Nhạc sĩ Phan Nhân: “Dệt nên tiếng ca, át tiếng bom rền”

Trần Thanh Phương 01/07/2015 09:50

Sáng sớm ngày 29-6-2015, người yêu âm nhạc nước nhà thương tiếc tiễn đưa Giáo sư - nhạc sĩ Trần Văn Khê về cõi vĩnh hằng thì liền sau đó, chúng ta sửng sốt đau buồn nhận được hai cái tang lớn của giới âm nhạc: Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân cũng vừa ra đi! Rõ ràng không có một pháo đài nào chống nổi cái chết. Mới đây thôi, đang cười nói dí dỏm với bạn bè, người thân, vậy mà họ đã vội vàng trở về thế giới bên kia!

Nhạc sĩ Phan Nhân

Nhạc sĩ Phan Nhân tự bạch: Cầm tinh Canh Ngọ (1930), sinh ngày 15-5, bản thân cầm súng rồi mới cầm đàn. Ham muốn là sáng tạo những tác phẩm âm nhạc nho nhỏ, xinh xinh, đậm đà màu sắc địa phương, duyên dáng và trữ tình, lạc quan và hào hùng theo phong thái riêng. Tôi là nhạc sĩ chuyên nghiệp, nhưng sáng tác không bị ràng buộc vào đơn đặt hàng, viết chưa vừa ý thì bỏ, chưa có cảm hứng thì xách máy ảnh đi lang thang. Quê ông chạy suốt chiều dài con sông Hậu, kể từ An Giang đầu tỉnh cho tới Cần Thơ. Tác phẩm âm nhạc của ông để lại không đồ sộ, chừng 40-50 ca khúc. Có thể kể ra một số tác phẩm tiêu biểu: Đoàn quân Phong Châu (1950); Con dao làm nương, cây súng giữ bản (1965); Em là con gái Út Tịch (1966); Chú ếch con (1967); Hà Nội- niềm tin và hy vọng (1972); Em ở đâu? (1974); Cây đàn ghi ta Vích to Hara (1974); Tình ca đất nước (1975); Vườn cây của ba (1978); Nhớ về Pắc Bó (1979); Trên quê hương Minh Hải (1979); Bài ca cho em (1981); Thành phố của tôi (1981); Tình bạn già (1984)…

Ông thường nói: Tôi viết quá chậm, nên không sáng tác được nhiều. Biết vậy mà chẳng làm sao khác được. Âu cũng là một nhược điểm cố hữu của tôi. Việc tẩy xóa những vết hằn mà tôi không ưng ý trong tác phẩm quá ư là khó khăn. Có khi phải nhiều tháng hoặc lâu hơn nữa.

Hầu hết tác phẩm ông viết ra bắt nguồn từ những chuyến đi thực tế. Đối với ca từ, ông rất kỹ lưỡng, số lượng ca từ trong ca khúc thường không nhiều, vì vậy nên trau chuốt từng lời một, phải tôn trọng tiếng mẹ đẻ. Đất nước đang thời kỳ mở cửa, cần tiếp xúc với nước ngoài, rất cần ngoại ngữ, nhưng học là để giao tiếp, không ai có thể thoát khỏi tư duy tiếng mẹ đẻ. Ông thường tự hào mở xem lại các danh mục tác phẩm của mình, có tới bốn bài hát viết về bốn địa phương tiêu biểu trong cả nước, mà bài nào “nghe cũng khá” và đều nhận được 4 phần thưởng do 4 địa phương đó trao tặng một cách xứng đáng. Nhạc sĩ Phan Nhân nói vui: “Ngay bây giờ, không chờ đến lúc qua đời mới kể lể trong điếu văn. Đó là bài: Hà Nội- niềm tin và hy vọng; Trên quê hương Minh Hải; Nhớ về Pắc Bó và Thành phố tôi yêu”.

Những ánh chớp chói lòa cả vùng trời Hà Nội. Rền rền vang vang những tiếng nổ liên hồi. Rực hồng như đám cháy của xăng dầu. Còi hụ, đèn vụt tắt. Tiếng hát, tiếng đàn cũng im bặt. Tiếng máy bay rền rền nặng nề. Các cỡ đạn súng phòng không của ta đan chéo lên bầu trời Hà Nội. Hàng loạt tiếng bom rền mặt đất. Đích thị là B52. Bất chấp sự can ngăn của các chiên sĩ tự vệ của cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi ông đang công tác, ông chụp vội chiếc mũ sắt Liên Xô vẫn mang bên mình, vọt ra khỏi hầm trú ẩn, chạy vụt lên sân thượng lầu 4 ngôi nhà cao nhất ở 58 Quán Sứ, Hà Nội, lòng đầy xúc động trước cuộc chiến quyết liệt và hào hùng. Nhiều đêm sau, trong suốt 12 ngày đêm tháng Chạp 1972, mùa đông của “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”, nhạc sĩ Phan Nhân vẫn luôn có mặt ở trên cao trong tiếng bom đạn gào rú. Chỉ chui xuống tầng nhà hầm mong manh khi viết và ngủ. Và “Hà Nội-niềm tin và hy vọng” đã ra đời qua giọng ca Trần Khánh. Từ đó đến nay đã hơn 40 năm, nhạc sĩ Phan Nhân đã không giấu nổi xúc động khi nhắc tới giây phút thăng hoa qua bom đạn để có được bài hát hay nhất của ông và cũng là một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội. Có thể coi đây như khúc tráng ca không bao giờ vắng mặt trên nhiều diễn đàn âm nhạc lớn trong và ngoài nước. Ta hãy lắng nghe, lắng nghe và tự hào: “…Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô. Đường lộng gió thênh thang năm của ô. Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau… Hà Nội mến yêu của ta. Là ngôi sao rạng rỡ. Sáng soi bóng đêm Trường Sơn, lắng trong nước sông Cửu Long. Nhẹ nâng bước chân hành quân. Dệt nên tiếng ca, át tiếng bom rền…”.

Năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, nhạc sĩ Phan Nhân cùng gia đình về lại quê hương miền Nam, sinh sống tại TP.HCM. Kỷ niệm về bạn bè, đồng đội vẫn sống động trong ký ức của ông. Mãi đến năm 1984, những cựu chiến binh cùng đơn vị ông ngày nào mới có cuộc họp mặt đầy đủ và cảm động. Những mái đầu xanh giờ đã bạc. Nhưng giọng nói, tiếng cười vẫn hào sảng. Vẫn có những lời động viên nhau chân thành trong hoàn cảnh mới: “Tuổi tuy hưu trí, trí không hưu”. Đó là câu thơ của nhà văn Thanh Tịnh trở thành mối đồng cảm và sự gợi ý thiết tha cho bài hát “Tình bạn già” của Phan Nhân ra đời và nó được sự hưởng ứng trong nhịp vỗ tay vừa cảm động vừa tự hào của đồng đội cũ: “… Vẫn nồng ấm nhựa sống trong lòng ta… Vẫn đằm thắm tình nghĩa bao ngày qua.”. Chẳng bao lâu, bài hát được phổ biến trên sóng truyền hình do chính tác giả hát. Đây có lẽ là một hiện tượng đặc biệt về sự xuất hiện và lưu truyền của một ca khúc. Chỉ với bài hát này, khó có ca sĩ nào, dù chuyên nghiệp cách mấy, thể hiện nó “hay” hơn tác giả. Điều dễ thấy bài hát là tiếng lòng, là tâm tình của chính những người trong cuộc, những cựu chiến binh giờ đây vẫn còn có nhau trong “tình bạn già”. Với giọng hát đã khàn vì tuổi tác, song vẫn nhịp nhàng luyến láy, pha chút dí dỏm, lạc quan, Phan Nhân đã khiến khán giả cựu chiến binh lắng nghe vừa mỉm cười, vừa rưng rưng.

Có một câu chuyện thật cảm động, nhạc sĩ Phan Nhân thường giữ bên mình rất trân trọng tấm ảnh cũ chụp bốn nhạc sĩ: Xuân Hồng, Phan Nhân, Ngô Huỳnh và Huỳnh Thơ quàng vai nhau đứng trước khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên năm nào. Mỗi lần đưa tấm ảnh ra khoe với mọi người, ông ngậm ngùi nói: “Ba ông kia đi rồi!”, rồi Phan Nhân lại đùa tếu ngay: mấy câu thơ ứng tác: “Ba ông thời đã đi rồi! Còn tôi ở lại rong chơi một mình. Nước non còn nặng nghĩa tình. Tôi còn ở lại… một mình rong chơi!...

Và bây giờ, nhạc sĩ Phan Nhân đã ra đi!…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhạc sĩ Phan Nhân: “Dệt nên tiếng ca, át tiếng bom rền”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO