Nhếch nhác chợ cóc một xã nông thôn mới

Nguyễn Chung 12/10/2021 07:02

Tình trạng người dân tự ý đem hàng hóa bày bán tràn lan xuống lòng đường, vỉa hè tạo thành khu chợ cóc nhếch nhác, ô nhiễm môi trường… tại khu vực ngã tư thôn Hòa Hải, xã nông thôn mới Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đang khiến người dân và các phương tiện giao thông lưu thông qua đây hết sức bức xúc.

Mạnh ai nấy bán

Ngã tư chợ cũ xã nông thôn mới Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) là đầu mối nhiều tuyến giao thương huyết mạch của xã, bao gồm: Một ngả nối thông xuống cảng cá Hòa Lộc, các ngả còn lại dẫn đi các xã: Hải Lộc, Phú Lộc, Xuân Lộc. Chính vì địa thế khá thuận lợi đã biến nơi đây như một thị tứ có hoạt động buôn bán khá sầm uất của các tiểu thương ở địa phương cũng như từ nơi khác đổ về bán, buôn. Tuy nhiên, hoạt động buôn bán của hàng trăm người dân là tự phát, tràn xuống dưới lòng đường gây ách tắc giao thông, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cũng từ đây, các loại rác thải sinh hoạt được thải ra một cách bừa bãi, mùi hôi tanh nồng nặc, gây mất vệ sinh môi trường khá nghiêm trọng.

Anh Nguyễn Tiến Huy - trú tại xã Minh Lộc, tài xế xe tải chuyên đi thu mua hải sản tại cảng cá Hòa Lộc cho biết: Thường thì từ tinh mơ, anh đánh xe xuống cảng để kịp thu mua tôm, cá từ các tàu cá về sớm. Sau khi lấy xong hàng, anh phải cho xe chạy nhanh về để đưa hàng đến các chợ lân cận và chợ huyện để bán. Tuy nhiên, mỗi khi về qua ngã tư Hòa Lộc, xe phải “bò” từng mét, hú còi inh ỏi để xin đường. “Rất khó chịu! Nhiều bữa bấm còi inh ỏi mà người dân cứ ì ra, không nhường đường. Thịt cá, rau cỏ, đồ gia dụng bày tràn cả xuống lòng đường, người mua thì cứ tiện đâu dừng xe ở đó đứng mặc cả… Nhiều hôm xe hàng phải mất cả 30 phút mới nhích qua đây được, vì thế mà hàng không kịp về các điểm bán bị hư hỏng và tồn ứ” - anh Huy bức xúc nói.

Cùng chung tâm trạng như anh Huy, ông Nguyễn Văn V. - một người dân trú tại xã Hòa Lộc lo lắng cho biết: “Rất mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Nguy hiểm hơn, trong lúc dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, tại những điểm chợ tự phát này thường không có chốt kiểm soát dịch bệnh, nhiều người chưa ý thức được việc đeo khẩu trang, không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, tập trung đông người, không giữ khoảng cách an toàn tại đây thì nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh Covid-19 là vô cùng lớn”.

Chưa cương quyết xử lý

Được biết, Hòa Lộc là xã đã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2016. Tuy nhiên, việc chợ cóc tồn tại đang khiến hình ảnh của một xã nông thôn mới ít nhiều bị ảnh hưởng. Trước sự nhếch nhác của khu chợ tạm tại Hòa Lộc, vào cuối năm 2019, UBND huyện Hậu Lộc đã có quyết định loại bỏ chợ dân sinh này ra khỏi quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, yêu cầu UBND xã Hòa Lộc, Ban Quản lý chợ dân sinh Hòa Lộc, Ban Quản lý chợ cá 30/4 mới, phối hợp tiến hành xóa bỏ chợ dân sinh, di chuyển hoạt động buôn bán, kinh doanh của các tiểu thương về chợ cá 30/4. Tuy nhiên, phần vì thói quen, phần vì chính quyền xã chỉ “làm cho xong tay” nên nhiều tiểu thương vẫn không vào chợ mới để buôn bán.

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Xuân Hán, Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến việc chợ “cóc”, chợ tạm trên địa bàn vẫn hoạt động một phần là do những tiểu thương ở chợ cũ vì quyền lợi cá nhân đã lôi kéo, dụ dỗ những tiểu thương khác không vào buôn bán ở chợ mới mà vẫn tụ tập, buôn bán tại khu chợ cũ của địa phương.

Chính quyền đã nhiều lần kết hợp các ban ngành đoàn thể, công an tuyên truyền, xử lý các hộ dân buôn bán tại đây. Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng đi khỏi thì những hộ gia đình này lại tiếp tục đem hàng hóa ra bày bán khiến cho việc xử lý chưa thể dứt điểm. “Quan điểm của UBND xã Hòa Lộc là kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng người dân họp chợ “cóc”, chợ tạm trên địa bàn trong thời gian sớm nhất. Nếu hộ gia đình nào không có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm thì kiên quyết xử phạt, thu hồi sản phẩm” - ông Hán nói.

Rõ ràng, để xảy ra tình trạng chợ cóc hoạt động trái phép như trên, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền xã Hòa Lộc. Cụ thể ở đây là sự buông lỏng quản lý, chưa quyết liệt trong việc phát hiện xử lý vi phạm. Để chấm dứt tình trạng chợ cóc, chợ tạm vẫn hoạt động trên địa bàn, thiết nghĩ, UBND xã Hòa Lộc cần tăng cường tuyên truyền, vận động các tiểu thương đi vào nề nếp hoạt động. Đồng thời, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, cương quyết xử lý các cá nhân cố tình vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhếch nhác chợ cóc một xã nông thôn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO