Nhiệm vụ kép cho ngành du lịch

Minh Quân (thực hiện) 01/08/2020 06:41

Thông qua chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, du lịch Việt Nam trong thời gian qua đã có những dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, với việc bùng phát của dịch Covid-19 một lần nữa ngành công nghiệp không khói lại phải đối mặt với những thử thách.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã có những trao đổi với báo chí.

Ông Nguyễn Trùng Khánh.

PV: Thưa ông! Trước tình hình các ca bệnh Covid-19 ngày một gia tăng, Tổng cục Du lịch sẽ có những kịch bản cụ thể nào?

Ông Nguyễn Trùng Khánh: Việc dịch bệnh bùng phát trở lại ở một số địa phương khiến những người làm du lịch sững sờ, đau buồn. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tổng cục Du lịch thường xuyên giữ liên lạc, kịp thời nắm bắt những vấn đề phát sinh để đề xuất các giải pháp đảm bảo tốt nhất quyền lợi của du khách.

Cụ thể, Tổng cục Du lịch thực hiện một số việc cụ thể như tập trung tăng cường theo dõi, bám sát tình hình để có những giải pháp, ứng phó kịp thời trước diễn biến mới của dịch.

Trong thời gian từ giờ tới cuối năm ngành du lịch sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể. Trước hết sẽ tiếp tục theo dõi, diễn biến tình hình dịch Covid-19 để tham mưu phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL, của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia.

Thứ hai chỉ đạo các Sở Du lịch tăng cường công tác phòng chống dịch, đưa ra những phương án bám sát đối với các dịch vụ, các nhà hàng ăn uống, cơ sở lưu trú, địa điểm vui chơi trên địa bàn. Chúng ta chưa lường trước kịch bản sẽ xảy ra, không dự đoán được hậu quả do dịch gây ra. Vì vậy tất cả tùy theo tình huống, phương án thực tế chúng tôi kịp thời nắm bắt tham mưu cho Bộ, Chính phủ để kịp thời có quyết sách xử lý trong tình huống cụ thể.

Bên cạnh đó, Tổng cục tham mưu trình Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch do Thủ tướng chủ trì. Hội nghị quan trọng này đưa ra nhiều vấn đề cần bàn thảo như cơ cấu lại thị trường khách du lịch bao gồm cả thị trường du lịch quốc tế lẫn nội địa; tăng cường hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp và các vùng phát triển du lịch; tăng cường xây dựng sản phẩm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch phù hợp với trạng thái bình thường mới của ngành du lịch; chuyển đổi số và quảng bá xúc tiến thông qua mạng xã hội sử dụng công nghệ 4.0 và thực hiện chương trình hành động quốc gia, xúc tiến quốc gia.

Việc bùng phát dịch Covid-19 tại Đà Nẵng về phía Tổng cục Du lịch sẽ có những động thái gì để đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch?

- Hiện nay Tổng cục Du lịch đang nắm bắt thông tin từ các địa phương xảy ra bùng phát đại dịch, kịp thời có chỉ đạo hướng dẫn địa phương để có sự phối hợp đảm bảo tốt quyền lợi cho khách du lịch.

Qua kinh nghiệm phục hồi ngành du lịch trong giai đoạn đầu chống dịch Covid-19 hiện nay hoạt động của ngành trong giai đoạn tới vẫn giữ nguyên tinh thần đảm bảo an toàn cho khách du lịch, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Tùy giai đoạn, tình hình dịch sẽ có bước đi thích ứng, nhưng phát triển du lịch nội địa là ưu tiên hàng đầu.

Hành khách tại sân bay Nội Bài.

Với chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” sau 2 tháng triển khai đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

- Chương trình nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng rất tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân. Tổng cục Du lịch đã đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp phát động hàng loạt chương trình kích cầu du lịch nội địa. Hoạt động vận chuyển hàng không nội địa không chỉ phục hồi mà còn mở rộng thêm các tuyến bay để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong nước.

Lượng khách du lịch tại các điểm đến đông trở lại, một số điểm quá tải, cho thấy nhu cầu rất lớn của người dân. Lượng khách nội địa trong tháng 6/2020 đạt 7 triệu lượt, tăng 2,3 lần so với tháng 5/2020. Các doanh nghiệp du lịch dù chưa có lãi nhưng đã có thể duy trì trở lại một lượng lao động nhất định, giúp họ có lại việc làm và thu nhập.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm do dịch bệnh phức tạp, ngành du lịch đã thay đổi toàn bộ kế hoạch công tác. 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế và trong nước khá tốt. Nhưng dịch bùng nổ, du lịch ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Từ ngày 29/4, sau khi Thủ tướng cho phép khôi phục du lịch nội địa, Tổng cục Du lịch lập tức tham mưu Bộ VHTTDL phát động chương trình Người Việt Nam du lịch Việt Nam.

2 tháng triển khai, ngành nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương và doanh nghiệp; du khách nội địa gần như hoàn toàn hồi phục. Lượng khách đến các điểm tham quan giải trí tăng nhanh chóng. Nhu cầu du lịch qua đường hàng không tăng cao, phát sinh nhiều đường bay mới. Công suất sử dụng trên các chuyến bay đều đạt 80-90%. Công suất sử dụng phòng tại một số cơ sở lưu trú ở các điểm du lịch lớn tăng ngoạn mục.

Cụ thể một số điểm nghỉ biển công suất phòng đạt 50-60% với những ngày trong tuần, 80-90% ngày cuối tuần. Lần đầu tiên tổ chức được đường sắt thuê chuyến, tổ chức đi Sa Pa, Quảng Bình… hiệu quả cao. Tín hiệu tốt của khách nội đã góp phần hồi phục ngành du lịch và một số ngành liên quan, cho tới khi dịch bệnh bùng phát trở lại.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh vừa ký ban hành Công văn gửi Sở Quản lý du lịch các địa phương yêu cầu khẩn trương triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch trước diễn biến của dịch Covid-19.

Công văn nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 253/TB-VPCP ngày 25/7/2020 và số 257/TB-VPCP ngày 27/7/2020, trước diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, Tổng cục Du lịch đề nghị Sở Quản lý du lịch các địa phương triển khai ngay những nội dung cụ thể gồm: Quán triệt đến doanh nghiệp, khách du lịch thường xuyên cập nhật tình hình và chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các địa phương về phòng chống dịch; Duy trì hoạt động thường xuyên đường dây nóng kết nối với doanh nghiệp và khách du lịch, kịp thời nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và du khách; Đối với các địa phương có dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch nghiêm túc triển khai các quy định của các cơ quan chức năng liên quan, có biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng; Đối với các địa phương khác, nhanh chóng kích hoạt quy trình phòng chống dịch Covid-19… (Hoàng Minh)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiệm vụ kép cho ngành du lịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO