Nhẹ gánh ngân sách

Hải Phong 15/08/2017 07:45

Bắt đầu từ hôm nay (15/8), Nghị quyết số 42/2017/QH14 do Quốc hội thông qua ngày 21-6, về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, giờ đây không chỉ các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh, mua bán nợ mà bất cứ cá nhân, tổ chức cũng có thể mua nợ xấu.

Đặc biệt, tại Khoản 3, Điều 3, Nghị quyết 42 của Quốc hội quy định không được dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu khiến dư luận hết sức đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao, bởi ngân sách nhà nước sẽ nhẹ gánh hơn với các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ảnh minh họa.

Các chuyên gia ngân hàng khẳng định, việc Nghị quyết 42 của Quốc hội có hiệu lực thi hành sẽ giải phóng được nguồn lực dồi dào còn đang tồn đọng, quẩn quanh trong các khoản nợ xấu.

Tại thời điểm trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực thi hành, xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng chỉ dựa vào Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã khiến đơn vị này có lúc “quá tải”, nay với việc “san sẻ gánh nặng” với các cá nhân, tổ chức khác thì việc giải phóng vốn trong nợ xấu sẽ dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn rất nhiều.

Khi nợ xấu không còn, dòng tiền trong các tổ chức tín dụng sẽ luân chuyển quay vòng nhanh hơn, tạo thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.

Sau đó cũng đã có một số ngân hàng thương mại tự mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC để tự giải quyết phần nào giảm áp lực lên đơn vị quản lý tài sản này.

Cụ thể, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) đã mua lại toàn bộ hơn 4.300 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC để tự xử lý bằng nguồn lực tài chính của mình, vượt 3 năm so với kế hoạch đề ra, trở thành ngân hàng đầu tiên sạch nợ tại VAMC.

Tiếp đó, Ngân hàng TMCP quốc tế Việt Nam (VIB) cũng đã mua lại 1.336 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC để thực hiện các biện pháp thu hồi và xử lý, nhờ đó dư nợ của VIB tại VAMC đã giảm 30%.

Tuy nhiên, không phải bất cứ ngân hàng thương mại nào cũng có thể tự trang trải hay xoay xở được với các khoản nợ xấu giống như hai ngân hàng trên.

Đó là lý do mà nếu không có Nghị quyết 42 của Quốc hội thì e rằng phải thêm vài đơn vị tương tự như VAMC mới có thể kham hết số nợ xấu của các tín dụng.

Nói có sách, mách có chứng, tính đến cuối năm 2016, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mới chỉ thu hồi được hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC, giảm tổng nợ mà ngân hàng này đã bán cho VAMC từ mức 17.000 tỷ đồng xuống còn 14.000 tỷ đồng.

Và còn nhiều ngân hàng tương tự, thậm chí còn không có khả năng mua lại một đồng nợ xấu nào từ VAMC khiến khả năng gánh vác của đơn vị này ngày càng suy giảm.

Tại Nghị quyết 42, hàng loạt các cơ chế sẽ được áp dụng giúp cho ngân hàng, tổ chức tín dụng “dễ thở” hơn trong xử lý nợ xấu, bao gồm: Quyền thu giữ tài sản đảm bảo; áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp liên quan đến TSĐB; cho phép mua bán nợ theo giá thị trường, có thể cao, thấp hơn giá trị ghi sổ và phân bổ lãi dự thu, chênh lệch lỗ khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng...

Theo đó, các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản đảm bảo của bên vay nợ với thời hạn là sau 10 ngày nếu bên giữ tài sản đảm bảo không giao tài sản đảm bảo.

Nói một cách ngắn gọn là ngân hàng, tổ chức tín dụng có quyền tịch thu tài sản đảm bảo sau 10 ngày đáo hạn mà bên vay nợ không bàn giao tài sản đảm bảo.

Để tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức tín dụng trong việc “cưỡng chế” thu hồi tài sản đảm bảo để giải quyết các khoản nợ xấu, Nghị quyết 42 của Quốc hội còn quy định cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng mà không yêu cầu văn bản xác nhận bên bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ thuế liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm.

Với quy định “mở” này, dư luận kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để vướng mắc lớn nhất trong quá trình thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng, cũng như giúp các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo nhanh hơn, với giá bán cao hơn.

Đối với các cá nhân, tổ chức có thể “san sẻ gánh nặng” với VAMC bằng hình thức mua các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì Nghị quyết 42 của Quốc hội cũng cho phép bên mua các khoản nợ có nguồn gốc từ nợ xấu của tổ chức tín dụng có quyền nhận thế chấp, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản đảm bảo của khoản nợ đã mua, qua đó gỡ được các vướng mắc liên quan đến các khoản nợ có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất đã được bán cho các bên mua nợ.

Đồng thời, Nghị quyết 42 cũng giải quyết được các vướng mắc theo quy định của pháp luật hiện tại liên quan đến các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua có tài sản đảm bảo là dự án bất động sản hoặc tài sản hình thành trong tương lai, mà các dự án bất động sản chưa hoàn thành “công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án đã được phê duyệt”...

Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành như một luồng gió mới mang đến không khí trong lành cho các ngân hàng thương mại.

Nhiều chuyên gia ngân hàng và chuyên gia kinh tế kỳ vọng với những quy định mới tại Nghị quyết 42 của Quốc hội, các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng theo đó mà “biến mất”, tạo sự lành mạnh trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, và quan trọng hơn cả là giảm hẳn gánh nặng lên đôi vai ngân sách nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhẹ gánh ngân sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO