'Nhân bản' tiến sĩ: Dễ dãi đào tạo hay bệnh thành tích?

Nguyễn Hoài 09/05/2022 15:22

Các chuyên gia cho rằng, thời gian qua việc đào tạo tiến sĩ không chú trọng chất lượng mà chạy theo số lượng nên xảy ra hiện tượng, một bộ phận cán bộ công chức có bằng có cấp nhưng chất lượng không thật, không phục vụ được gì cho đất nước.

Hậu quả khôn lường

Từ đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức TP Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh, các chuyên gia chỉ ra nhiều đề tài nghiên cứu chưa xứng tầm, thậm chí là… ấm ớ.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vi phạm tại Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) giai đoạn 2015-2019 như học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng của ngành khác, sổ cấp phát văn bằng còn tẩy xóa, sửa chữa, thiếu thông tin về nghiên cứu sinh...

Tại chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GDĐT có tới gần 10 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ liên quan đến môn cầu lông ở các cơ sở đào tạo trên cả nước.Từ luận án tiến sĩ trên, GS.TS Phạm Tất Dong chỉ ra hàng loạt

Theo kết luận thanh tra, hàng năm Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đào tạo trên 200 tiến sĩ, trên 1.000 thạc sĩ, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội. Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2017, công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội còn nhiều hạn chế, khuyết điểm về tuyển sai quy trình, chương trình và quản lý đào tạo.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhìn nhận, tình trạng trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo lớn về chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Chuyên gia này cho rằng, thời gian qua việc đào tạo tiến sĩ không chú trọng chất lượng mà chạy theo số lượng. Với đề tài tiến sĩ, nếu là đề tài khoa học cơ bản thì định hướng phải theo kịp thế giới. Còn nếu là đề tài thực tiễn, thực nghiệm thì phải đảm bảo phù hợp với sự phát triển của đất nước nhưng có tầm nhìn dài hơi. Trong khi đó, nhiều đề tài nghiên cứu hiện chưa thật chuẩn, thậm chí tủn mủn, vụn vặt.

Trước thực tế này, bà An bày tỏ trăn trở về hậu quả của việc dễ dài trong đào tạo tiến sĩ. Bà An phân tích, con người là nguồn lực để phát triển đất nước, vì vậy đòi hỏi nguồn lực phải có chất lượng thật. Nếu nguồn lực không thật, trình độ kém thì kể cả có bằng cấp cũng không có tác dụng gì, dẫn tới lãng phí tiền bạc, công sức của cả người học lẫn người hướng dẫn.

Nguy hiểm hơn, nếu như nguồn lực kém chất lượng ấy sau này được sử dụng, thậm chí ở những vị trí rất quan trọng trong xã hội thì rất nguy hiểm. Cuối cùng, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, nghiêm trọng nhất là mất lòng tin của nhân dân.

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng: “Phong tiến sĩ như hiện nay sẽ làm hỏng cán bộ. Điều gì sẽ xảy ra khi những người này có thể giữ các vị trí lãnh đạo. Việc dễ dãi trong đào tạo tiến sĩ sẽ để lại hậu quả khủng khiếp”.

Cần có tâm với nghề

Giới chuyên gia đã chỉ ra những hậu quả nghiêm trọng từ việc dễ dãi trong đào tạo tiến sĩ. Phân tích tới nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng đây là bệnh thành tích trong cán bộ công chức.

TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ câu chuyện thời ông còn làm ở Bộ GDĐT. Thời điểm đó, đã có ý kiến cho rằng những người làm công tác quản lý nên để danh hiệu GS, PGS cho các trường. Tuy nhiên một số người dù sắp nghỉ hưu rồi vẫn cố làm cho được để có học hàm.

Theo TS Lê Viết Khuyến, thói háo danh, cố bằng mọi cách có học hàm học vị đề thăng tiến là vấn đề nhức nhối từ rất lâu ở Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền cũng cho rằng, nguyên nhân là do ý thức, thái độ người học và vì “dây chuyền sản xuất” tiến sĩ kém chất lượng đã tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh làm ẩu, dễ dãi để dán bằng cấp phô trương, “lòe thiên hạ”.

Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, PGS.TS Nguyễn Văn Dững cho rằng, người làm giáo dục đào tạo cần có tâm với nghề, với sự nghiệp.

Để ngăn chặn tình trạng dễ dãi trong đào tạo tiến sĩ, ông Dững nêu quan điểm, để khắc phục loại đề tài luận án tiến sĩ kém chất lượng, chủ yếu phụ thuộc vào đội ngũ những người thầy, các nhà khoa học đi trước; đồng thời phụ thuộc vào người dự tuyển nghiên cứu sinh.

“Ở đây cũng có vai trò của Bộ GDĐT. Bởi vì, các đề tài luận án tiến sĩ, sau khi đã được hội đồng tư vấn và cơ sở đào tạo quyết định, đều phải báo cáo Bộ GDĐT thẩm định chứ không chỉ để báo cáo hành chính”, PGS.TS Nguyễn Văn Dững cho hay.

Trước phản ánh của báo chí liên quan tới những đề án tiến sĩ chưa xứng tầm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết: Bộ GDĐT luôn hướng tới hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong quá trình đào tạo tiến sĩ trên tinh thần thực hiện tự chủ đại học và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, nhà khoa học theo Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Đặc biệt, Bộ GDĐT đánh giá rất cao vai trò phản biện, giám sát của cộng đồng khoa học đối với chất lượng các luận án tiến sĩ.

Với những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ GDĐT sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Nhân bản' tiến sĩ: Dễ dãi đào tạo hay bệnh thành tích?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO