào của tôi. Bạn không cần biết tôi là ai ngoài việc tôi là bạn của bạn, từ cái thời còn hồn nhiên như một trang giấy trắng. Tôi luôn nghĩ đến cái cách bạn yêu quý mình mà không cần biết mình có phải là một nhà văn hay không để ý thức rõ ràng một điều rằng: Cuộc sống thực sự của mình không bao giờ là cuộc sống trong văn chương. Con người thực của mình, dù mình có viết văn hay không, thì vẫn chính là mình. Mình phải sống bằng cái con người cha sinh mẹ đẻ ấy, bằng tất cả sự tử tế mà cha mẹ đã dạy dỗ.

Tôi thích sự bình yên. Bình yên mang lại năng lượng tích cực và khiến tôi luôn yêu cuộc sống. Dù có làm gì đi nữa, cuối cùng tôi vẫn muốn được trở về trong cảm giác yên bình, thanh tĩnh, lương thiện.

Niềm vui của chị ngoài văn chương là gì?

- Nhiều chứ. Tôi thích sống mà. Được làm mọi điều mình muốn chính là thứ mà tôi biết ơn cuộc đời nhất.

Cuộc sống hiện nay của chị ra sao? Và dự định của chị trong tương lai?

- Tôi bình yên, như bạn cảm nhận đấy. Tôi làm việc, chăm sóc con cái, dành thời gian cho những chuyến đi, quan sát cuộc sống. Tôi là người luôn xây dựng các kế hoạch cho bản thân. 5 năm, 10 năm, 15 năm. Nhưng đấy là việc cá nhân, tôi không muốn nói toáng lên (cười).

Cảm ơn chị nhiều và chúc chị mãi hạnh phúc cùng văn chương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Viết văn khiến tôi hạnh phúc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO