Nhà văn Xuân Thiều, trọn vẹn một đời cầm súng và cầm bút

PHÙNG VĂN KHAI 06/10/2022 08:18

Nhà văn Xuân Thiều với tôi có nhiều kỷ niệm. Cách đây ít lâu, tôi được tham dự lễ đặt tượng ông tại ngôi trường tiểu học mang tên Nguyễn Xuân Thiều trên đất Bùi Xá - Đức Thọ - Hà Tĩnh. Bức tượng của cố đại tá nhà văn Xuân Thiều được đúc bằng đồng do con cháu của ông tặng đặt trang trọng trong khuôn viên của trường.

Nhà văn Xuân Thiều (bên trái) tại Trường Sơn 1971. Ảnh: Tư liệu.

Ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, các nhà văn, nhà thơ được đặt tên phố, tên đường, tên trường học khá nhiều. Sớm nhất là Nguyễn Thi sau giải phóng miền Nam 1975 đã được đặt tên một con phố ở quận Nhất TP HCM. Tiếp đó là Thanh Tịnh, Phùng Quán, Vũ Cao, Nguyễn Minh Châu… và gần đây nhất chính là Xuân Thiều. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.

Xuân Thiều từ lâu nổi tiếng với các truyện ngắn viết về chiến tranh. Truyện ngắn “Truyền thuyết về Quán Tiên” từng xôn xao một thời, năm 2019 vừa qua chuyển thể thành phim vẫn còn tạo ra tranh cãi. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát vừa là biên kịch vừa tham gia sản xuất phim hào hứng kể những chi tiết chỉ có ở Xuân Thiều đã được chuyển tải sáng tạo vào điện ảnh.

Trong chiến tranh, luôn có những khoảng tĩnh lặng. Có hay không một quán nhỏ thần tiên giữa đại ngàn Trường Sơn? Có hay không những cô gái được sinh ra không phải dành cho chiến tranh mà phải được thực thi những khát khao làm vợ, làm mẹ? Tình yêu, thậm chí cả bản năng tình dục trong chiến tranh có nhất thiết phải được soi chiếu nghiêm khắc đến ngột ngạt? Bản thân nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát từng nhiều năm là văn công Trường Sơn. Chị tất có sự am tường và nhất là trái tim cảm thông, chia sẻ với đồng đội của mình, nhất là những người mãi mãi nằm lại giữa đại ngàn thăm thẳm.

Những chi tiết nổi trội nhất trong “Truyền thuyết về Quán Tiên” đều được đẩy tới tận cùng. Phim như một bài ca, một góc nhìn sâu sắc, khác biệt về người lính trong chiến tranh. Đây cũng là căn cốt nền tảng văn chương của Xuân Thiều. Suốt đời Xuân Thiều theo đuổi cái đẹp, sự lương thiện và nhất là tính nhân văn luôn được hiện ra trong từng nhân vật, các truyện ngắn và tiểu thuyết của ông.

Nhà văn Xuân Thiều sinh ngày 1 tháng 4 năm 1930 tại làng Triều Đông, xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1947 ông nhập ngũ, sau đó được phân làm Chính trị viên đại đội ở chiến trường Trị Thiên. Chiến trường Trị Thiên trong những năm chống Pháp hết sức ác liệt, mặt trận luôn phải chia lửa với chiến trường Điện Biên phía Bắc.

Những năm tháng ở đây đã rèn luyện bản lĩnh Xuân Thiều kiên cường, quyết đoán và rất nguyên tắc. Những điều này đã cho ông dễ dàng làm việc ở bất cứ đâu. Năm 1959, ông chuyển về Tạp chí Văn nghệ quân đội làm biên tập viên, rồi Phó tổng Biên tập. Năm 1987, ông giữ vị trí Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam.

Ở cương vị công tác nào, vẫn là một Xuân Thiều mềm mại nhưng rất nguyên tắc; linh hoạt và trách nhiệm; không ngại va chạm với cấp trên nhưng nhất mực yêu thương cấp dưới. Với các bạn văn, ông luôn tôn trọng và đồng hành.

Khoảng thời gian ông giữ chức Phó ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam cũng là khoảng thời gian nở rộ những tiểu thuyết đóng đinh thời kỳ đổi mới: “Đám cưới không có giấy giá thú” của Ma Văn Kháng; “Thời xa vắng” của Lê Lựu; “Bến không chồng” của Dương Hướng; “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường… đã tạo nên sức nặng và diện mạo của một thời kỳ văn học mới.

Nhà văn Xuân Thiều viết cái gì cũng cẩn thận. Vậy mà trong cuộc sống đời thường, Xuân Thiều luôn biết hóm hỉnh tếu táo để mọi việc nhẹ nhàng. Xuân Thiều cùng nhiều nhà văn quân đội khác với bề dày và chất lượng sáng tác đã trở thành những tên tuổi quan trọng của nền văn học cách mạng Việt Nam. Trong những năm chiến tranh, với bút danh Nguyễn Thiều Nam, ông viết những tác phẩm được nhiều người biết tới như: “Mặt trận kêu gọi”, “Chiến đấu trên mặt đường”, “Gieo mầm”, “Tâm sự chiến sĩ quản tượng”, “Chuyện làng Rapồng”…

Tiếp đó một mạch là: “Đôi vai”, “Một người lính”, “Khúc hát mở đầu”, “Đôi vai” (Truyện ngắn - 1961); “Chiến đấu trên mặt đường” (Ký sự - 1968); “Mặt trận kêu gọi” (Truyện dài - 1969); “Thôn ven đường” (Tiểu thuyết - 1972); “Đảo xa” (Tùy bút - 1973); “Trước giờ ra trận” (Thơ - 1973); “Từ một cánh rừng” (Truyện phim - 1975); “Gió từ miền cát” (Truyện ngắn - 1984); “Huế mùa mai đỏ” (Tiểu thuyết - 1985); “Xin đừng gõ cửa” (Truyện ngắn - 1994); “Tư Thiên” (Tiểu thuyết, 2 tập - 1995)…

Ngòi bút của ông giàu tính nhân văn qua rất nhiều chi tiết đặc sắc của đời thường được tập trung miêu tả trong các truyện ngắn viết sau chiến tranh không lẫn với ai. Đó cũng là sự độc đáo của ông. Tâm sự về viết truyện ngắn, ông nói rõ: “Văn học phải phát hiện những điều mới mẻ của con người, đào xới sâu vào con người, cả thể xác lẫn tâm linh, cả hành động lẫn tư duy, để cuối cùng hướng con người tới chân, thiện, mỹ”.

Không thể nào ngờ, khi đã ở cương vị lãnh đạo mà Xuân Thiều vẫn có cách nhìn cởi mở và dung dị, có phần hài hước về vị thủ trưởng tiền nhiệm cũng là “ca” đặc biệt ở cơ quan - đó là nhà thơ Vũ Cao. Xuân Thiều trong "Đôi nét Vũ Cao" đã viết:

“Ở anh, sự giản dị như bẩm sinh, đã thành tính cách. Là thủ trưởng cơ quan, anh vẫn ở buồng xấu nhất. Bàn làm việc, quạt máy là loại xoàng hơn. Ít khi dùng ô tô, có bận phải đi viện 108, từ nhà, anh ra đi tàu điện. Trách anh thì anh bảo xuống cơ quan cho gọi được ô tô, chắc chắn là chậm hơn tàu điện. Thường xuyên anh dùng chiếc xe đạp nam, không phanh, chỉ dùng đôi chân dài nghêu quệt xuống đường tạo lực ma sát. Đến phòng anh, thấy đôi dép đặt ngoài cửa, gõ cửa vẫn im, xô cửa vào, chỉ có bàn ghế không. Hóa ra anh đã đi chân đất ra ngoài vườn hoặc sang các phòng khác.

Hồi 1960, tôi mới đưa vợ con ở quê ra, thuê được túp lều trên đường Hoàng Hoa Thám. Anh tới thăm, lúc ra về, bà hàng xóm khoe với vợ chồng tôi rằng, vợ ông Vũ Cao là người cực kỳ chu đáo, chả tối nào trước lúc đi ngủ lại không bê một chậu nước mời chồng làm ơn rửa hộ chân cho. Nếu không là ông có thể phủi chân trèo lên giường như thường.

Chưa bao giờ tôi thấy anh chăm chút cái mặc, cứ tuềnh toàng đơn giản. Phải bận quân phục, đeo quân hàm, đi dép có quai hậu, đội mũ đeo sao khi có việc phải vào thành gặp cấp trên, anh cứ ngượng nghịu.

Lần anh được Hội Nhà văn cử đi Mông Cổ, chúng tôi ra ga Hàng Cỏ tiễn anh. Trong bộ “com lê” bằng đũi màu sáng, tay ôm bó hoa hình như do đại sứ quán Mông Cổ tặng, Vũ Cao xấu hổ cười đỏ mặt. Tôi ngắm anh, khen đẹp. Anh thì thào, bức bỏ mẹ, khốn khổ nhất là cái này, anh chỉ vào đôi giày đang đi - đúng là nó trói chân mình ông ạ!”.

Cái chất Vũ Cao đúng là như thế.

Và cũng thông qua những dòng văn giản dị đến tận cùng ấy, chúng ta thấy thêm cốt cách Xuân Thiều.

Nhà văn Xuân Thiều đã hơn mười năm về với thế giới của người hiền. Ông đã trọn vẹn một cuộc đời cầm súng và cầm bút.

Một cuộc đời cần lao, hi sinh và cống hiến với tất cả trí tuệ và sức lực, niềm tin và trái tim của người con xứ Nghệ với quê hương, đất nước, đồng đội, nhất là những người đã hi sinh. Những gì ông, thế hệ ông đã trải qua cũng chính là quãng đường của các nhà văn góp vào tất yếu của lịch sử cách mạng đã đem tới gương mặt mới cho đất nước Việt Nam.

Lứa chúng tôi, những nhà văn tiếp bước thế hệ đi trước không chỉ rất đỗi tự hào mà còn biết trách nhiệm phải gánh vác, phải sáng tạo phía trước là rất lớn.

Trong những năm chiến tranh, với bút danh Nguyễn Thiều Nam, nhà văn Xuân Thiều đã viết những tác phẩm được nhiều người biết tới như: “Mặt trận kêu gọi”, “Chiến đấu trên mặt đường”, “Gieo mầm”, “Tâm sự chiến sĩ quản tượng”, “Chuyện làng Rapồng”… Tiếp đó một mạch là: “Đôi vai”, “Một người lính”, “Khúc hát mở đầu”, “Đôi vai” (Truyện ngắn - 1961); “Chiến đấu trên mặt đường” (Ký sự - 1968); “Mặt trận kêu gọi” (Truyện dài - 1969); “Thôn ven đường” (Tiểu thuyết - 1972); “Đảo xa” (Tùy bút - 1973); “Trước giờ ra trận” (Thơ - 1973); “Từ một cánh rừng” (Truyện phim - 1975); “Gió từ miền cát” (Truyện ngắn - 1984); “Huế mùa mai đỏ” (Tiểu thuyết - 1985); “Xin đừng gõ cửa” (Truyện ngắn - 1994); “Tư Thiên” (Tiểu thuyết, 2 tập - 1995)… Ông quan niệm: “Văn học phải phát hiện những điều mới mẻ của con người, đào xới sâu vào con người, cả thể xác lẫn tâm linh, cả hành động lẫn tư duy, để cuối cùng hướng con người tới chân, thiện, mỹ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Xuân Thiều, trọn vẹn một đời cầm súng và cầm bút

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO