Nhạc sĩ Đoàn Bổng và ca khúc về Mặt trận

Minh Quân-Uyên Nguyễn (thực hiện) 19/11/2020 10:30

Ở tuổi 77, nhạc sĩ Đoàn Bổng sở hữu một kho tàng đồ sộ với hàng trăm ca khúc được khán thính giả trong và ngoài nước yêu mến. Đặc biệt, “Bài ca Mặt trận Tổ quốc” đã trở thành ca khúc truyền thống của MTTQ Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, nhạc sĩ Đoàn Bổng đã có những chia sẻ với PV báo Đại Đoàn kết về hoàn cảnh ra đời ca khúc đặc biệt này.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng. Ảnh: Quang Vinh.

PV:Nhạc sĩ có thể cho biết cơ duyên nào để ông cho ra đời ca khúc “Bài ca Mặt trận Tổ quốc”?

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Việc sáng tác ca khúc “Bài ca Mặt trận Tổ quốc” có thể nói là cái duyên và là niềm tự hào trong sự nghiệp sáng tác của tôi. Vào năm 2000, ông Phạm Thế Duyệt khi đó là Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam có mời tôi và 9 nhạc sĩ khác đến và đề nghị sáng tác một số ca khúc cho MTTQ Việt Nam. Thú thực lúc đó bản thân tôi vừa tự hào nhưng xen lẫn lo lắng. Bởi vì hầu hết các nhạc sĩ được mời đến đều là những “cây đa, cây đề” của nền âm nhạc Việt Nam. Không những vậy, để sáng tác ca khúc cho MTTQ phải hội tụ rất nhiều yếu tố chứ không đơn thuần như các bài hát về tình yêu đất nước. Đầu tiên, MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên. Chính vì vậy, cũng giống như Quốc ca, Đoàn ca, Lãnh tụ ca thì đây phải là một ca khúc khi viết ra toàn dân đều hát được. Bên cạnh việc dễ hát, dễ thuộc thì ca khúc phải thể hiện được tính bừng sáng, hào hùng và tập hợp được khối đại đoàn kết. Đặc biệt, khi nốt nhạc đầu tiên vang lên mọi người đều cùng phải nghiêm trang lắng nghe.

Vậy đâu là ý tưởng xuyên suốt mà nhạc sĩ đã lựa chọn khi sáng tác ca khúc?

- Khi bắt tay vào việc sáng tác, điều đầu tiên tôi phải nghiên cứu rất nhiều về cơ cấu hoạt động của MTTQ Việt Nam để tìm ra cách đặt vấn đề cho ca khúc. Với mỗi người nhạc sĩ thì tư duy sáng tạo một ca khúc là khác nhau. Người thì chọn phần nhạc ca khúc với không khí vui tươi, người thì trầm hùng. Nhưng tôi lại chọn theo phong cách nghiêm trang và mang tính chất hùng tráng vì tôi cảm thấy phù hợp với một tổ chức như MTTQ Việt Nam. Còn về lời bài hát, sau khi tìm hiểu, tôi thấy rằng ý tưởng xuyên suốt của ca khúc không có gì phù hợp hơn với việc chọn câu nói của Bác Hồ đó là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”. Cùng với đó với một ca khúc về MTTQ Việt Nam thì không thể thiếu những câu từ khẳng định vai trò của tổ chức trong cuộc sống hôm nay. Ở đó, MTTQ là trung tâm đoàn kết của toàn dân tộc. MTTQ là địa chỉ tin cậy của toàn dân trong mỗi cuộc phát động, vận động. Thông qua lời hiệu triệu này mọi người dân cùng chung tay xây dựng đất nước để xứng đáng với dòng giống tiên rồng như lời bài hát “Hãy xứng danh nòi giống Tiên Rồng/Hãy xứng danh con cháu Lạc Hồng”. Tiếp đó là dựng xây xã hội như Đảng ta nói “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Ở đây tôi chỉ khai thác hai yếu tố là công bằng và văn minh. Trong đó, công bằng là điều hết sức quan trọng trong một xã hội phát triển. Còn văn minh là cuộc sống ngày một đàng hoàng, tốt đẹp hơn.

Từ ý tưởng đến viết lời ca khúc có gặp nhiều khó khăn không, thưa ông?

- Với một khối lượng ý tưởng lớn như vậy để thể hiện thành lời cho một ca khúc tôi đã phải cô đọng, chắt lọc từng câu, từng chữ. Vì đây không phải là bài văn, bài báo cáo, chỉ thị mà là bài hát mọi người dễ nhớ, dễ thuộc và dễ hát. Nếu nói ví von những người sáng tác như những người thợ may phải làm ra chiếc áo để mọi người cùng mặc được. Và cho đến ngày hôm nay, với việc ca khúc được lan tỏa, tôi hết sức tự hào và vinh dự vì đã góp phần nhỏ bé của mình trong việc gửi gắm những thông điệp của MTTQ Việt Nam đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức Chương trình “Vang mãi bài ca đoàn kết”.

Ở cái tuổi đã cần được nghỉ ngơi, nhưng có lẽ với nhạc sĩ Đoàn Bổng không có khái niệm nghỉ hưu, đặc biệt là trong việc sáng tác. Quan điểm của ông trong sáng tác âm nhạc là gì?

-Với tôi âm nhạc là tình yêu, là đam mê, là cuộc sống. Cá nhân tôi vẫn cho mình chưa già. Bởi với tôi quan niệm tuổi mỗi năm qua đi, nhưng đó là tuổi của thời gian chứ không phải tuổi của tâm hồn. Quan trọng trong người sáng tác là phải còn nguyên cảm xúc của tuổi đôi mươi. Con người sinh ra là phải có tình yêu, không thì cuộc sống thật vô vị. Một đứa trẻ đi đâu cũng quấn quýt với bố mẹ, đó là tình yêu. Một người mẹ đi đâu về là ôm chầm lấy con vào lòng, đó cũng là tình yêu. Một đôi trai gái vô tình đi qua nhau và trao cho nhau những ánh nhìn đầy lưu luyến thì không thể không có tình yêu được. Với tôi, tình yêu luôn hiện hữu ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Và đó cũng là cách để tôi nuôi dưỡng tâm hồn trong bộn bề những lo toan của cuộc mưu sinh. Tôi cổ súy và ca ngợi thứ âm nhạc nâng cao tâm hồn con người, phải làm cho người ta thêm yêu cuộc sống, yêu nhau hơn. Vì thế, tất cả những ca khúc của tôi đều bắt đầu bằng những cảm xúc mạnh, những giai điệu mượt mà nhưng không ủy mị. Tôi viết theo cảm xúc mãnh liệt về những điều mà tôi bất chợt gặp trong cuộc đời. Mỗi ca khúc đều mang dáng dấp của những người tôi tiếp xúc và có ấn tượng sâu sắc mà người ta hay gọi là “nàng thơ”.

Dự định trong thời gian tới của ông là gì?

-Như tôi đã nói, với âm nhạc khi hát lên ta sẽ nghĩ về tình yêu đẹp của con người, để ta sống luôn đẹp như lời bài hát ta vừa hát. Đó cũng chính là cách giáo dục bằng nghệ thuật như người xưa vẫn nói “Lời ngọt lọt đến xương”. Âm nhạc đẹp, nhắc nhở ta sống đẹp, hạnh phúc như bài hát ta vẫn hát hoặc nếu không hát được thì nghe và cảm nhận. Mới đây nhất tôi vừa mới sáng tác và thu âm ca khúc “Con phố mang tên ông” phỏng thơ Vũ Quang Côn như một tấm lòng tưởng nhớ đến nhạc sĩ Văn Cao. Trước đó, vào đầu năm 2020, tôi cũng quyết định phổ nhạc bài thơ nổi tiếng của cố thi sĩ Bàng Sĩ Nguyên mang tên “Vợ chồng đi chợ xuân”. Đây là bài thơ mà thi sĩ đã viết từ năm 1953 trong lần đi công tác tại huyện biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Bài hát “Vợ chồng đi chợ xuân” ra đời với mong muốn được góp phần nhỏ bé tạo ra không khí vui tươi hòa cùng niềm vui chung của đất nước, của Đảng tròn 90 mùa xuân. Với tôi, trong nghệ thuật, đừng để những gì xung quanh tác động đến mình. Tôi vẫn khắc phục mọi khó khăn để có thể viết mỗi ngày.

Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!

Theo nhạc sĩ Đoàn Bổng, để sáng tác ca khúc cho MTTQ phải hội tụ rất nhiều yếu tố và phải là ca khúc toàn dân đều hát được. Bên cạnh việc dễ hát, dễ thuộc thì ca khúc phải thể hiện được tính bừng sáng, hào hùng và tập hợp được khối đại đoàn kết. Đặc biệt, khi nốt nhạc đầu tiên vang lên mọi người đều cùng phải nghiêm trang lắng nghe. Chính vì thế, trước khi bắt tay vào sáng tác, nhạc sĩ đã nghiên cứu rất nhiều về cơ cấu hoạt động của MTTQ Việt Nam để tìm ra cách đặt vấn đề cho ca khúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhạc sĩ Đoàn Bổng và ca khúc về Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO