Nhà văn Viết Linh: Nụ cười trong 'Giấc mơ bay'

LÊ PHƯƠNG LIÊN 24/01/2022 14:16

Thuở ấu thơ tôi được đọc cuốn sách có tên là “Bản thông cáo viết trên lá cây”. Cuốn sách mỏng mà sao gợi trong tôi một tình cảm khao khát tìm hiểu bí ẩn của thiên nhiên.

Nhà văn Viết Linh.

Cảm xúc đó không giống khi đọc “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài) hay “Văn Ngan tướng công” (Vũ Tú Nam). Tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, nhà văn Vũ Tú Nam tuy viết về loài vật mà nói chuyện loài người.Những cuốn sách đó khiến đứa trẻ như tôi mong muốn biết hành xử tốt đẹp hơn, ước mong người với người thân ái hơn.

Cuốn sách “Bản thông cáo viết trên lá cây” lại khác, cuốn sách ấy khơi gợi trong tôi ham muốn tìm hiểu tự nhiên. Hiểu để tôn trọng và giữ gìn thiên nhiên như nó vốn có. Sau này tôi mới được biết sách như thế gọi là truyện đồng thoại khoa học. Khi về làm việc ở NXB Kim Đồng, tôi mới được biết sự ra đời của cuốn “Bản thông cáo viết trên lá cây”.

Dạo những năm 1957, 1958 ấy thầy giáo Nghiêm Siêu (sau này là nhà văn Viết Linh) là giáo viên dạy Sử ở trường cấp 3 Nguyễn Huệ, thị xã Hà Đông. Do ham thích văn học, thầy Nghiêm Siêu đã viết một bản thảo với ý tưởng: “Giúp cho trẻ em nhận biết một số sinh vật xung quanh ai là bạn, ai là thù, chớ có thành kiến Cú Mèo với những lời đồn đại vô căn cứ”. Bản thảo khá dài, do tham tình tiết, tư liệu khoa học. Ban biên tập NXB Kim Đồng ngày ấy đánh giá được nội dung tốt của bản thảo nên đã cử nhà văn Nguyễn Kiên biên tập bản thảo này. Thế là tác giả trẻ và nhà văn Nguyễn Kiên đã có dịp gặp gỡ cùng nhau hợp tác để cuốn sách “Bản thông cáo viết trên lá cây” ra đời.

Cuốn sách được bạn đọc đón nhận nhiệt tình, số lượng in hàng vạn (số lượng lúc đó thường là như vậy) bán rất chạy. Tiền nhuận bút thật là giá trị với đời sống của một thầy giáo, Viết Linh trong tâm hiểu rõ công lao của nhà văn Nguyễn Kiên nên đã xin gửi một nửa số tiền nhuật bút cho biên tập. Nguyễn Kiên từ chối và nói:

“-Cuốn này Nhà xuất bản phân công cho tôi giúp ông thôi.

Tôi (Viết Linh) đã dùng một nửa số tiền nhuật bút, vào Bách hóa tổng hợp chọn mua từ cái khăn len, mùi xoa… vừa đủ số tiền, rồi đưa đến Nhà xuất bản nhờ anh Trần Thanh Địch chuyển giúp hộ”.

Từ cuốn sách “Bản thông cáo viết trên lá cây” nhà văn Võ Quảng lãnh đạo Nhà xuất bản hồi đó đã mời Viết Linh về NXB Kim Đồng. Năm 1960, thầy giáo Nghiêm Siêu (sinh năm 1931 quê Ứng Hòa, Hà Nội) trở thành biên tập viên sách khoa học của NXB Kim Đồng. Sau này nhà văn Viết Linh đã viết: “Học sử, công tác văn lại làm về mảng sách khoa học cho trẻ em nên buộc phải học, đọc nhiều”. Đúng như lời nói, ông là người đọc và học suốt đời.Người hiếu học suốt đời mới có thể làm được rất nhiều sách về đủ mọi lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, lịch sử, địa lý, y học… mà là sách cho trẻ em! Không phải ai cũng có thể làm được sách khoa học cho trẻ em. Nhà văn Viết Linh đã từng là một nhà giáo yêu thương con trẻ. Trong hồi ký, ông đã viết: “Suốt thời gian dạy học, tôi “chinh phục” được học sinh, rất thương các em… Còn nhớ hôm đó có cán bộ Ty Giáo dục hay Bộ xuống kiểm tra trường, là chủ nhiệm lớp, tôi đã dặn các em ăn mặc cho sạch sẽ (chưa cần đẹp). Dặn đi dặn lại rồi, hôm đó vẫn có một em mặc áo rách, tôi đã nhường áo cho em (tôi ở tập thể trong trường, mua áo thời đó còn phải tem phiếu)”.

Lần đầu gặp mặt nhà văn Viết Linh tôi ngỡ ngàng ngạc nhiên! Ông đi tập tễnh, người hơi lệch dáng từ cổ đến mái đầu. Do bị bệnh từ nhỏ nên thân thể ông không được bình thường. Thế mà con người ấy lại có trí óc mạnh khỏe và hóm hỉnh. Anh chị em cán bộ NXB Kim Đồng nhớ đến anh Viết Linh là nhớ đến tính khôi hài của anh. Viết Linh là người khơi mở dòng thơ vui gọi là “thơ hợp tác xã” Kim Đồng. Ví dụ như tả anh cán bộ phòng hành chính có tác phong ăn mặc chỉnh chu như sau:

“Mùa đông mặc ba- đờ- xuy

Mũ phớt lông chuột, anh thì giở ra…”.

Một số đầu sách của nhà văn Viết Linh.

Tâm hồn hóm hỉnh của Viết Linh đã khiến cho các cuốn sách khoa học khô khan trở nên vui vẻ hấp dẫn. Cuốn sách đầu tiên được trưởng phòng Trần Thanh Địch giao làm là truyện về cây bút chì của nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà. Không phải là chuyện phiêu lưu mà là: “bút chì được chế tạo như thế nào?” Bản thảo do nhà thơ Xuân Tửu và một anh cán bộ nhà máy chấp bút. Viết Linh đánh giá: “Nội dung thì tốt, nhưng bản thảo vừa khô vừa dài”. Ông xin cơ quan cho đi thực tế ở nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà để giải đáp một câu hỏi: “Thành phần chủ yếu của cây bút chì là gì?”. Khi xác định được đúng hướng ông mạnh dạn biên tập rồi đặt cho cuốn sách một cái tên hấp dẫn “Thời niên thiếu của bút chì”. Bạn đọc thiếu nhi thưở ấy trong đó có tôi rất thích cuốn sách này. Có thể nói đây là cuốn sách đầu tiên viết về công nghệ cho trẻ em ở Việt Nam.

Khi bàn về sách khoa học cho trẻ em, ông Hoàng Nguyên Cát - một biên tập viên bậc đàn anh đã nói: Sách khoa học của Kim Đồng chủ yếu là để “gây men”. Viết Linh rất tâm đắc! Ông hiểu ý rằng làm sách khoa học cho trẻ em không chỉ phổ biến kiến thức mà là để gợi mở hứng thú khoa học.

Ông đã tìm đến những nhà khoa học, nhà chuyên môn, nhà văn để khích lệ họ viết sách khoa học cho trẻ em. Thế là các tác giả sách khoa học cho thiếu nhi đã xuất hiện: Phạm Ngọc Toàn với “Người anh hùng tầu Phương Đông” (1961); “Chiếc xe thần kỳ” (1961), “Em yêu khoa học” (1967); Hải Hồ với “Chú bé sợ toán” (1965), “Hải đảo xa xôi” (1970); Nguyễn Như Mai, Vũ Quốc Trung với “Từ trong nhà ra ngoài sân” (1973); Vũ Kim Dũng với “Cô kiến trinh sát” (1972); bác sĩ Lã Vĩnh Quyên với bộ sách “Bác sĩ vui tính trả lời” (3 tập). Vừa làm biên tập, Viết Linh vừa viết sách khoa học cho trẻ em: “Gánh xiếc lớp tôi” (1963); “Một trận hỏa mù” (1966); “Quả trứng vuông” (1970), “Giấc mơ bay” (1976) rồi “Hành tinh kỳ lạ” (2017)…

Nhận xét về sách khoa học của Viết Linh, bạn đồng nghiệp lâu năm của ông- nhà văn Vũ Ngọc Bình đã viết: “Đó là đồng thoại khoa học, một thể loại cho phép tưởng tượng mặc sức tung hoành vào thế giới tự nhiên, miễn là vẫn gắn bó với xã hội loài người, dưới con mắt hồn nhiên của trẻ thơ”.

Năm 1976 truyện ngắn “Giấc mơ bay” (có tên khác là “Đến trời cũng phải học”) đã được dựng phim hoạt hình, từ đó nhà văn Viết Linh có duyên viết kịch bản hoạt hình. Ông có đến gần 20 kịch bản được dựng thành phim, số lượng đó hiếm người có thể đạt được.

Chẳng những viết truyện khoa học, viết kịch bản phim hoạt hình, nhà văn Viết Linh còn viết truyện lịch sử “Bí mật về Huyền Trân công chúa” (1989); truyện phản gián “Lọt qua biên giới” (1983) và viết nhiều truyện tranh... Dạo ấy trong văn giới, tác giả sách khoa học cho thiếu nhi bị coi thường. Nhiều người cho rằng đó không phải là “nhà văn”! Viết Linh vừa là tác giả sách khoa học lại viết nhiều thể loại nên có người trêu chọc ông là “Viết linh… tinh”.

Nhà thơ Quang Huy trong một cuộc vui ở Trại sáng tác Đại Lải đã có vế đối ghép tên mấy người: “Viết Thường, Viết Được, Viết Linh... tinh”. Bị trêu chọc như vậy nhà văn Viết Linh vẫn bỏ qua. Chắc là ông nghĩ rằng mình cũng từng trêu chọc bạn bè mà có ai hờn giận mình đâu?

Tôi còn nhớ năm 2002, nhà văn Phong Thu có viết một bài về tôi đăng báo Tiền Phong với tựa đề: Dự báo đúng từ “Những tia nắng đầu tiên”. Nhà văn Viết Linh đọc xong khen tấm tắc bài viết hay. Thế rồi có vẻ ngậm ngùi, ông nói: “Giá mà có ai viết về mình được như thế nhỉ?”. Khi nói ông nhìn tôi có vẻ gửi gắm điều gì…

Ánh mắt ấy của nhà văn Viết Linh khiến tôi nhớ mãi. Vâng, anh Viết Linh ơi! Bây giờ em mới viết được bài về anh đây. Chắc là anh đã tủm tỉm cười trong “Giấc mơ bay” vào vô tận.

Nhà văn Viết Linh tên thật là Nghiêm Siêu, sinh năm 1931, quê ở Ứng Hòa - Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1987. Ông qua đời ngày 22/12/2021 tại Hà Nội.

Nhà văn Viết Linh từng quan niệm: Cái giỏi của người viết truyện khoa học chính là làm cho các em tiếp thu được kiến thức nhẹ nhàng... Tôi rất thú cái ví dụ về loại hình này: giống như những viên kẹo giun xanh đỏ ngọt ngào hấp dẫn, đường và bột nhiều kèm theo cả bao bì sặc sỡ, thuốc chỉ có tí tẹo. Uống thuốc không phải nhăn mặt sợ đắng mà thưởng thức như một cái kẹo ngon lành. Các em sẽ không thích những truyện cầm lên tay, mới đọc được vài dòng đã “ngửi thấy mùi giáo dục”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Viết Linh: Nụ cười trong 'Giấc mơ bay'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO