Nhiều kỳ vọng

H.Hương 04/01/2021 08:00

Năm 2021 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm mới giai đoạn 2021 – 2025. Rất nhiều kỳ vọng cũng như thách thức đã được đặt ra.

Tăng trưởng GDP 2021 được kỳ vọng đạt 6,5%. Ảnh: Quang Vinh.

Mục tiêu năm 2021 tăng trưởng GDP là 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người, chỉ số giá tiêu dùng bình quân đạt 4%...hay tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5% là những con số mà nền kinh tế Việt Nam cần đạt được trong năm.

Vậy, hiện thực hoá những con số này liệu có quá khó khi nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bới dịch bệnh Covid-19?

Báo cáo sơ lược về triển vọng vĩ mô và thị trường Việt Nam năm 2021 của các chuyên gia nghiên cứu vĩ mô Công ty chứng khoán SSI với tên gọi “Vượt qua bão giông” cho thấy, nền kinh tế có đủ cơ sở, cũng như nội lực để tự tin vượt khó.

Phần lớn giới chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 ổn định khoảng 6,5% so với năm trước (cao hơn kế hoạch của Chính phủ là 6%). Theo đó mức tăng trưởng sẽ bắt đầu tăng tốc từ quý 2/2021 và giữ đà tăng đó đến năm 2022 , tăng đến khoảng hơn 7%.

Còn về giai đoạn 2021 – 2025, theo Công ty chứng khoán SSI, trong kế hoạch 5 năm sẽ có 2 giai đoạn: 2021-2022 (giai đoạn phục hồi) và 2023-2025 (giai đoạn tăng tốc). Do vậy, đối với năm 2021, Chính phủ có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và thực hiện chính sách tài khóa mở rộng. Tuy nhiên, cần lưu ý việc thâm hụt ngân sách sẽ tiếp tục ở mức cao, kể cả theo số tuyệt đối do GDP theo giá hiện hành được điều chỉnh tăng.

Cũng theo nghiên cứu của giới chuyên gia đến từ công ty chứng khoán SSI, nền kinh tế năm mới có nhiều động lực để tăng trưởng. Trong đó, các tác động mạnh mẽ hơn từ các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA hay RCEP tác động tốt đến ngoại thương của Việt Nam.

Năm 2021, các chuyên gia ước tính NHNN sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng và đồng USD có thể tiếp tục giảm giá. Các chuyên gia kỳ vọng tiền VND có thể tăng giá tương ứng với các chuyển biến tích cực của các yếu tố kinh tế vĩ mô của năm 2021. Trong khi đó, lãi suất có thể thoát đáy vào giữa năm 2021 do tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và kinh tế phục hồi.

Về thị trường chứng khoán Việt Nam, các chuyên gia cho biết, nếu dòng vốn nước ngoài quay trở lại vào năm 2021, đặc biệt với tỉ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI FM, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán, do nhà đầu tư cá nhân thường có động thái hành động theo nhà đầu tư nước ngoài.

Ngân hàng và bất động sản là hai ngành lớn nhất trong VNIndex, với tỉ trọng lần lượt là 27% và 26%. Các chuyên gia cho rằng 2 lĩnh vực này vẫn phát triển ổn dù đại dịch. Mặt khác, giá BĐS tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung tại TP HCM ở mức hạn chế. Các chuyên gia dự báo ngành năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản là 3 lĩnh vực có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2021.

Thống kê cho thấy, năm 2020, dưới tác động của Covid-19, nhiều nước rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương (+2,91%), dịch bệnh được kiểm soát, bảo đảm an sinh xã hội. Đến thời điểm này, chúng ta đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều kỳ vọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO