Những người thân cận, tiếp xúc nhiều với nhà văn Lê Lựu đều cho rằng ông có một cuộc đời nhiều gian nan, bão tố. Nếu không như vậy, làm sao ông có thể viết những tác phẩm gây rúng động cõi lòng đến như thế. Thế nhưng, không hiểu sao khi gặp và trò chuyện cùng nhà văn, ông chỉ thích kể chuyện xưa, chuyện đời lính bằng chất giọng vui vui, đã hơi lạc đi vì những chấn động đau yếu. Và qua cách kể rất chi tiết cho thấy một trí tuệ minh mẫn. Đời lính của Lê Lựu dường như là một quãng đời mà nhà văn luôn ấp iu, cất giữ, vạch xuất phát có phần đơn giản nhưng là bước đệm quan trọng để ông bước vào đường văn với những sải dài chắc chắn.
“Cuộc đời bác bề ngoài lặng lẽ nhưng bên trong rắc rối âm thầm, bão táp ghê lắm. Lên 4 - 5 tuổi vừa đi học vừa phải chăn trâu, đi làm ruộng, tra ngô, nuôi mẹ, rồi đưa mẹ đi chữa mắt. Đến khi đi bộ đội, nhà nghèo, cố gắng phấn đấu làm một anh lính đã khó, lại còn là anh lính viết văn, trình độ kinh nghiệm, trải nghiệm ở đời chưa có…” – Đó là những trải lòng của nhà văn Lê Lựu, khi ông còn khỏe, khi cánh phóng viên chúng tôi hỏi tới, chạm tới nguyên cớ bắt đầu nghiệp văn của ông.
Thế rồi, một ngày đầu thu cách đây đã gần chục năm trong căn nhà ở đường Tam Trinh, dọc sông Kim Ngưu đã từ lâu cạn dòng, ông đưa chúng tôi trở về “thời xa vắng” ấy bằng giọng kể hụt hơi, đứt quãng, hậu quả của những cơn đau bệnh dày vò hàng chục năm trời. Tiểu đường, bệnh tim, bệnh gút, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến… mắc một chứng đã đủ mệt mỏi, chừng ấy căn bệnh dày vò nhà văn, vậy mà ông vẫn gượng dậy, gượng viết và gượng sống. Lê Lựu đấy, sức vóc nông dân, sức vóc người lính một thời chỉ còn hiển hiện trong ánh mắt vẫn như chan chứa cả một trời ký ức sinh động đời thường.
Năm 17 tuổi, anh chiến sĩ thông tin xuất thân từ đồng cói Hưng Yên có cái tên chân quê - Lê Lựu chân ướt chân ráo vào bộ đội. Ngay những ngày đầu trong quân ngũ, đêm đêm, trong khi các đồng đội trẻ say ngủ sau một ngày luyện tập, trong tấm màn rêu chăng kín khung giường tập thể, Lê Lựu mê mải viết.
Cứ như vậy, ròng rã tới mấy năm không ngủ, ngày ra thao trường, đến các chốt trọng điểm, đêm đêm anh lính trẻ lại “cạy cục” với từng con chữ. Nói là “cạy cục” bởi như nhà văn Lê Lựu tự nhận, thời điểm ấy vừa mới rời đồng ruộng, vẫn bản chất “anh nông dân cạn nghĩ nên viết lách vất vả chứ không được như người ta”. Thì ai chẳng một thời như thế, một thời say mê đầy tin tưởng, dẫu sau này là cây bút nổi tiếng tới đâu thì thuở ban đầu vẫn cứ viết tràn ra, nghĩ gì, thấy gì viết nấy.
Đời lính với những đêm không ngủ, thành quả của Lê Lựu ngày ấy là chức Ủy viên thông tin, những tin bài về người tốt việc tốt vang lên trên sóng phát thanh của trung đội, đại đội. Nhưng hoài bão của anh lính trẻ là được đăng nhật trình đàng hoàng.
Chẳng là khi còn đương độ thiếu niên, Lê Lựu có một ông chú rất sành hiểu chuyện đông tay kim cổ, thường hay tụ bạ bạn hữu chuyện đời. Những đêm sáng giăng, các ông rải chiếu hút thuốc, uống nước chè với nhau, kháo chuyện về những người viết nhật trình, rằng thì đó là những bậc cao nhân, bậc thầy rất giỏi chữ nghĩa. “Lỏm” chuyện của các bậc cha chú, trong tâm trí của cậu bé chân đất Lê Lựu bỗng nhiên tự vẽ ra một con đường tương lai: “Quyết chí trở thành một người viết nhật trình”.
Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12/12/1942 tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông đã viết nhiều tác phẩm đặc sắc, giành được nhiều giải thưởng như: Giải Nhì báo Văn nghệ 1968 cho truyện ngắn “Người cầm súng”, Giải A Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990 trao cho tiểu thuyết “Thời xa vắng”, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I... Trong các tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu, một số tác phẩm được dựng thành phim đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả như: “Thời xa vắng” và “Sóng ở đáy sông”.
Được lên sóng phát thanh trung đội, đại đội vẫn chưa “thỏa”, Lê Lựu trằn mình ra viết, đến bốn năm chục bài báo gửi đi biệt tăm không hồi âm, không đăng tải. Mãi tới khi “ngoáy” bút ra một cái tin 6 dòng chỉ 26 – 27 từ về thành tích diệt ruồi của đại đội rồi được đăng trên tờ báo của Quân khu 3, ước mơ của anh lính mê viết mới thành hiện thực.
Chừng ấy thôi cũng khiến Lê Lựu “sướng rơn người, đỏ dừ mặt mũi” khi được đồng đội trêu là “anh nhà báo”. Hình ảnh ông chú và bạn hữu quây quần nắc nỏm bên tờ nhật trình lại hiện về trong tâm trí.
Nhà văn Lê Lựu tự nhận thời là lính thông tin, bản thân có sức khỏe, đêm nào cũng thức viết đủ thứ chuyện thường ngày nhưng ngày hôm sau vẫn thức dậy đúng giờ, tập luyện quy củ. Trong khi các đồng đội ngại nhất “khoản” gác đêm thì Lê Lựu lại rất “khoái” mỗi khi đến phiên gác.
Những lúc ấy, giữa đêm khuya thanh vắng, anh lính trẻ lựa lấy một góc tường có hắt chút ánh sáng, với mẩu giấy và cây bút con con hí hoáy, những dòng chữ tuôn ra. Và thế là đến một kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Lê Lựu được đi báo cáo thành tích với hai nhiệm vụ xuất sắc là chuyên cần gác đêm và lấy phân tăng gia. Dần dà Lê Lựu được cất nhắc lên thành thông tin viên của báo quân khu, được đi học ở Hội Nhà văn, về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Tới năm 1962, chiến sĩ thông tin Lê Lựu cùng với một nhà thơ trẻ mới nổi lúc bấy giờ là Đào Mạnh Thông (Tức nhà thơ Trúc Thông) và một chiến sĩ khác thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc là Hoàng Văn Nghiên (sau này là Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội) được sung vào Tổ tuyên truyền của Đại hội thi đua ngành Thông tin. Bộ ba cùng sống và làm việc với nhau mấy tháng trời, tình cảm thân thiết như anh em ruột thịt. Ông Hoàng Văn Nghiên cũng là người đã tạo điều kiện để nhà văn Lê Lựu thành lập nên trụ sở Trung tâm Văn hóa, đơn vị chuyên về văn hóa doanh nghiệp, nơi hội ngộ của các nhà văn và người làm kinh tế. Nghĩa tình đời lính với Lê Lựu thật đáng trân trọng.
Xuất ngũ rồi, bản chất quần quật lo nghĩ và lao động vẫn được nhà văn Lê Lựu phát huy trong suốt đời viết, đời thường. Ông đi khắp nơi, ra cả nước ngoài, viết văn, viết báo, viết kịch bản phim, kiếm tiền, sáng lập Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, Tạp chí Văn hóa Doanh nhân, thành lập Quỹ nhà văn Lê Lựu.
“Thì tôi xuất thân là lính, làm việc gì làm bằng được, làm cho hết sức mình, dẫu chết trên bàn viết thì cũng phải hoàn thành các dự định. Riêng viết văn, tôi dồn hết sức, không để dành lại cái gì, sống chết với trang viết” – năm 2014, sau mấy lần tai biến, giọng đã lạc đi nhưng khi thốt ra những lời ấy, âm sắc trong lời nói của ông bỗng vang hẳn lên, rõ ràng, khúc chiết, khẳng khái. Nhiệt huyết còn hăng hái nhưng lực bất tòng tâm. Chợt nghĩ nếu trời còn cho nhà văn sức khỏe, hẳn ông sẽ còn viết, còn làm được những việc ý nghĩa cho đời.
Từ những mẩu tin vụn đầu đời lính đến những tác phẩm kinh điển thời chiến như truyện ngắn “Người cầm súng” (1970), tiểu thuyết “Mở rừng” (1976) và bộ ba tiểu thuyết kinh điển: “Thời xa vắng” (1986), “Chuyện làng Cuội” (1991), “Sóng ở đáy sông” (1994)… là cả một hành trình gian nan trải nghiệm và rèn giũa ngòi bút. Ông đã bước tiếp, bước tới với văn chương bằng một trái tim nóng bỏng luôn thôi thúc viết, sáng tạo, ghi lại những câu chuyện, những thân phận con người cháy bỏng tâm can. Cuối cùng, văn chương đã làm rạng danh Lê Lựu, bõ công bao đêm không ngủ, bao đêm phiên gác heo hắt ánh đèn soi tay viết đời lính thông tin.
Người viết nào cũng có một thời như thế, “Một thời lầm lũi” như tên một tác phẩm Lê Lựu, nhưng không phải ai cũng thành danh trong văn chương được như ông. Và cũng không phải ai, nhà văn đã thành danh nào cũng thành thực mà kể lại cái buổi ban đầu có vẻ ngô nghê ấy. Họ xem đó như một quãng đáng quên, chẳng có gì đáng để nhắc tới.
Nhưng bất chấp những tháng năm dài, những cuộc đi về, danh vọng và bao cơn tai biến trong đời, tác giả của “Thời xa vắng” vẫn cứ nhớ về những ngày ấy. Sau tất cả, con người ai rồi cũng hướng vọng về một thời trong vắt, trong veo từng ý nghĩ, từng hành động.
Sự thành tâm, ý chí, nghị lực của nhà văn, người lính xuất thân nông thôn đã được đáp đền xứng đáng. Nhà văn đã yên nghỉ nhưng vẫn còn đó những tác phẩm hãy còn vang lộng sức sống truyền sinh từ chính cuộc đời của ông, từ thuở mới cầm bút viết văn, làm báo.
Từ những mẩu tin vụn đầu đời lính đến những tác phẩm kinh điển thời chiến như truyện ngắn “Người cầm súng” (1970), tiểu thuyết “Mở rừng” (1976) và bộ ba tiểu thuyết kinh điển: “Thời xa vắng” (1986), “Chuyện làng Cuội” (1991), “Sóng ở đáy sông” (1994)… là cả một hành trình gian nan trải nghiệm và rèn giũa ngòi bút. Ông đã bước tiếp, bước tới với văn chương bằng một trái tim nóng bỏng luôn thôi thúc viết, sáng tạo, ghi lại những câu chuyện, những thân phận con người cháy bỏng tâm can. Cuối cùng, văn chương đã làm rạng danh Lê Lựu, bõ công bao đêm không ngủ, bao đêm phiên gác heo hắt ánh đèn soi tay viết đời lính thông tin.