Nhà văn Ma Văn Kháng: Viết từ những hồi ức

Hoàng Thu Phố 07/11/2020 19:00

Nhà văn Ma Văn Kháng viết nhiều thể loại, và gặt hái được nhiều thành công với tiểu thuyết, truyện ngắn. Có thể nói, những tiểu thuyết như “Đám cưới không có giấy giá thú”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Mưa mùa hạ” cùng hàng trăm truyện ngắn đã định vị một tên tuổi Ma Văn Kháng trong nền văn học Việt Nam đương đại.

Nhà văn Ma Văn Kháng.

1. Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh năm 1936 tại làng Kim Liên - Hà Nội. Mấy năm nay ông phải sống chung với… thuốc. Nhà văn từng mô tả rằng, mỗi ngày phải uống một "vốc thuốc". Nghe đã thấy e, thấy ngại. Nhưng cứ qua tuổi "thất thập" ai mà không phải "làm quen" với thuốc thì người đó thật may mắn. Vậy thì lão nhà văn Ma Văn Kháng được bác sĩ kê toa thuốc cũng có thể hiểu được. Song có điều vui, là vẫn thấy ông ra sách mới. Cuốn nào ông cũng coi là cuốn cuối cùng. Có thể là cách ông nói vui với bạn bè, với giới truyền thông, song đó cũng có thể là suy nghĩ thật của ông, bởi trước bệnh tật không nói trước được điều gì.

Những cuốn sách gần đây của Ma Văn Kháng như "Chuyện của Lý" (tiểu thuyết), "Xa xôi Thôn Ngựa Già" (tập truyện vừa), "Nhà văn anh là ai?", "Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương" (hồi ký), "Phút giây huyền diệu" (tiểu luận và bút ký) cho người ta cảm giác ông viết bằng hồi ức, bằng những câu chuyện xưa cũ, những tháng ngày trai trẻ ông đã sống, đã rong ruổi trên vùng cao.

Phải nói Ma Văn Kháng là người có trí nhớ phi thường. Chính ông cũng thừa nhận: «Bộ óc con người là một tổ chức vô cùng tuyệt diệu. Nó ghi nhớ được bao nhiêu điều mà có lẽ không một máy móc nào thay thế được. Hoặc máy móc thì có thể ghi nhớ hàng triệu hàng tỷ sự kiện hơn cả bộ óc người! Nhưng còn hương sắc, mùi vị, tâm trạng, cảm xúc, ảnh hình? May mắn, khi tuổi đã cao, sự sa sút trí tuệ đã xuất hiện, tôi vẫn còn chút minh mẫn để nhớ lại các chuyện đã xảy ra cách đây 70 năm, với nhiều hương vị sắc màu xúc cảm riêng".

Nhà văn từng chia sẻ, thuở nhỏ rất thích văn học, nên đã viết gửi các cuộc thi của nhà trường. Tuy vậy hồi ấy ông không nghĩ mai này sẽ là nhà văn. Lớn thêm chút nữa ông đọc nhiều tiểu thuyết lãng mạn và trong thâm tâm chàng trai Đinh Trọng Đoàn bắt đầu tâm niệm mình sẽ phải viết. Sau khi học xong Sư phạm, bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời, có lẽ là quyết định đi Lào Cai lập nghiệp. Bắt đầu là anh giáo dạy trường cấp 2. Đến năm 1961 về Hà Nội học Đại học Sư phạm Hà Nội I. Năm 1963 lại ngược lên Lào Cai dạy Văn rồi làm hiệu trưởng trường cấp 3. Đang làm hiệu trưởng thì ông được điều về làm thư ký cho Bí thư Tỉnh ủy Lao Cai. Đến thời kỳ sáp nhập 3 tỉnh Lao Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ, thừa nhân sự, ông mới có cơ hội xin về Hà Nội. Gần 1/4 thế kỷ sống và làm việc trên rẻo cao đã để lại trong ông những ân tình và giúp cho ông có vốn sống dày dặn về phong tục, tập quán của người vùng cao. Vì thế, khi cầm bút sáng tác, những trang văn của ông thấm đẫm sương mù, gió lạnh và con người vùng núi cao cũng là điều dễ hiểu.

Với đề tài thầy giáo và nhà trường, Ma Văn Kháng có 2 cuốn tiểu thuyết đình đám là cuốn “Đám cưới không có giấy giá thú” và “Gặp gỡ ở La Pán Tẩn”. Bên cạnh đó, những truyện ngắn của ông cũng là nơi chân dung người giáo viên hiện ra đậm đặc như "Người đánh trống trường", "Thầy Khiển", "Thầy Phùng kỳ quặc"… Đó là những tấm chân dung vui có, buồn có, nhưng thấm đẫm tình người nơi vùng núi cao heo hút.

Từ truyện ngắn đầu tiên đăng trên báo Văn học tháng 3/1961 tới nay đã gần 60 năm. Đó là một quãng thời gian không thể nói là ngắn, và điều đó đã mang đến cho ông một sự nghiệp văn chương khá đồ sộ. Cái tên Ma Văn Kháng luôn đảm bảo cho người đọc, dù cái tên ấy chưa bao giờ có sách bán chạy trên thị trường. Ma Văn Kháng có thể coi là một hình mẫu nhà văn cặm cụi với công việc. Chính ông, cũng đã buông lời cảm thán: Nghĩ lại quãng đời viết văn của mình, tôi thấy hơi bất ngờ là tại sao mình lại bền bỉ, chịu thương chịu khó đến thế! Với Ma Văn Kháng, nghề văn cũng như bất cứ nghề nào khác, điều quan trọng là làm được một việc mà mình yêu thích.

Ông thường tâm niệm, viết văn trước tiên là kể câu chuyện về số phận con người, sự đấu tranh của mỗi người để hướng tới cái đẹp cái thiện. Bây giờ nhìn lại đời văn của mình, nhà văn Ma Văn Kháng vẫn thường cảm ơn những năm tháng sống và làm “một ông thầy thực thụ, đúng nghĩa” trên Lào Cai. Đó là một thời không thể nào quên, nó trang bị cho ông vốn sống, để sau này trở thành chất liệu vàng ròng làm nên những tác phẩm văn học nổi tiếng về các dân tộc vùng núi phía Bắc, như: “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Vùng biên ải”, “Gặp gỡ ở La Pán Tẩn”, “Một mình một ngựa”…

Là người nhớ lâu, viết kỹ, những câu chuyện của ông một lần nữa hiện ra sống động trong cuốn hồi ký "Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương". Những trang viết được chưng cất qua ký ức, qua kỷ niệm, qua những niềm vui nỗi buồn của đằng đẵng nửa thế kỷ cầm bút, nó mang tới cho người đọc một bức tranh đầy tâm trạng, có đủ bi ai, thậm chí cả phẫn uất nhưng cũng không thiếu sự hóm hỉnh… Ở đó, ông không chỉ viết - kể - bình về một số con người - nhân vật đã từng gây xôn xao mà qua đó, như một phép thử đối với xã hội. Có ý kiến cho rằng, nếu đọc kỹ và soi chiếu hướng viết, nội dung viết này với nội dung và tính cách các nhân vật trong trong "Đám cưới không có giấy giá thú", "Mưa mùa hạ", "Một mình một ngựa" của Ma Văn Kháng, ta sẽ thấy có sự nhất quán trong tư tưởng chủ đề của toàn bộ sáng tác của ông hơn.

2. Dù viết nhiều thể loại, nhưng tôi luôn nghĩ, sẽ thiếu sót khi nhắc về đời viết của Ma Văn Kháng mà không nhắc tới cuốn “Mãi mãi một thời Thiếu sinh quân”. Đó là cuốn sách gần đây nhất của ông, được viết bằng những mảnh hồi ức chợt hiện.

Đây không phải là tiểu thuyết, cũng không phải truyện ngắn, mà tác giả ghi trên sách “ký sự tiểu thuyết”. Một cuốn ký sự tiểu thuyết có lẽ duy nhất trong đời văn của nhà văn Ma Văn Kháng. Khi cuốn sách ra mắt, tôi đã gặp nhà văn Ma Văn Kháng - khi đó ông hoàn toàn minh vẫn - để hỏi, cơn cớ vì sao ông gọi là ký sự tiểu thuyết?

Nhà văn trò chuyện với tôi một cách chân thành. Ông bày tỏ: Cuốn sách viết về giai đoạn các em thiếu niên sau thời gian góp sức cùng lớp đàn anh trên các mặt trận kháng chiến, được sự quan tâm săn sóc của Bác Hồ, Tổng Quân ủy Trung ương trở về mái trường Thiếu sinh quân để học tập, rèn luyện. Cơ sở để tạo nên cấu trúc của cuốn sách này chính là các sự kiện có thật trong lịch sử biên niên của trường Thiếu sinh quân Việt Nam đã tồn tại từ đầu năm 1949 đến giữa năm 1951.

Tuy vậy, nhà văn Ma Văn Kháng không muốn dừng lại ở những ghi chép, tư liệu. Ông, trong tư cách của một nhà văn lão luyện, muốn biến nó thành một thiên tiểu thuyết có đầu có cuối, có cốt truyện để khắc họa lại “hương vị của một thời đại”. Bên cạnh đó, nhà văn Ma Văn Kháng cũng cho rằng, tiểu thuyết chính là nơi lưu giữ bóng hình cuộc sống. Lưu giữ một cách trung thành và đầy đủ nhất!

Một lý do nữa không thể không nhắc tới cuốn này trong đời văn của Ma Văn Kháng, là bởi, dù cuốn này được viết khi nhà văn đã ở tuổi 83, song đây lại là cuốn ông viết nhanh nhất, và ông nói vui, đó là tốc độ viết “phi mã”: viết trong vòng 28 ngày (từ ngày 23/4/2018 đến ngày 18/5/2018). Ngoài cảm xúc và tài năng của nhà văn thì đây là cuốn sách được hoàn thành với sự “đặt hàng” đề tài của đơn vị xuất bản. Nhưng, có chi tiết này đáng lưu ý, khi gửi bản thảo tới nhà xuất bản để in, nhà văn đã sửa lại ngày khởi viết tác phẩm: 23/4/2016. Tức là lùi lại 2 năm. Tại sao ông làm điều này? Nhà văn hóm hỉnh bảo rằng, cố ý như vậy, để khỏi phải rầy rà khi có ai nghi ngờ sao viết nhanh thế.

Khởi thủy cuốn sách có tên là “Một thời trai trẻ Thiếu sinh quân”, nhưng sau đó khi xuất bản được đổi thành “Mãi mãi một thời Thiếu sinh quân”. Cuốn sách dày 286 trang, gồm 19 chương. Nhân vật chính là Trọng Đoan - một thiếu niên sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản, bắt đầu cuộc đời là đội viên một Đội truyền bá vệ sinh của Cục Quân Y, trải qua bao gian khó trong học tập và rèn luyện, đặc biệt, phải đối mặt với thử thách lớn lao là sự mất mát đau thương của người cha, đã từng bước lớn lên và trưởng thành trong môi trường Thiếu sinh quân.

Nhân vật Trọng Đoan cũng có thể coi chính là hình bóng của tác giả - nhà văn Ma Văn Kháng. Cùng với Đoan là Hoàng Đình Toàn - hình bóng của dịch giả Thúy Toàn - một thiếu niên chín chắn, đĩnh đạc... Cái quý của cuốn sách này, theo tôi, chính là ở sự lựa chọn đề tài. Trong khi nhiều cuốn sách viết cho, viết về thiếu nhi lựa chọn những đề tài quen thuộc như chuyện đồng quê, kỷ niệm tuổi thơ với những trò chơi quen thuộc thì Ma Văn Kháng “chịu chui đầu” vào một đề tài lạ. Đó là thiếu sinh quân.

Thiếu sinh quân là một trong những trang sử vẻ vang một thời. Nhưng những tư liệu về thời này hiện còn không nhiều. Ngay cả Tổng cục Chính trị cũng không còn lưu giữ được mấy. Thế nên, việc có một cuốn sách cho thiếu nhi viết lại một lứa thiếu sinh quân trong kháng chiến chống Pháp cách đây 7 thập niên là vô cùng quý.

“Mãi mãi một thời Thiếu sinh quân” có thể không hấp dẫn được số đông độc giả thiếu nhi hiện nay và không trở thành bestseller, song những trang viết của nhà văn Ma Văn Kháng có giá trị khơi dòng. Nó đánh thức những ký ức ngủ yên trong một lớp người đã qua thời thiếu sinh quân sôi động. Nó khơi ngợi cho người đọc hôm nay tìm hiểu về một thời thiếu sinh quân đáng nhớ. Nó chính là một trang sử ghi lại bằng hồi ức của một nhà văn từng có thời gian tham gia thiếu sinh quân. Vì thế, nó lạ, nó riêng. Và quý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Ma Văn Kháng: Viết từ những hồi ức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO