Nhẩn nha chuyện chơi tranh

ĐỖ ĐỨC 29/05/2022 06:16

Từ ngày mở cửa, thị trường sôi động, đời sống xã hội dần khá giả. Phú quý sinh lễ nghĩa, bây giờ nhiều nhà xây bề thế hoặc có căn hộ chung cư khang trang. Họ mua tranh trang trí cho căn nhà mới đã thành một nhu cầu mới của nhiều nhà. Nên thời nay họa sĩ vẽ tranh đã dần hòa với nhịp thở của đời sống sống xã hội.

Tranh: Đặng Tiến.

Người ta ra phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) mua tranh chép, tranh nhái, hàng Tàu những tranh deco, tranh tích chuyện, tranh vẽ theo thể loại bờ hồ kiểu mới giờ cũng có. Mua theo yêu thích, theo túi tiền của mình. Triển lãm của các họa sĩ cũng nhiều người đến xem và mua tranh chứ không riêng các nhà sưu tập. Nhiều họa sĩ nghiệp dư bày triển lãm và cũng bán tranh rôm rả. Đã manh nha có một thị trường nghệ thuật tuy chưa có hứa hẹn gì sáng sủa nhưng rõ ràng mỹ thuật đã có một lối đi.

Có người lo lắng rằng tranh chép, tranh bờ hồ làm hỏng thẩm mỹ. Tôi bảo không. Như vậy là xã hội đang hướng đến nghệ thuật, hướng đến cửa ngõ thẩm mỹ. Còn tranh ư? Tranh nào cũng là tranh cả, tiền nào của nấy. Tranh chép, tranh nhái thì giá rẻ vừa tầm. Đợi mua một tranh tác phẩm nguyên bản có một, cả đống tiền, khác gì mua căn hộ sang trọng, mấy ai chịu được, đợi đến bao giờ dù thích đi chăng nữa. Mà tranh ấy chắc đâu đã thích!

Thế nào là thẩm mỹ. Thẩm mỹ là một khái niệm mà nội hàm của nó rất rộng, có biến đổi theo sự phát triển của xã hội, diễn biến theo thời gian và sự phát triển kinh tế. Tranh Đông Hồ đem cái duyên cho nhà tranh vách đất, hợp cảnh. Đó là thẩm mỹ. Có thời người ta chỉ thích tranh bờ hồ, đó là thẩm mỹ thôn quê thời ấy. Đi xa hơn ở những nước phát triển như châu Âu thì tranh sơn dầu màu nước là thẩm mỹ hợp gu, lại khác xa chúng ta. Với lại, đơn giản xứ ta, quan niệm về cái đẹp cũng thay đổi. Xưa răng đen hạt na, ăn trầu môi cắn chỉ là vẻ đẹp tiêu chuẩn một thời. Khăn vấn bỏ đuôi gà, áo mớ ba mớ bảy là tiêu chuẩn đẹp một thời. Đầu phi dê không bằng chải tóc lưỡi trai của gái Hà thành xưa, đó là thẩm mỹ thời ấy...

Tranh: Nguyễn Quang Thiều.

Hay nhất là mua tranh mình thích, vừa mắt mình, vừa túi tiền mình là thật với mình nhất. Mua qua tai hoặc mua qua quảng cáo mà không thuận mắt thì chớ mua dù rẻ. Bởi đem thứ nghệ thuật thị giác mà chưa hiểu thấu đáo về nhà thì chỉ gây khó chịu trong người. Qua thời gian, học hỏi trò chuyện hiểu biết sâu thêm, lúc ấy quan niệm về nghệ thuật thay đổi thì sẽ tính sau.

Mua tranh là mua một món đồ ảo. Giá trị vật chất có thể tính ra được, còn giá tranh thì đó là giá của sự yêu thích. Dù to hay nhỏ nhưng với số tiền ấy người mua hài lòng là được. Tranh không có giá thị trường.

Tranh vẽ theo ảnh nay đang là thị hiếu phổ thông, người tiêu dùng thích thì nó sẽ phát triển. Không thích nữa nó sẽ tự biến mất. Đó cũng là chặng đường đầu tiếp cận với nghệ thuật, hay dở không dễ bàn, nhưng vẫn đáng khích lệ.

Người ta chỉ có thể mua cái hiểu được. Tất cả họ không có gì đáng trách vì nó vừa mắt người ta, dễ hiểu, đúng với thị hiếu đang có trong người. Cũng như vậy trong chính thống thì dòng tranh hiện thực vẫn luôn có sức sống bền bỉ nhất. Chơi tranh là một thú vui tinh thần, thích gì thì chơi nấy. Thưởng thức nghệ thuật không thể ép buộc!

Cho nên hay nhất là mua tranh mình thích, vừa mắt mình, vừa túi tiền mình là thật với mình nhất. Mua qua tai hoặc mua qua quảng cáo mà không thuận mắt thì chớ mua dù rẻ. Bởi đem thứ nghệ thuật thị giác mà chưa hiểu thấu đáo về nhà thì chỉ gây khó chịu trong người. Qua thời gian, học hỏi trò chuyện hiểu biết sâu thêm, lúc ấy quan niệm về nghệ thuật thay đổi thì sẽ tính sau.

Sinh thời, có lần họa sĩ Vũ Giáng Hương bảo tôi: Các họa sĩ vẽ tranh chợ nhiều quá, e hỏng mất nghề. Lúc ấy chị là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Đó là lo lắng trách nhiệm của người đứng đầu cứ hay lo xa như thế. Suy nghĩ đó cũ lắm về phát triển văn học nghệ thuật, nhưng thời ấy nó thế. Dù lo mà cũng có làm gì được đâu. Tôi bảo: “Chị ơi, vẽ tranh chợ mà bán được là thêm một người lương thiện sống bằng nghề. Thế đáng mừng chứ. Họ đang dùng nghề vẽ học trường ra kiếm sống, dù làm gì bằng nghề mà sống được đều đáng mừng. Có ai ra trường thành họa sĩ cả đâu!”

Tôi từng nghe giáo sư toán học Hoàng Xuân Sính trong một lần tranh luận về lựa chọn đào tạo, bà nói ý rằng phải lựa chọn khắt khe để lấy những người xuất sắc, chứ không nên đào tạo dàn trải. Ai cũng bằng cấp thì lấy ai là người đi cày. Cách nhìn về đào tạo đỉnh cao ấy là rất khoa học. Mỹ thuật cũng vậy, có phải ra trường ai cũng thành họa sĩ cả đâu, dù chúng ta quen gọi người tốt nghiệp đại học mỹ thuật là họa sĩ.

Tranh: Nguyễn Thị Hiền.

Sáng tác mỹ thuật là sự sàng lọc khắt khe vô cùng. Có mấy ai tồn tại được bằng nghề, lại càng hiếm người thành tác giả có uy tín trong giới và với xã hội. Cho nên tranh thì nhiều nhưng tác phẩm thì có mấy. Tác phẩm có sức sống bền dai trong đời sống tinh thần xã hội là cuộc thử lửa khắt khe đến mức có khi tác giả qua đời nhiều năm rồi mới xác lập được. Một bức tranh cho mười nhà nghiên cứu có học thuật đánh giá may ra được quá bán nhất trí là tỉ lệ quá cao.

Tranh là thật từ kích thước đến chất liệu, nhưng giá trị tác phẩm nghệ thuật là giá trị ảo và cuối cùng định giá ra tiền cũng ảo nốt. Nó sẽ thay đổi một trời một vực mà người giàu tưởng tượng nhất cũng không dễ nghĩ ra. Còn nhớ câu chuyện, sinh thời Picaso mua tranh của bạn ông là Henri Rutxo giá 5 phơ răng. Khi Picaso mất, kiểm kê kho, bức tranh của Henri Rutxo được định giá lại, giá trị là 4,5 triệu USD. Vậy đâu là giá trị thực?

Mua tranh là mua một món đồ ảo. Giá trị vật chất có thể tính ra được, còn giá tranh thì đó là giá của sự yêu thích. Dù to hay nhỏ nhưng với số tiền ấy người mua hài lòng là được. Tranh không có giá thị trường.

Năm 1996 tôi từng bán một tranh giấy dó nhỏ cỡ 41x60cm cho một chủ ngân hàng người Mỹ ở Băng Cốc (Thái Lan) với số tiền tương đương 2,4 cây vàng. Ông ấy kêu đắt nhưng dứt khoát mua bằng được. Trả tiền cho sự yêu thích nghệ thuật là như vậy. Nghệ thuật là sản phẩm siêu hàng hóa. Đừng nói người Mỹ nhiều tiền mà cẩu thả trong chi tiêu! Họ là những người dùng tiền rất kĩ lưỡng, chỉ trả tiền cho những gì họ yêu thích nhất.

Tóm lại chơi tranh phải luôn tôn trọng ý thích của mình, bất kì là tranh loại gì, kể cả tranh bờ hồ, thích thì chơi cái vừa với gu hiểu biết của mình là ổn nhất.

4/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhẩn nha chuyện chơi tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO