Nhập khẩu điện không hẳn do thiếu

M.Phương 27/05/2023 06:35

Tại buổi họp báo thông tin về tình hình cung cấp điện do Bộ Công thương tổ chức chiều 26/5, các vấn đề về nhập khẩu điện, cung ứng điện trong thời gian tới đã được đưa ra.

Miền Bắc được dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng về điện trong thời gian tới.

Việt Nam đã nhập khẩu điện từ năm 2005

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, hiện nay Việt Nam có các đường dây liên kết với các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc, Campuchia. Thực tế, sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ, nhập từ Lào khoảng 7 triệu kWh, Trung Quốc khoảng 4 triệu kWh, trong khi sản lượng điện của miền Bắc lên tới 450 triệu kWh.
Theo ông An, chúng ta đã mua điện từ Trung Quốc từ năm 2005, còn nhập khẩu điện của Lào là theo Hiệp định Liên Chính phủ, với giai đoạn 2020 - 2025 tối thiểu là 3.000 MW và giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 5.000 MW. Hoạt động nhập khẩu điện từ các nước này, theo ông An, là trên cơ sở hệ thống lưới điện liên kết với một số nước trong khu vực.
So với tổng nguồn cung toàn hệ thống, lượng nhập khẩu này là tương đối nhỏ, chỉ hơn 10 triệu kWh/ngày, trong khi sản lượng tiêu thụ điện của miền Bắc là 450 triệu kWh/ngày, mức này tương đối thấp. Về nhập khẩu điện, ông An cho hay, không phải thiếu mới nhập khẩu điện.
Còn đối với nguồn năng lượng điện tái tạo, hiện nay chiếm hàng trăm triệu kWh/ngày, chiếm 1/9 sản lượng điện cả nước. Nguồn điện này đóng góp rất lớn song thực chất sản lượng của điện gió tương đối thấp bởi còn phụ thuộc hướng gió, tốc độ gió, hướng đặt tuabin. Sản lượng điện gió chỉ đạt 56% công suất dự kiến, tổng sản lượng khoảng 100 triệu kWh/ngày. Cá biệt ngày 25/5, sản lượng điện gió khoảng 109 kWh/ngày.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng nhấn mạnh, sắp tới vẫn phải có các nguồn linh hoạt để đáp ứng tỷ trọng điện trong nước.
Trước đó, Bộ Công thương cũng cho biết, hiện hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc đang trong cao điểm mùa khô, vận hành trong tình trạng hết sức khó khăn, do phụ tải hệ thống tăng cao, lưu lượng nước về của các nhà máy thủy điện tiếp tục kém, tình hình nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than có nhiều khó khăn.
Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải tăng cường huy động các nguồn điện sẵn có để bổ sung cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp nhằm tăng công suất cho hệ thống điện.
Theo cơ quan này, việc nhập khẩu điện là chiến lược dài hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị - kinh tế của Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn của quốc gia và được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia từng thời kỳ.

Tình hình cung ứng điện đã tạm ổn

Nói về tình hình cung ứng điện trong tháng 6 tới, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng cho biết, ở miền Bắc vẫn trong tình trạng thời tiết khô, ít mưa. Miền Nam đã chính thức bước vào mùa mưa. Đối với hệ thống điện của Việt Nam, với sản lượng được thực hiện, tình hình cung ứng điện miền Bắc có thể căng thẳng nhưng miền Nam và miền Trung là tạm ổn.

Cũng theo ông An, để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô này, việc đảm bảo các nhà máy nhiệt điện bao gồm nhà máy tuabin khí vận hành ổn định là ưu tiên số 1.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo tất cả các tổng công ty phát điện, các tập đoàn có nhà máy điện, doanh nghiệp có nhà máy điện bằng mọi cách lo đủ nhiên liệu cho phát điện. Đầu tiên là vấn đề cung cấp than. Tiếp đó là dầu, bao gồm dầu FO và dầu diesel. Khi khí suy giảm thì phải phun dầu DO vào để đốt. Đây là nguồn điện tương đối đắt tiền. Vừa qua, tình hình cung ứng dầu cũng có trục trặc nhưng đến nay cũng đã tích trữ, bổ sung dầu đủ cho nhu cầu.

“Chúng ta có nhà máy mà thiếu nhiên liệu thì không được. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch, Thủ tướng chỉ đạo rất kỹ”- ông An nói đồng thời khuyến cáo, cần “triệt để tiết kiệm điện” vì tiết kiệm điện là giải pháp rất quan trọng. Nếu vẫn đang chạy dầu phát điện mà không tiết kiệm thì rất lãng phí.

Đến nay, EVN đã phải huy động 900 triệu kWh điện chạy dầu, trong bối cảnh tài chính EVN gặp khó khăn thì đó cũng là nỗ lực rất lớn.

Cũng theo thông tin từ Bộ Công thương, hiện đã có 37/85 dự án năng lượng tái tạo gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EVNEPTC) để phục vụ quá trình đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện. Đối với 48 dự án còn lại chưa gửi hồ sơ, EVNEPTC cũng đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư tiếp tục gửi, cung cấp các hồ sơ tài liệu dự án phục vụ cho công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện. Trong số 37 dự án đã gửi hồ sơ thì đến ngày 24/5/2023, EVN nhận được đề nghị áp dụng giá tạm của 24 dự án.

Hai bên đã họp và thống nhất: Giá mua điện tạm (chưa bao gồm thuế VAT) bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình Nhà máy điện quy định tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công thương; Giá mua điện chính thức và việc quyết toán tiền điện sẽ thực hiện theo hướng dẫn/quyết định của cấp có thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhập khẩu điện không hẳn do thiếu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO