Nhiều ngành 'trắng' giáo sư

Hàn Minh 17/12/2022 14:00

Để được công nhận là giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) theo quy định hiện nay không đơn giản. Có ngành học 10 năm nay không có ứng viên nộp hồ sơ xét duyệt, trong khi chỉ còn 2 PGS đã về hưu. Thực trạng này đặt ra nhiều băn khoăn về đội ngũ kế cận.

Ảnh minh họa. Nguồn: ĐH Cần Thơ.

Khan hiếm đội ngũ

Hội đồng GS Nhà nước cuối tháng 11 vừa qua đã công nhận 34 ứng viên đạt chức danh GS, 349 PGS. Trong 10 năm qua, đây là con số thấp gần nhất, chỉ nhiều hơn năm 2020 với 339 người được công nhận.

Điều này được lý giải là vì theo quy định mới, từ ngày 1/1/2020, ứng viên GS cần là tác giả chính của ít nhất 5 bài báo khoa học đã công bố, ứng viên PGS là 3 bài. Để được công nhận, những nghiên cứu này phải được đăng trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus (hai hệ thống dữ liệu uy tín trên thế giới, đăng tải tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học) hoặc danh mục khác do Hội đồng Nhà nước quy định.

Như vậy, ứng viên phải có “bài báo khoa học quốc tế” thay vì bài báo hay đề tài nghiên cứu khoa học như trước. Điều này được giới chuyên môn nhận định sẽ góp phần nâng chất lượng của đội ngũ GS, PGS được công nhận, loại bỏ những ứng viên không vươn ra “biển lớn”.

Thống kê cho thấy, số GS, PGS được công nhận tăng trong giai đoạn 2013-2017. Tuy nhiên, cụ thể ở từng ngành lại không đồng đều. Riêng Tâm lý học “trắng bảng” khi không ứng viên nào đạt hai chức danh này. Ngành Pháp y đã 10 năm nay không có ứng viên nào.

Có nên hạ chuẩn?

Khác với đào tạo lao động giản đơn, đội ngũ GS, PGS không thể đào tạo ngày một, ngày hai là có. Và như đã phân tích ở trên, để được công nhận là GS, PGS hiện nay cũng cần đạt các điều kiện tương đối khắt khe và phải trải qua các vòng xét duyệt từ cơ sở đến Hội đồng GS nhà nước.

Dẫu vậy, khi nhiều ngành khan hiếm đội ngũ kế cận lại đặt ra nhiều vấn đề kéo theo. Đơn cử, từ phía các trường ĐH, khi đội ngũ GS, PGS về hưu trong khi đội ngũ mới chưa kịp hình thành thì sẽ ảnh hưởng đến việc đào tạo của các trường. Hiện theo Thông tư 09/2017/TT-BGDĐT, tại Điều 3, điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ yêu cầu “có ít nhất 1 GS và 3 tiến sĩ hoặc 2 PGS và 3 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu ngành...”.

Mới đây, theo Nghị định 50/2022/NĐ-CP, các GS sinh từ năm 1952 đến 1958 và các PGS sinh từ năm 1955 đến 1958 cùng về hưu cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

PGS.TS Ngô Tứ Thành - giảng viên cao cấp Viện Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội) dẫn chứng Trường ĐH Bách khoa TPHCM có đến 13 GS, PGS sẽ chính thức nghỉ hưu từ ngày 1/1/2023. Việc giảm gần một nửa GS trường đang có đặt ra những vấn đề lớn vì để có được đội ngũ này không dễ, dự kiến phải có ít nhất 5 năm nữa Trường ĐH Bách khoa TPHCM mới phục hồi lại số GS như năm 2022. Vì trong vòng 5 năm tới, trường không có nhiều ứng viên tiềm năng để nâng chuẩn GS.

Không chỉ khó khăn trong đào tạo của các trường mà việc khan hiếm đội ngũ GS, PGS của một số ngành cũng khiến cho việc nghiên cứu của các cơ sở giáo dục ĐH, các viện… bị ảnh hưởng bởi đây là đội ngũ có uy tín về mặt chuyên môn học thuật đối với cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.

Từ thực tế cho thấy, một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là không thể đồng nhất giữa các ngành xét GS, PGS. Thậm chí, trong cùng một ngành cũng không có sự đồng nhất khi có những chuyên ngành công bố quốc tế tương đối thuận lợi nhưng có những chuyên ngành công bố quốc tế rất khó.

GS Đặng Vạn Phước - người nhiều năm tham gia Hội đồng GS Nhà nước chỉ ra, trong ngành y, có những chuyên ngành rất khó như nghiên cứu lâm sàng, đòi hỏi nhà nghiên cứu mất rất nhiều công sức. Thế nhưng những tổng kết nghiên cứu khi đưa đi công bố quốc tế thì các tạp chí khoa học không thích vì cần thêm y học cơ sở, hay những minh chứng về sinh học phân tử, xét nghiệm, xét nghiệm như thế nào, mới có giá trị khoa học và mới được đăng tải. Trong khi đó, có một số nghiên cứu mới, cụ thể như Covid-19, chỉ làm xét nghiệm phân tử, tổng kết lâm sàng thì lại đăng tải rất dễ dàng vì đây là vấn đề thời sự. Do vậy để đưa ra một tiêu chuẩn chung cho ngành Y là khó, bởi yêu cầu “tạp chí quốc tế có uy tín” dường như rất khó với những người nghiên cứu như khám bệnh, chữa bệnh, mổ.

Vì vậy, có những đề xuất “hạ chuẩn” khi xét GS, PGS đối với một số ngành nghề. Dẫu vậy, tùy đặc thù từng ngành cần có những xem xét ở các nội dung cụ thể để không gây bất công khi ngành khó, ngành dễ.

Là người sở hữu gần 70 bài báo nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí học thuật quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus, TS Lê Thái Hà - nữ tiến sĩ duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022 được Nhà xuất bản Elsevier công bố chia sẻ, để được đăng trên các tạp chí này là không dễ dàng, bản thân bà từng bị từ chối đăng và sau đó, tự động viên mình bước tiếp. Khi đạt được một kết quả tích cực hay có một bài nghiên cứu được chấp nhận đăng báo thì chính là động lực để bước tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều ngành 'trắng' giáo sư