Nhiếp ảnh vẫn phải tìm thị trường

Minh Quân 08/05/2021 08:00

Trong những năm qua, nhiếp ảnh của Việt Nam gặt hái nhiều thành công ở các giải thưởng quốc tế. Tuy nhiên, khác hẳn với mỹ thuật giá trị thực tế của các tác phẩm nhiếp ảnh đến nay vẫn là một ẩn số.

Nhiếp ảnh Việt Nam “được mùa giải” nhưng chưa có thị trường.

Nhiều giải thưởng

Theo số liệu thống kế, trong năm 2020 và đầu năm 2021, nhiếp ảnh Việt Nam đã liên tiếp hái “quả ngọt” với hàng loạt các giải thưởng quốc tế. Có thể kể đến như bức ảnh “Đồi chè Long Cốc” của tác giả Vũ Trung Huân đoạt giải Á quân 1 cuộc thi ảnh Weather Photographer of the Year 2020 (Nhiếp ảnh gia Thời tiết của năm 2020) tại Anh; “Người đàn bà của biển” của Duy Sinh, “Đánh bắt cá cơm” của Hiên Nguyễn lần lượt đoạt giải Nhất và Nhì cuộc thi Nhiếp ảnh trên không (Aerial Photography Awards 2020).

Ngoài ra có nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Tuyến được trao HCB với tác phẩm “Bình minh Eo Gió” tại cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế ASSAM CIRCUIT 2020 diễn ra tại Ấn Độ... Tiếp đó vào đầu 2021, tác phẩm “Vân núi 5” của tác giả Vũ Mạnh Cường đạt HCV chủ đề “Du lịch” tại Cuộc thi ảnh quốc tế Shadow 2021 do Liên đoàn Nhiếp ảnh Ấn Độ - FIP, Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế - FIAP bảo trợ.

Cũng ở cuộc thi này, các nhiếp ảnh gia Đỗ Hiếu Liêm, Đỗ Trọng Hoài Ân, Nguyễn Thanh Hải, Tô Hoàng Vũ, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Xuân Tuyến, Nguyễn Trang Kim Cương, Phí Thị Thu Hà, Nguyễn Phục Anh có tác phẩm được tham gia triển lãm vào cuối tháng 4/2021 cùng với các tác giả đến từ Pháp, Bulgaria, Scotland, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Trung Quốc...

Với những thành công trên không thể phủ nhận nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay không hề thua kém các quốc gia phát triển cả về con người đến chất lượng các tác phẩm. Bên cạnh đó, nhiếp ảnh Việt Nam cũng đang ghi nhận một lực lượng các nhiếp ảnh gia trẻ với các tác phẩm những người trong nghề đánh giá cao. Có thể kể đến nữ nhiếp ảnh gia Khánh Phan dù mới “vào nghề”, “tay ngang” nhưng đã sở hữu cho bản thân hơn 30 giải thưởng lớn nhỏ. Hay như Festival Nhiếp ảnh trẻ sau 3 lần tổ chức không chỉ tạo ra “sân chơi” hấp dẫn cho giới trẻ mà tìm ra được một thế hệ nhiếp ảnh nhanh nhạy, năng động với nhiều tìm tòi thể hiện tư duy tươi mới.

Chờ đợi khách hàng…

Tuy nhiên, dù gặt hái được rất nhiều thành công và một thế hệ kế cận hùng hậu nhưng có một thực tế đáng buồn từ trước đến nay nghệ thuật nhiếp ảnh vẫn còn khá xa lạ với công chúng Việt Nam. Ở đó, các tác phẩm nhiếp ảnh vẫn chưa có những đánh giá chính xác về giá trị kinh tế hay có một thị trường chính thống. Trong khi ở nhiều quốc gia trên thế giới các tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh vẫn luôn được săn đón và sưu tầm với giá trị cao, lên tới hàng triệu USD, tại thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp.

Trước đó, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam từng thử nghiệm bán giúp ảnh của hội viên trông qua trang Web của Hội nhưng đã… thất bại. Thậm chí một số tổ chức tư nhân ở Việt Nam từng mở ngân hàng ảnh nhưng cũng có kết quả không như mong muốn. Ở đó nguyên nhân chủ yếu là không thống nhất tỷ lệ ăn chia, không giữ được bản quyền ảnh khi nghệ sỹ gửi file ảnh gốc, công tác quảng bá chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, hiện nay lại không có tiêu chí để đánh giá giá trị ảnh. Việc định giá hầu như vào cảm tính của người bán người mua. Không hẳn tác giả có nhiều giải thưởng quốc tế, có danh hiệu là tác phẩm được nhiều người tìm mua. Thông thường, mỗi tác phẩm tham gia vào thị trường phải có đầy đủ thông tin về tác giả, tên ảnh, thời gian, địa điểm chụp… và phải được cơ quan công quyền xác nhận về mặt bản quyền.

Nhìn nhận về thực trạng này, nhiếp ảnh gia Bạch Nam Hải bày tỏ, hiện tại nhiếp ảnh chưa đưa đủ thông tin cho người chơi hiểu được giá trị thực sự của một tác phẩm in. Vậy nên rất khó để thuyết phục một người bình thường không biết gì về nhiếp ảnh bỏ tiền mua một tác phẩm nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh gia Bạch Nam Hải nhận định, chúng ta chưa hề có thị trường rõ ràng cho nhiếp ảnh. Hầu hết tác phẩm do nghệ sĩ yêu thích rồi tự chụp, tự in ấn theo gu của mình chứ chưa có môi trường vận hành chuyên nghiệp, vạch rõ hướng đi cho tác phẩm.

Tiềm năng của nhiếp ảnh Việt Nam rất lớn nhưng chúng ta chưa có đủ không gian để kích thích tiềm năng ấy. Hầu hết nhiếp ảnh gia phải kiếm sống bằng cách khác như chụp ảnh báo chí, ảnh thương mại… “Nhiều người chọn cách tích cực gửi ảnh ra các dự án nhiếp ảnh nghệ thuật nước ngoài. Nhưng ở đây lại có một nghịch lý là thành công ở nước ngoài thì tự nhiên ở Việt Nam sẽ được đón nhận nhiều hơn”, nhiếp ảnh Bạch Hải Nam nói.

Đồng quan điểm nhiếp ảnh gia Mai Vinh cho biết, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam có hơn 1.000 hội viên. Ngoài ra, “làng” nhiếp ảnh còn có hàng ngàn nhiếp ảnh gia tự do khác. Số lượng ảnh hàng năm các nhà nhiếp ảnh thực hiện rất lớn. Các cuộc thi do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì có khoảng 5.000 đến 15.000 ảnh. Cuộc thi do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức thường nhận từ 15.000 ảnh đến 30.000 ảnh. Cuộc thi ở các tỉnh và đơn vị khác khoảng 10.000 đến 20.000 ảnh.

Tuy nhiên, hầu hết tác giả, kể cả các nhiếp ảnh gia nổi tiếng vẫn chủ yếu chụp ảnh để thỏa mãn đam mê nghệ thuật, đăng tải trên mạng xã hội. Một số rất ít tác giả là những nhiếp ảnh gia thương mại ảnh thành công và chủ yếu là thụ động chờ đợi khách hàng…

“Đa phần các cuộc thi nhiếp ảnh hiện nay mới chỉ sử dụng ảnh đạt giải, triển lãm vào mục đích phát động phong trào xã hội hoặc mục đích chuyên dụng khác, chưa có hình thức cầu nối thương mại cho tác giả và khách hàng”, nhiếp ảnh gia Mai Vinh cho biết.

Có thể nói, ý tưởng về một thị trường nhiếp ảnh chuyên nghiệp tại Việt Nam đến nay vẫn đang còn nhiều khúc mắc chưa được tháo gỡ. Với những nghệ sĩ nhiếp ảnh ngoài việc sáng tác thoả đam mê thì việc “bán” tác phẩm vẫn còn khá mông lung. Còn với công chúng đang thiếu những “kênh” thông tin để tiếp cận những giá trị nghệ thuật của các tác phẩm nhiếp ảnh…Việt Nam đang thiếu một thị trường ảnh phát triển, minh bạch, cần tổ chức được ngân hàng ảnh làm dữ liệu cho nền nhiếp ảnh quốc gia,vừa khai thác phục vụ cộng đồng, vừa là cầu nối với người mua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiếp ảnh vẫn phải tìm thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO