Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Tính nữ của dân tộc Việt

Thành Vĩnh (thực hiện). 09/12/2015 10:50

Có thể nói trong suốt hơn 1 thập kỷ qua – kể từ khi tiểu thuyết Hồ Quí Ly ra mắt vào năm 2000 – Nguyễn Xuân Khánh là nhà văn có sức thuyết phục ấn tượng nhất đối với công chúng. Ở tuổi xấp xỉ 70 ông cho ra đời Hồ Quí Ly – cuốn tiểu thuyết lịch sử nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn học trong hơn 10 năm trời với 11 lần tái bản và số lượng phát hành lên đến vài vạn bản. Tới năm 2006,  ông cho ra đời một cuốn tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn có phần còn đồ sộ hơn (cũng đã được tái bản đến lần

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Tính nữ của dân tộc Việt

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Tinh anh, uyên bác, hóm hỉnh và nhanh nhẹn hiếm thấy với một ông lão tuổi ngoại 80 trong căn nhà rộng rãi ở làng cổ Thanh Nhàn. Nhắc lại đặc tính chung của người Việt mà cụ Cao Xuân Huy đánh giá là “mềm dẻo như nước”, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hào hứng nói về tục thờ Mẫu của người Việt và “tính nữ vĩnh hằng”.

PV: Ra đời rất sớm và có sức sống đặc biệt trong đời sống văn hóa Việt Nam, vậy mà tại sao tục thờ Mẫu lại không trở thành một tôn giáo – một thứ tôn giáo thuần Việt, thưa nhà văn?

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Người Việt thờ Mẫu từ rất sớm. Trước cả khi đạo Phật vào Việt Nam. Tôi nghĩ đấy là đặc điểm của cư dân theo chế độ Mẫu hệ. Đặc điểm của cư dân trồng lúa nước là coi trọng sự sinh tồn, sự phồn thực thành ra người Mẹ rất quan trọng. Sau này, phát triển thành thờ đa thần thì Mẫu vẫn là cội nguồn để sinh sôi ra các đa thần ấy. Tục thờ Mẫu dân tộc mình chưa trở thành một tôn giáo vì nó chưa được nâng lên tầm triết học. Nhưng nó tồn tại trong dân gian, trong làng quê Việt rất mạnh.

- Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử dân tộc, ông thấy thường vào những thời điểm nào tục thờ Mẫu của dân tộc lại được đề cao và phát triển hơn cả?

- Bản thân đất Mẹ, Tổ quốc là biểu tượng của Mẫu, biểu tượng cao nhất. Cho nên, khi nào dân tộc cần một chỗ dựa tinh thần thì tục thờ Mẫu lại phát triển. Ví dụ như sau một thời kỳ dài khuất lấp, đến thời Lê tục thờ Mẫu lại rất phát triển với sự ra đời về truyền thuyết bà Chúa Liễu Hạnh. Rồi khi người Pháp bắt đầu vào Việt Nam thì tục thờ Mẫu lại phát triển.

- Cho nên ông mới lý giải trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn rằng, một dân tộc ẩn sâu trong mình một thứ tín ngưỡng tuyệt diệu là tục thờ Mẫu như vậy thì không bao giờ có thể bị đồng hoá về văn hoá được?

- Đúng vậy! Đạo Phật có triết lý rất cao siêu và có ảnh hưởng rất sâu rộng với dân tộc Việt Nam, nhưng khi đạo Phật vào Việt Nam cũng không thể làm mất tục thờ Mẫu của người Việt. Người ta gọi đó là hiện tượng “hỗn dung” tôn giáo. Trong một ngôi chùa ở Việt Nam, bao giờ cũng có đền hoặc ban thờ mẫu – Mẫu nghi thiên hạ. Ngay cả trong các đền thờ anh hùng dân tộc cũng luôn luôn có ban thờ Mẫu. Ví dụ như khi đến Lam Kinh chẳng hạn, trong đền thờ Lê Lợi cũng có ban thờ Mẫu.

- Qua hiện tượng tín ngưỡng dân gian này có thể thấy từ rất sớm, thân phận người phụ nữ của dân tộc Việt đâu có bị xem thường?

- Tôi thì tôi nghĩ là tính phụ quyền của ta không lấn át, thống trị quá, thành ra sự đề cao phụ nữ cũng tương đối hơn. Chỉ đến thời nhà Lê khi đạo Khổng du nhập vào Việt Nam, dần dần thân phận người phụ nữ mới bị xem nhẹ. Chúng ta có thể thấy Đền thờ các nữ tướng của Hai Bà Trưng có ở khắp nơi, rất nhiều ở Lạng Sơn, Hải Phòng... và nhiều nơi đồng thời là các đền Mẫu luôn. Có thể lý giải điều này bằng đặc tính của dân tộc là tôn thờ những bậc mẫu có công với đất nước. Việc tôn thờ Mẫu nghi của người Việt có hai hướng: Hoặc là những anh hùng do tưởng tượng của nhân dân như Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Bà Chúa Liễu... và người ta thờ các biểu tượng ấy. Nhưng người ta còn thêm vào thần điện những anh hùng thật trong đời sống, thần thánh hoá các anh hùng có thật thành các biểu tượng văn hoá. Như vậy có thể thấy sự thật là dân gian vốn rất tự hào và sùng bái những người phụ nữ Việt Nam.

- Điều này có ảnh hưởng gì đến tính cách người Việt không, thưa ông, cụ Cao Xuân Huy từng đánh giá là người Việt mình “mềm dẻo như nước”?

- Có chứ. Cho nên đặc tính chung của dân tộc Việt Nam như cụ Cao Xuân Huy đánh giá là “mềm dẻo như nước”. Tôi thấy yếu tố nữ hay còn gọi là tính nữ trong đặc tính của dân tộc Việt Nam là rất mạnh. Tính nữ ở đây phải hiểu là tính mềm dẻo, tính uyển chuyển, tính thích ứng...

Đúng là ta không có những “vua bà” lừng lẫy như Từ Hy Thái Hậu bên Trung Quốc, nhưng tôi đánh giá bà Ỷ Lan cũng là bậc đáng được tôn thờ. Lúc bấy giờ vua còn bé lắm, tất cả mọi quyết định do bà Ỷ Lan. Bảo rằng triều đình lúc ấy một tay Lý Thường Kiệt điều hành thì cũng không hẳn. Này nhé, đưa ông Lý Đạo Thành đi trấn ải Nghệ An, rồi khi cần lại kéo về... đều “một tay” bà Ỷ Lan đấy chứ. Đó phải nói là một nhà chiến lược, bà ấy là người tự học mà có thể đàm đạo với các thiền sư lớn, phải là người uyên thâm lắm. Hoàng đế Lý Thánh Tôn cho lập Văn Miếu, nhưng đến thời vua Lý Nhân Tông mới mở khoa thi đầu tiên – mà Lý Nhân Tông lúc ấy mới có mấy tuổi nên ta cũng hiểu quyết sách đều ở trong tay Ỷ Lan cả. Phải chăng đạo Phật là “phần âm”, Nho giáo là “phần dương” của dân tộc. Nếu chỉ rao giảng từ bi không thôi mà không nghĩ đến sự hùng mạnh thì dân tộc sẽ yếu đi. Vì thế Ỷ Lan cho phát triển Nho giáo, tức là cân bằng âm dương để cho đất nước cường thịnh. Có thể nói bà đã chú ý đến phần tĩnh và phần động, phần cương và phần nhu trong kế sách trị vì đất nước...

Phải chăng đạo Phật là “phần âm”, Nho giáo là “phần dương” của dân tộc. Nếu chỉ rao giảng từ bi không thôi mà không nghĩ đến sự hùng mạnh thì dân tộc sẽ yếu đi. Vì thế Ỷ Lan cho phát triển Nho giáo, tức là cân bằng âm dương để cho đất nước cường thịnh. Có thể nói Bà đã chú ý đến phần tĩnh và phần động, phần cương và phần nhu trong kế sách trị vì đất nước...”
(Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh)

Trong sự hy sinh cho lợi ích dân tộc, chúng ta phải nhớ đến những An Tư Công chúa, Huyền Trân Công chúa... Việc dùng hôn nhân vào mục đích chính trị của quốc gia, dân tộc trên thế giới quốc gia nào cũng thực hiện. Các công chúa nhà Trần lấy các thổ hào, các tù trưởng ở các vùng biên giới nhiều lắm chứ. Họ đã phải hy sinh rất nhiều vì lợi ích của dân tộc. Đấy là chỉ nói đến những hình ảnh người phụ nữ ở vai trò giữ nước...

- Như vậy là trong sự “hỗn dung” khi rất nhiều tôn giáo du nhập vào Việt Nam, chính tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu vẫn là dòng chủ lưu hình thành lên cốt cách Việt Nam, nó cũng đã giữ cái phần văn hóa của riêng dân tộc mình và nữ quyền ở Việt Nam vì thế cũng không đến nỗi lắm so với một số nước láng giềng, phải không, thưa nhà văn?

Trong dân gian có câu “con hư tại mẹ cháu hư tại bà”. Bên cạnh nghĩa thực ta còn hiểu vai trò giáo dục thế hệ sau từ phụ nữ. Thành ra, các đặc tính đặc trưng mềm dẻo, hiền hoà, nhân đạo của người Việt đều ảnh hưởng từ người mẹ. Thời Lê chúng ta ảnh hưởng sâu nặng của Khổng giáo. Nhưng yếu điểm nhất của Khổng giáo là chưa coi trọng vai trò phụ nữ. “Nữ nhân nan hoá” (đàn bà là không thể dạy dỗ được), Khổng tử nói thế. Trong văn hoá riêng của dân tộc mình, văn hoá lúa nước vẫn có sự đề cao nữ quyền cho nên người Việt Nam rất thần thánh hóa, thờ cúng những phụ nữ có công với nước, với dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tiểu thuyết Mẫu Thượng ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã diễn giải một cách tỉ mỉ về phong tục thờ Mẫu của người Việt qua lễ thức và trong tâm thức. Trong đó, nhà văn đã cho thấy một tín ngưỡng thờ Mẫu Việt với sức sống bền bỉ và mạnh mẽ, bởi lẽ không chỉ hầu Thánh bằng nghi lễ, người Việt ở mọi tầng lớp đều hướng về Mẫu trong tâm thức. Qua việc diễn giải phong tục thờ Mẫu, ông đã khẳng định sức sống mãnh liệt, dẻo dai của văn hóa và tâm hồn người Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Tính nữ của dân tộc Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO