Nhiều đề xuất hỗ trợ nạn nhân mua bán người

L.H. 05/08/2020 09:00

Nạn nhân bị mua bán người sẽ được Nhà nước hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ phục hồi và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

Để công tác phòng, chống mua bán người đạt hiệu quả, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người. Theo đó, nạn nhân bị mua bán người sẽ được Nhà nước hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ phục hồi và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

Theo số liệu của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH), từ năm 2013 - 2019, Việt Nam có 3.476 người là nạn nhân của các vụ mua bán người. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (chiếm trên 90%). Còn theo báo cáo của Bộ Công an, qua điều tra 1.232 vụ mua bán người, Bộ đã xác định nạn nhân thường tập trung ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú, diễn biến rất phức tạp.

Để hỗ trợ nạn nhân mua bán người, Nhà nước đã có nhiều chính sách cung cấp các nhu cầu thiết yếu, trợ giúp về y tế, tâm lý, pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, vay vốn sản xuất… Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, đến nay cả nước mới chỉ hỗ trợ được 72 nạn nhân vay vốn sản xuất; 103 người được hỗ trợ học văn hóa, học nghề; 817 người được trợ cấp khó khăn ban đầu…

Xuất phát từ thực trạng trên, Dự thảo đề xuất đối với hỗ trợ ban đầu, các nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật, được hỗ trợ ban đầu như: Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu gồm tiền ăn, cấp vật dụng phục vụ sinh hoạt cá nhân. Các nạn nhân được thăm khám sức khỏe thông thường. Nạn nhân chưa có thẻ BHYT thì được cấp thẻ BHYT miễn phí theo quy định của pháp luật về BHYT. Các nạn nhân của nạn mua bán người cũng được hỗ trợ tâm lý, được tư vấn, tham vấn ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và cơ sở trợ giúp xã hội khác.

Đối với hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, nạn nhân được trợ giúp pháp lý, được tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại; trợ giúp làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người. Hỗ trợ học văn hóa, học nghề.

Ngoài ra nạn nhân mua bán người được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Nạn nhân có nhu cầu học nghề thì được hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Mức hỗ trợ theo chi phí đào tạo nghề tương ứng tại các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương.

Nếu nạn nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo quy định hiện hành đối với các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Trường hợp không đủ điều kiện vay vốn theo quy định đối với các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, thì chính quyền cơ sở phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, hỗ trợ vay vốn từ các chương trình, dự án với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh cho nạn nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều đề xuất hỗ trợ nạn nhân mua bán người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO