Nhân lực không có tay nghề: Gánh nặng cho doanh nghiệp

Lê Bảo - Minh Sang 20/05/2022 14:04

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp thiếu hụt lao động. Để giải cơn khát này, một số doanh nghiệp buộc phải tuyển dụng lao động phổ thông, không yêu cầu bằng cấp. Tuy nhiên, về lâu dài đây sẽ là nguyên nhân cản trở các doanh nghiệp phát triển.

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị cần sớm triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề.

DN khó tiếp cận

Để hỗ trợ người lao động (NLĐ) cũng như doanh nghiệp (DN), ngay đầu tháng 7/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó có hạng mục về hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Chính sách này được cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đón nhận hết sức tích cực. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 tháng triển khai nhưng theo phản ánh của cộng đồng DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa rất khó để tiếp cận với chính sách hỗ trợ.

Tại hội thảo thúc đẩy hỗ trợ đào tạo nghề cho DN và NLĐ do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Hiệp hội DNVVN tổ chức mới đây, phản ánh về việc triển khai chính sách, ông Trần Minh Tuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Bình, cho biết chính sách hỗ trợ đào tạo nghề là một chủ trương đúng đắn, đúng lúc và rất cần cho cả DN và NLĐ, tuy nhiên việc triển khai chính sách chưa như kỳ vọng.

“Mong muốn và nhu cầu thực sự của doanh nghiệp chưa được truyền thông rộng rãi, đến thời điểm này nhiều DN vẫn chưa thực sự biết đến hoặc nắm được cụ thể thông tin hỗ trợ từ Nghị quyết 68. Thời gian hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động không còn nhiều, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải đơn giản hóa về mặt thủ tục, tăng cường truyền thông để đưa chính sách đến với DN và NLĐ” - ông Tuyến đề xuất.

Ở góc độ đào tạo, ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Long Biên - trực thuộc Tổng Công ty May 10 cũng cho rằng, việc triển khai chính sách chưa đạt hiệu quả cao. Khó khăn chúng tôi gặp phải là chứng minh năng lực cơ sở đào tạo nghề, phải giải trình báo cáo và trải qua rất nhiều bước về thủ tục.

“Trong thời gian đào tạo, DN vẫn phải tham gia sản xuất chứ không thể dừng được vì ảnh hưởng doanh thu, vì vậy cần phải linh hoạt xây dựng lịch đào tạo phù hợp với DN” – ông Hà nhấn mạnh.

Sớm tháo gỡ những khó khăn

Trước phản ánh của cộng đồng DN, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH thừa nhận, có nhiều yếu tố nhưng tựu chung do thông tin truyền thông về chính sách chưa được đầy đủ và kịp thời.

Thứ hai là chưa kết nối được cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý. Chính các cơ sở đào tạo dường như cũng rất ngại đến các DN nhỏ và vừa. Mặt khác các DN cũng chỉ đặt nhiệm vụ khôi phục sản xuất kinh doanh làm nhiệm vụ hàng đầu. Đây chính là nguyên nhân khiến việc triển khai chính sách gặp khó khăn.

Đại diện cho Cộng đồng DN nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, đại dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng thiếu hụt người lao động cục bộ ở nhiều tỉnh, thành phố. Riêng trong quý I/2022, tỷ lệ thiếu hụt lao động đã cao hơn 2-3% so với những năm trước và chủ yếu trong các lĩnh vực dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ...

Chính vì thiếu lao động nên nhiều DN hiện đang đẩy mạnh tuyển dụng để khôi phục sản xuất - kinh doanh. Theo thống kê có đến 75% nhu cầu tuyển dụng là lao động phổ thông và lao động không yêu cầu có bằng cấp, chứng chỉ.

“Việc tuyển dụng lao động không có tay nghề sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của DN, thậm chí còn có thể gây mất an toàn lao động và thiệt hại cho cả hai bên. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho NLĐ, trong đó việc triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 là bước đệm rất quan trọng để giúp DN phục hồi sản xuất cũng như nâng cao năng suất lao động. Tới đây chúng tôi cũng sẽ trao đổi với các DN về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị để làm sao có thể hỗ trợ càng sớm càng tốt ” - ông Thân nhấn mạnh.

Tính đến tháng 5/2022, theo báo cáo của các địa phương, có trên 200 DN yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động trong cả nước, trong đó 60 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho trên 30.000 lao động. Sở LĐTB&XH của 14 tỉnh, thành phố đã thẩm định, phê duyệt cho 36 đơn vị, hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 9.000 lao động, kinh phí hỗ trợ trên 54 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân lực không có tay nghề: Gánh nặng cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO