Nhân họa khó phòng

Lê Anh Đức 24/02/2017 09:05

Công an tỉnh Bắc Ninh bước đầu xác định nguyên nhân vụ nổ xe khách đêm 21/2 khiến 2 người tử vong và 14 người bị thương là do vật liệu nổ. Tuy nhiên, còn phải mất thêm một thời gian nữa thì cơ quan CSĐT công an tỉnh này mới có thể xác định được đó là vật liệu nổ gì, nguồn gốc từ đâu. Liên tiếp các vụ xe ô tô khách bị cháy, giờ đến bị nổ làm nhiều thương vong không khỏi làm người dân lo ngại khi di chuyển bằng loại hình vận tải này.

Tai họa ập xuống đầu hành khách đi trên chuyến xe định mệnh này do con người gây ra.

Trong những vụ ô tô khách bỗng dưng bốc cháy, dù đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được câu trả lời cuối cùng về nguyên nhân gây cháy, nhưng chí ít trong một vài trường hợp cũng có thể “đổ lỗi” cho “nguyên nhân khách quan”.

Song, vụ nổ xe khách ở Bắc Ninh vừa qua, theo kết quả điều tra, khám nghiệm hiện trường của cơ quan công an thì có thể khẳng định như đinh đóng cột rằng, tai họa ập xuống đầu hành khách đi trên chuyến xe định mệnh này hoàn toàn do con người gây ra.

Người xưa có câu “thiên tai, địch họa” để chỉ những thứ bất ngờ, khó lường và không thể kiểm soát được hậu quả.

Nhưng đó chỉ là vào thời còn mông muội thôi, chứ ngày nay với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học, người ta đã có hiểu biết và kiểm soát được thiên nhiên, để từ đó có thể lường trước được mối đe dọa cũng như giảm thiểu tối đa được thiệt hại của thiên tai địch họa.

Song, đau ở chỗ thiên tai địch họa thì có thể phòng và giảm thiểu thiệt hại được, chứ nhân họa do chính con người gây ra thì khoa học cũng đành bó tay thúc thủ.

Nói như vậy để thấy rằng, dù pháp luật đã quy định cấm tàng trữ, vận chuyển và buôn bán các loại vật liệu nổ, nhưng vì một lý do nào đó (mà khả năng cao là vì tiền) người ta vẫn cứ cho chất nổ lên xe để rồi gây ra tai họa.

Còn nhớ một vụ tương tự xảy ra cách đây 3 năm cũng đã khiến nhiều người bị thương nặng. Để triệt hạ đối thủ kinh doanh, 1 người đã gửi mìn tự tạo trên ô tô khách và khi nó phát nổ khiến cả lái xe và 2 phụ xe bị thương, người thì mất 80% sức khỏe, người thì 98%...

Vậy thì một câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao người ta lại dễ dàng có được vật liệu nổ để làm mìn tự tạo, đưa chất nổ lên xe khách để rồi gây tang tóc cho nhiều người? Chẳng phải câu trả lời đã quá rõ ràng rồi hay sao?

Đó là do sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, thậm chí là tiếp tay của một số cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý vũ khí quân dụng, vật liệu nổ... Giờ người ta có thể dễ dàng sở hữu để rồi vác súng quân dụng, súng tự tạo, lựu đạn, mìn tự tạo... đi thanh toán “ân oán giang hồ”.

Chẳng biết thực hư như thế nào, nhưng người ta “kháo” nhau rằng, chỉ cần có tiền thì có thể mua các loại hàng cấm này với số lượng bao nhiêu cũng có.

Có lẽ nguồn cung dễ dàng thật, dẫn đến trong vài năm trở lại đây, có vô số vụ trọng án làm các cơ quan chức năng phải đau đầu vì các đối tượng dùng súng quân dụng, súng tự chế, mìn, bom tự chế... Nói đâu xa, chỉ mới năm ngoái thôi, 1 người đã dùng súng hoa cải hành hung khiến nhiều người chết và bị thương ở Đắk Nông.

Đến ngay như Trưởng Công an TP Phủ Lý còn bị xã hội đen vác súng đến tận nhà truy sát thì còn gì đáng sợ hơn? Người ta thấy nuối tiếc quãng thời gian khoảng hơn chục năm trở về trước, khi mà muốn sở hữu vũ khí quân dụng và vật liệu nổ thì khó ngang với... lên Trời.

Nói các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về vũ khí và vật liệu nổ đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm không hề ngoa khi mà những nơi cất giữ các loại hàng cấm này liên tục bị “mất trộm” một cách bí ẩn.

Mới đây thôi, trong khoảng 6 tháng cuối năm 2016 đã liên tiếp xảy 2 vụ mất cắp đến hơn 9.200 kíp nổ các loại tại 2 mỏ đá ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lộ ra nhiều sơ hở trong quản lý vật liệu nổ công nghiệp. Chưa nói đến chuyện có sự thông đồng tuồn kíp nổ hay không, chỉ nội việc để mất cắp số lượng lớn kíp nổ cũng đã là cảnh báo đáng lo ngại cho xã hội rồi.

Theo quy định của Nhà nước về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp thì tất cả các kho chứa loại hàng này đều phải có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp có vũ trang, canh gác suốt ngày đêm.

Tuy nhiên, lý giải cho việc không chấp hành quy định trên để 9.200 kíp nổ dễ dàng “bốc hơi”, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, sở dĩ chưa triển khai được lực lượng chuyên nghiệp có vũ trang tại các kho chứa vật liệu nổ công nghiệp là vì ngành công an có quy định khác về quản lý và sử dụng vũ khí...

Hiện, Quốc hội đang cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Song, điều đó không có nghĩa là chúng ta chưa có hành lang pháp lý để quản lý các loại hàng cấm này.

Pháp lệnh về vấn đề này đã được Ủy ban TVQH ban hành từ năm 2011, sửa đổi năm 2013, tuy đến nay đã phát sinh một số bất cập không còn phù hợp với thực tiễn, song vẫn là cây gậy điều chỉnh hữu hiệu trong lĩnh vực này. Vấn đề ở đây là con người, là các cơ quan thực hiện quy định đó ra sao mà thôi.

Dù sau này khi thông qua Dự án luật, dù hành lang pháp lý đã chặt chẽ, nhưng nếu không đổi mới được về yếu tố con người thì e rằng tình trạng tràn lan vũ khí, vật liệu nổ để rồi gây ra những vụ án đau lòng vẫn sẽ diễn ra. Vậy mới nói, nhân họa thật khó phòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân họa khó phòng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO