“Văn học thật sự luôn hướng về chân - thiện - mỹ, luôn giữ gìn được bản sắc dân tộc và tìm đến sự hòa nhập trong thế giới văn minh”, quan niệm thánh thiện của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Một chiều tháng 6, đỡ nắng, tôi cùng nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đến thăm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Trên manh chiếu bằng cói trải giữa nhà, nhà văn của “Tướng về hưu” nằm nghiêng, mặt hướng về phía trong. Hai chiếc quạt chạy đều đều. Nguyễn Linh Khiếu và tôi, ngồi bệt xuống bên nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Nguyễn Linh Khiếu, chỗ thân tình với nhà văn, ngồi bóp chân cho ông. Ông không may bị tai biến, từ đầu tháng 3/2020.
Tôi vừa nghe chuyện nhà văn, vừa cố gắng “tua” lại các mảnh ghép còn nhớ, thời mới 26 tuổi, khi ấy vừa sau Đổi mới. Thời mà, đời sống văn chương quá ư sống động. Thời mà, cứ đến ngày “ra báo”, không chỉ người yêu văn chương mà rộng rãi bạn đọc đều chờ đợi truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp trên tờ Văn Nghệ, cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hơn tôi 10 tuổi, lúc ấy ông 36 tuổi, tròn ba giáp. Sau đám tang người mẹ, năm 1987, Nguyễn Huy Thiệp ngồi viết truyện “Tướng về hưu”. Đám tang trong truyện y hệt đám tang mẹ ông, ông kể.
Nguyễn Huy Thiệp gửi bản thảo cho báo Văn Nghệ khoảng tháng 4/1987. Biên tập viên bấy giờ là nhà văn Ngô Ngọc Bội nhận bản thảo. Báo Văn Nghệ in truyện này ngày 20/6/1987 (gộp ba số 24, 25, 26 lại thành một số). Trong truyện, nhà văn Ngô Ngọc Bội sửa chữ “tếu” thành chứ “láo” trong câu thoại: “Cái Vy hỏi: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm có phải không ông?”. Cha tôi chửi: “Mẹ mày! Láo!”.
Bản thảo truyện “Tướng về hưu” viết tay, sau này được họa sĩ Bùi Xuân Phái viết chữ sơn dầu trên bìa màu xanh, hiện lưu giữ trong bộ sưu tập của gia đình ông Phạm Văn Bổng, ở số nhà 93 Hàng Buồm, Hà Nội. 35 năm đã qua, truyện “Tướng về hưu” được một số người coi là mốc đánh dấu mở đầu cho thời đổi mới văn học ở Việt Nam. Truyện “Tướng về hưu” ngoài việc “cập thời vũ” (mưa đúng lúc), hợp về thời gian lịch sử, nó đã làm được hai việc rất quan trọng, đáng gọi là “đổi mới” ở trong văn học:
Về hình thức, đây là tác phẩm đặc sắc có tính chất “bạo động” về ngôn ngữ (khái niệm bạo động về ngôn ngữ được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dùng để chỉ chung cho cả một thế hệ nhà văn đổi mới cùng thời với ông). Trước đổi mới, văn học chỉ có một giọng điệu mà nhà văn Nguyễn Minh Châu gọi là “văn học minh họa”.
Về nội dung, đây là tác phẩm đặc sắc đưa được “đạo” vào nội dung tác phẩm văn học. “Đạo” đây nên hiểu là con đường tự nhiên, con đường thoát hiểm, con đường sống sót, con đường hi vọng. Nó là trăm ngàn sắc thái trong cuộc sống bình thường của con người ta như sinh, lão, bệnh, tử, ái, ố, hỉ, nộ, dục, ưu, lạc...Theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, dấu hiệu nhận biết đầu tiên của “đạo” là nụ cười, sau đó là những biểu hiện của tình yêu thương với lòng chẳng nỡ, tính nhân văn...
Lê Quý Đôn từng nói: “Văn chương có đạo thì thịnh, không như thế thì suy”. Văn học hướng về sự sống, “mang khuynh hướng lý tưởng và khuynh hướng duy tâm” (di chúc văn chương của Alfred Nobel).
Trong mối tương quan với các truyện khác, “Tướng về hưu” chưa phải là truyện “đổi mới” triệt để của Nguyễn Huy Thiệp. Truyện vẫn còn có sự rào đón trước sau trong câu chuyện của “người kể chuyện”. “Đổi mới” dứt khoát trong tác phẩm của ông phải là truyện “Không có vua”, sau đó là “Con gái thủy thần”, “Những người thợ xẻ”, bộ ba truyện giả lịch sử “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết”.
Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, đổi mới là thay cái cũ bằng cái mới, phù hợp với hoàn cảnh mới. Tất cả đều diễn ra trong “dịch”, trong dòng chảy lịch sử. Phản ứng lại kiểu gì với nó cũng chỉ là “chạy ngược trên chiếc thuyền xuôi”, không phải là phản ứng tích cực. Điều quan trọng là hòa nhập, đồng thuận được với hoàn cảnh.
Đổi mới có nhiều cách, nhiều “cảnh giới”. Theo Nguyễn Huy Thiệp, đầu tiên phải là phá vỡ cái cũ, giống như khoan cắt bêtông, giải phóng mặt bằng, rất khó chịu, thậm chí bất công và lộn xộn. Đổi mới với ý thức xây dựng một cơ sở mỹ học mới từ ngay trong thực tế nội tình văn học ở trong nước là điều quan trọng nhất. Nó hợp thời: “Tác hữu trần sa hữu/Vi không nhất thiết không” (Có thời có tự mảy may/Không thời cả thế gian này cũng không). Đó là điều mà các thế hệ nhà văn đổi mới trong gần 35 năm qua đã làm được. Không nên coi là sai - đúng, chỉ biết rằng nó đã diễn ra, nó sống, nó tồn tại.
“Văn học thật sự luôn hướng về chân - thiện - mỹ, luôn giữ gìn được bản sắc dân tộc và tìm đến sự hòa nhập trong thế giới văn minh”, quan niệm thánh thiện của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Trong câu chuyện buổi chiều nắng gắt gỏng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhắc Nguyễn Linh Khiếu rằng văn chương nó độc lắm. Phải đọc kinh Phật. Ông nói ông nằm còng queo đây chính là trả giá cho sự nổi tiếng của mình.
Khi biết tôi là người Hà Tĩnh, ông thao thao bất tuyệt về Nguyễn Du, Xuân Diệu và cái “nghiệp” văn chương... và vùng đất quê hương tôi, mà ông gọi là “ghê đấy”. Thật bất ngờ khi ông nói về Truyện Kiều như một nhà nghiên cứu thực thụ. Qua lời ông tôi có cảm giác ông vô cùng yêu thích truyền Kiều, yêu kính Nguyễn Du.
Thật khó hình dung một nhà văn “kỳ tài” (cách gọi của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu), người đã từng cùng với một số nhà văn khác tạo ra “hiện tượng”, “địa chấn” trong đời sống văn chương những năm sau đổi mới bây giờ lại nằm đó. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nằm nghiêng, co chân, khóe mắt bên phải của ông có vết thương vừa khô và bờ hốc mắt còn bị thâm đen. “Ông vừa bị ngã từ trên giường xuống đất”, chị Phan Thị Tự Trang phu nhân nhà văn cho biết.
Kể từ sau khi bị tai biến, Nguyễn Huy Thiệp xọp đi. Gần 4 tháng qua ông bị sụt đến 10 kg, tức chỉ còn lại khoảng 45 kg. Theo chị Tự Trang, ăn vẫn ăn được, có điều đêm ông không ngủ được. Sau cú ngã sưng mặt cách đây vài hôm, gia đình đã không dám cho ông nằm trên giường. Với họa sĩ tài năng Nguyễn Phan Bách, con trai đầu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì sau công việc bề bộn dìu bố tập đi. Đêm lại canh giờ dậy lo cho bố mình đi tiểu. Bước vào tuổi 70 trước khi bị tai biến, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã bị vô số thứ, phải uống thuốc tiểu đường, hoạt huyết dưỡng não... Tính ra, mỗi ngày mất một triệu tiền thuốc, trong khi lương hưu nhà văn chỉ gần hai triệu một tháng. Rất may, đầu óc Nguyễn Huy Thiệp mẫn tiệp. Chỉ có tiếng nói là có lúc không tròn vành, rõ chữ. Ông nói mải mê về nghề viết.
“Cái nghiệp văn chương nó nặng lắm. Nguyễn Huy Thiệp cũng như nhiều anh, chị từng mắc bệnh kiêu ngạo... Văn chương không cần thế, lương tâm trong sáng mới cần. Các ông nên đọc thêm về Thiền học. Mình làm việc vô tâm, không sốt ruột mới xuất hiện điều kỳ diệu. Trời có mắt đấy, không đùa được”, ông nói.
Dẫu mệt, nhưng nói về nghề văn, Nguyễn Huy Thiệp say sưa. Nghề là do con người chọn, nghiệp là nó tìm đến mình. Trong tâm linh, con người phải qua bao nhiêu kiếp nạn mới thành người, hiện hữu trên cuộc đời. Nhà văn Nguyển Huy Thiệp rỉ rả thế, như trao trút tâm huyết. Ông kể chuyện Phật Thích ca, Chúa Giesu, những câu chuyện của các nhà hiền triết khác. “Hai ông phải hiểu kỹ về đạo đức nhé. “Đạo” là “con đường”; “đức” là “đức hạnh” - mục đích tìm kiếm trên con đường ấy. Phải giữ lương tâm mình mới thành công”, ông nói như căn dặn,
“Tôi đặt cái đẹp lên đầu gối, tôi thấy nó cay đắng quá và tôi nguyền rủa nó”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhắc lại câu nói này và ông nhận xét “rất hay”. Đúng thế, cái đẹp phải được đặt trong tâm hồn, đi ra từ tâm hồn mới lay thức con người. Có thế mới thành công và tránh được “nghiệp” trong cuộc đời cũng như trên trang viết.