Nhận diện tồn tại của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở Hà Tĩnh – Bài 1: Vượt khó để đổi mới nhưng lối mòn cũ vẫn tồn tại

HẠNH NGUYÊN 03/01/2023 07:24

Chuyên đề giám sát “Việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh” của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh kết thúc cách đây hơn 1 tháng. Để giám sát và phản biện được chính xác, khách quan đối với vấn đề “nóng” này, các cán bộ Mặt trận và cơ quan chuyên môn đã giám sát trực tiếp và gián tiếp tại các đơn vị trường học, làm việc với UBND các huyện, thị xã và ngành giáo dục trên địa bàn.

Cán bộ giám sát của MTTQ tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra thực tế tại Trường THCS Hương Giang (huyện Hương Khê).

Vượt qua khó khăn

Chương trình GDPT 2018 triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh đúng vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho các cơ sở GDPT còn khó khăn. Mặc dù vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm đồng bộ, hiệu quả theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và các văn bản của tỉnh.

Theo Đoàn giám sát của MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm giám sát, Chương trình GDPT 2018 triển khai thực hiện đúng lộ trình kế hoạch. Chất lượng giáo dục giữ vững, việc đổi mới phương pháp giáo dục đáp ứng được yêu cầu. Các nhà trường đã cơ bản khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được các cấp đầu tư để triển khai Chương trình GDPT 2018.

Về chất lượng giáo dục toàn diện, tất cả các lớp 1, 2, 6 đều hoàn thành nội dung, chương trình theo đúng kế hoạch, thời gian đã đề ra. Nề nếp dạy học tốt; phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đảm bảo giúp người học hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực theo quy định của Chương trình. Các trang thiết bị dạy học được vận dụng tối đa để triển khai Chương trình.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Phạm Thị Thu Hà ghi nhận, các cơ sở giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh đã nỗ lực, quyết tâm, bám sát chủ trương, hướng dẫn của cấp trên trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Chủ động trong việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá học sinh. Giáo viên được tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đầy đủ, kịp thời. Thực hiện Chương trình GDPT 2018 đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng giáo dục được giữ vững, chất lượng mũi nhọn đạt thành tích cao, tạo được dấu ấn như: Huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, Đức Thọ, TP Hà Tĩnh...

Còn đó những bất cập

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thu Hà, chương trình giáo dục mới nhưng lối mòn cũ vẫn đang tồn tại đã ảnh hưởng đến công tác dạy và học. Quá trình giám sát, cán bộ Mặt trận và cơ quan chuyên môn đến kiểm tra từng “góc” trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, qua đó nhận diện được nhiều vấn đề tồn tại.

Cụ thể, công tác tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin khi triển khai Chương trình chưa đáp ứng được yêu cầu. Về sắp xếp mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Đoàn giám sát nhận định, nhiều trường học thiếu quy hoạch tổng thể nên xây dựng chắp vá, một số trường học xuống cấp nghiêm trọng, đơn cử như Trường Tiểu học Kỳ Thịnh 2, thị xã Kỳ Anh, Trường THCS Hương Giang, huyện Hương Khê...

Một số trường học mặc dù mới được quy hoạch và xây dựng nhưng công tác dự báo không tốt, cho nên bố trí diện tích quá chật hẹp, sĩ số học sinh tăng nhanh nên thiếu phòng học, phải dồn lớp dẫn đến sĩ số học sinh trên lớp vượt quy định lên tới 45-50 em, ảnh hưởng lớn tới việc triển khai dạy và học theo chương trình mới. Khối công trình phụ trợ học tập; phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, phòng đa chức năng đều thiếu so với quy định của Bộ GDĐT.

Bên cạnh đó, nhiều trường sử dụng các thiết bị dạy học theo chương trình cũ, chưa tổ chức sắp xếp, đánh giá, phân loại và khai thác tối đa đối với các thiết bị, đồ dùng dạy học. Nhiều trường còn thiếu máy móc, thiết bị để học các môn Nghệ thuật, Tin học, Ngoại ngữ.

Vấn đề đáng bàn là hiện nay, giáo viên tiểu học trên toàn tỉnh còn thiếu. Giáo viên THCS thừa - thiếu cục bộ, bất cập về số lượng, cơ cấu, bố trí không đồng đều giữa các địa phương, trường học. Chưa có giáo viên được đào tạo để dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý… Thiếu giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT. Giáo viên không đảm bảo về cơ cấu dẫn tới phải điều động, biệt phái, giáo viên dạy chéo môn. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn một số địa phương còn thấp...

Thực tế cho thấy, một số trường học chưa chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh chương trình dạy học sát với năng lực thực tế của học sinh. Việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển năng lực, phẩm chất người học của một số giáo viên chuyển biến còn chậm do trình độ tiếp nhận còn hạn chế.

“Một số địa phương đã thực hiện việc sáp nhập trường lớp theo quy định, tuy nhiên, việc sáp nhập trên thực tế còn nhiều bất cập, quá tải về số lớp và sĩ số học sinh/lớp. Gây khó khăn cho các trường học trong quản lý, tổ chức dạy học. Khó thực hiện được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục theo Chương trình GDPT 2018” - bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật và Tôn giáo - Dân Tộc, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, thành viên Đoàn giám sát nhấn mạnh.

Sau khi nhận diện, phát hiện các bất cập của Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn Hà Tĩnh, Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã kiến nghị, đề xuất các giải pháp để Chương trình giáo dục mới phát huy hiệu quả tốt hơn.

Hiện tại, tất cả các trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chưa được hỗ trợ thiết bị dạy học từ nguồn ngân sách của tỉnh để đảm bảo việc dạy - học theo Chương trình GDPT 2018. Việc này dẫn đến phần lớn các tiết học có yêu cầu sử dụng thiết bị dạy học, giáo viên phải dạy “chay”. Một số tiết học thực hành, làm thí nghiệm chỉ được hướng dẫn trên màn hình hoặc theo cách mô tả của giáo viên - “thí nghiệm ảo”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận diện tồn tại của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở Hà Tĩnh – Bài 1: Vượt khó để đổi mới nhưng lối mòn cũ vẫn tồn tại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO