Nhẹ dạ thì mất tiền

Tinh Anh 24/02/2022 12:02

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ vừa khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phúc (SN 1993, trú tại tỉnh Kiên Giang) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra cáo buộc: Phúc đã dùng nhiều tài khoản Facebook kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng của nhiều người có lòng tốt muốn giúp đỡ những hoàn cảnh gặp khó khăn, bệnh tật.

Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, Phúc sử dụng nhiều tài khoản Facebook để đăng các bài viết kêu gọi ủng hộ từ thiện. Để tạo lòng tin các nhà hảo tâm, Phúc đăng tài khoản ngân hàng có tên “BAO CAN THO” khiến mọi người lầm tưởng đây là tài khoản của Báo Cần Thơ rồi chuyển tiền vào. Hơn 3 tỷ đồng nhận được, Phúc rút ra tiêu xài cá nhân hết.

Đây không phải là lần đầu tiên có đối tượng mượn danh nghĩa kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội để lừa tiền của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân. Thực tế thời gian qua đã có khá nhiều đối tượng bị lực lượng công an của nhiều tỉnh, thành phố xử lý hình sự về hành vi gian dối, lừa đảo trong việc kêu gọi từ thiện. Vậy mà vẫn có nhiều người mắc hợm.

Vậy thì vấn đề ở đây là gì? Vì sao từng có những vụ việc tương tự bị xử lý, nhưng các đối tượng xấu vẫn dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người khác? Thực ra không có gì khó hiểu trong câu chuyện này. Kẻ xấu vẫn có “đất dụng võ” là bởi sự nhẹ dạ cả tin của mọi người, cùng với đó là tâm lý số tiền không nhiều nếu có bị lừa thì cũng không sao.

Nhiều người còn có tâm lý mang nặng chất tâm linh, đó là nếu có ai đó giả danh làm từ thiện để lừa tiền của người khác thì sẽ phải gánh nghiệp chướng. Vì thế, dù họ có chuyển số tiền hơi lớn một chút cũng có phần an tâm, bởi tin rằng chẳng có ai dám làm cái việc “tội lòi mắt” ra ấy. Không có ý xúc phạm, nhưng xin thưa, “tội” chưa thấy đâu chỉ thấy đối tượng lừa đảo vẫn sống ung dung, thậm chí tiêu xài xa hoa bằng chính đồng tiền lừa được.

Mỗi lần triệt phá vụ việc giả làm từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an luôn ra lời cảnh báo người dân về việc chớ nhẹ dạ cả tin, hãy kiểm chứng thông tin trước khi chuyển tiền cho người kêu gọi từ thiện. Song, mấy ai chuyển tiền đóng góp từ thiện lại còn mất thêm thời gian đi tìm hiểu thực hư, mà dù muốn cũng chắc gì đã tìm hiểu được?

Nhiều ý kiến cho rằng, trách người dân một thì phải trách các cơ quan chức năng mười. Luồng ý kiến này hoàn toàn có cơ sở, bởi việc xác định “thật giả” đối với cơ quan chức năng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với người dân. Vậy cớ sao ngay khi có người đăng bài viết kêu gọi từ thiện, cơ quan chức năng không “hỏi thăm” để tránh người dân bị lừa?

Đến đây tôi chợt nhớ lại câu nói quen thuộc của ngành công thương: Mỗi người tiêu dùng hãy trở thành khách hàng thông thái để không mua phải hàng nhái, hàng lậu... Ô hay, đâu phải người tiêu dùng nào cũng có “mắt lửa ngươi vàng” để có thể thoạt nhìn đã biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Đó chẳng phải nhiệm vụ của ngành công thương sao?

Vậy thì việc có đối tượng đăng bài viết kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội, tại sao cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này không tiến hành kiểm tra, xác minh? Lực lượng công an, chính quyền địa phương vì sao không đến tận nơi để xác định người kêu gọi làm từ thiện thật hay giả? Thậm chí có thể tra soát tài khoản ngân hàng nếu thấy thực sự cần thiết.

Đưa ra lập luận như vậy không phải khuyến khích sự nhẹ dạ cả tin của người dân để kẻ xấu có thể dễ dàng lừa gạt tiền. Song, các cơ quan chức năng cũng nên tự soi chiếu lại nhiệm vụ của mình xem liệu đã làm hết trách nhiệm với người dân hay chưa. Còn dĩ nhiên, nếu cơ quan chức năng vẫn giữ quan điểm các nhà hảo tâm phải “thông thái” thì những ai nhẹ dạ cả tin đành chấp nhận mất tiền thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhẹ dạ thì mất tiền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO