Nhiều điểm nghẽn trong nỗ lực gỡ thẻ vàng của EC

Hạnh Nguyên 08/06/2020 06:00

Hơn 2 năm qua, kể từ ngày Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng đối với hải sản của Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để góp phần thay đổi nhận thức cho ngư dân. Tuy nhiên, với đa phần tàu cá nhỏ khai thác ở vùng lộng như Hà Tĩnh, để thực hiện theo các tiêu chí của EC là điều không dễ. Một số quy định mới trong Luật Thủy sản 2017 vô hình trung đẩy ngư dân vào thế phạm luật.

Nhiều điểm nghẽn trong nỗ lực gỡ thẻ vàng của EC

Cần tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong quy định pháp luật để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Bất cập đầu tiên là việc thả nổi 254 chiếc tàu cá có chiều dài dưới 6 m. Theo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, nhóm tàu này được giao cho chính quyền cấp xã quản lý. Nhưng thực tế các địa phương không tổ chức đăng ký, đăng kiểm cho nhóm tàu này, do đó để đưa được gần 300 tàu cá dưới 6 m vào quy củ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, việc tàu thuyền không đăng ký, đăng kiểm thì không được cấp giấy phép khai thác. Khi không có giấy phép khai thác, cơ quan chức năng cũng không thể cấp giấy tờ ra vào cảng cá. Nếu EC yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với số hải sản các tàu nhỏ này thì chắc chắn không đúng quy định.

Theo tìm hiểu của PV, việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các tàu cá ở Hà Tĩnh hiện nay chuyển biến rất chậm. Đến thời điểm này mới có 34/141 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên được cấp chứng nhận. Ông Nguyễn Trọng Nhật, cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho hay, mặc dù đây là quy định bắt buộc nhưng chế tài thì mới nằm ở mức xử phạt hành chính nên nhiều ngư dân vẫn đang cố tình trốn tránh, lần lữa không thực hiện.

Tồn tại tiếp theo đó là việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho nhóm tàu có chiều dài từ 24m trở lên vẫn chưa thực hiện theo đúng lộ trình. Thống kê của ngành thủy sản Hà Tĩnh, hiện còn 2/14 tàu chưa lắp đặt.

Thực trạng tàu cá không có giấy phép khai thác hoặc có giấy phép nhưng khai thác không đúng nghề ghi trong giấy phép cũng đang phổ biến ở vùng biển Hà Tĩnh. Ông Bùi Tuấn Sơn, Trưởng Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá Hà Tĩnh băn khoăn: Ngoài ban quản lý các cảng cá và Chi cục Thủy sản, lực lượng tham gia kiểm soát tàu cá của Bộ đội Biên phòng chỉ bố trí thường trực tại mỗi cảng cá 1 người, không có người thay ca. Trong khi nhân sự thực hiện nhiệm vụ tại Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá đang làm kiêm nhiệm nên áp lực kiểm tra, giám sát thực tế tàu ra, vào cảng gặp rất nhiều khó khăn.

Không những vậy, một số quy định mới được coi là điểm “nghẽn” trong Luật Thủy sản 2017 vô hình trung đẩy ngư dân vào thế phạm luật. Theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, tàu cá có chiều dài trên 15m phải vào cảng cá chỉ định do Bộ NN-PTNT công bố để bán cá. Tuy nhiên, ở Hà Tĩnh hiện chỉ được 2 cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà) và Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) đủ điều kiện.

Trong khi đó, số lượng tàu thuyền của ngư dân các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh chiếm tương đối lớn lại chưa có cảng đủ điều kiện để cập bến, ngư dân muốn neo đậu phải đi hơn 50 hải lý ra cảng Cửa Sót hoặc vào Quảng Bình để neo đậu là rất bất cập.

“Trước khi ban hành một quy định cứng thì Nhà nước cần phải xây dựng đồng bộ hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá để hỗ trợ ngư dân vươn khơi. Như hiện nay, ngư trường khai thác của ngư dân huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Cẩm Xuyên đã cố định, nếu bắt họ đem tàu ra Cửa Sót neo đậu thì sẽ thất thoát mỗi chuyến ít nhất 2 triệu đồng tiền dầu, đó là chưa kể các chi phí phát sinh khác. Như vậy, vô hình trung quy định của Nhà nước đẩy ngư dân vào thế vi phạm luật”- lãnh đạo Sở NN-PTNT phân tích.

Theo vị này, giải pháp tháo gỡ vướng mắc bây giờ là đầu tư nâng cấp 2 cảng cá Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) và Cửa Khẩu (thị xã Kỳ Anh) đảm bảo theo quy định, tạo điều kiện cho ngư dân chấp hành pháp luật.

Một bất cập khác cơ quan chức năng cần tháo gỡ nữa là quy định cấp giấy phép khai thác xa bờ cho nhóm tàu trên 90CV, chiều dài dưới 15 m. Tại tỉnh Hà Tĩnh, hiện có 254 chiếc nằm trong diện khai thác “chui”, bởi Luật Thủy sản cũ quy định tàu cá công suất trên 90CV được cấp phép khai thác xa bờ, nhưng Luật Thủy sản mới sửa đổi thành tàu có chiều dài trên 15 m.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều điểm nghẽn trong nỗ lực gỡ thẻ vàng của EC

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO