Nhiều nghề cung không đủ cầu

Dung Hòa 08/12/2022 08:41

Đào tạo gắn với nhu cầu thị trường, cùng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực đang là đích mà nhiều trường nghề hướng tới. Chia sẻ từ các cơ sở đào tạo cho thấy, nhiều ngành nghề 100% sinh viên (SV) ra trường có việc làm ngay.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc.

Tỷ lệ người học có việc làm cao

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội, hiện nay có nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên (HSSV) ra trường được doanh nghiệp (DN) tuyển dụng 100% như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ sơn ô tô, Công nghệ ô tô, Tự động hóa…

Hiện trên địa bàn thành phố có 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cơ sở hoạt động GDNN. Năm 2022, tỷ lệ HSSV, học viên trường nghề tại Hà Nội có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%, thậm chí nhiều ngành nghề được DN tuyển dụng đạt 100%. Trong đó, những ngành nghề có tỷ lệ việc làm cao sau tốt nghiệp bao gồm: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; công nghệ sơn ô tô; công nghệ ô tô; tự động hóa… Đặc biệt, công nghệ ô tô là một trong những ngành có tỷ lệ sinh viên ra trường được DN tuyển dụng 100%.

Trước đó, trong tháng 8/2022 tại lễ trao bằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng (CĐ) nghề Công nghệ cao Hà Nội (HHT), lãnh đạo nhà trường chia sẻ, nhiều ngành nghề 100% sinh viên có việc làm; nhiều em có mức thu nhập cao lên tới 15 triệu đồng/tháng trở lên và được làm việc tại nhiều tập đoàn, DN lớn.

TS Trần Xuân Ngọc - Phó Hiệu trưởng Phụ trách trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ, thời gian qua mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài nhưng vẫn có trên 80% SV đã có việc làm trước khi tốt nghiệp. Trong đó nhiều ngành nghề 100% SV có việc làm như: Chăm sóc sắc đẹp, thiết kế tóc, công nghệ hàn, chế tạo thiết bị cơ khí, thiết kế đồ họa, sửa chữa máy tính, số sinh viên tìm được việc làm chiếm 95%; điện công nghiệp, 85%; công nghệ ô tô 80%. Đa số sinh viên có thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng và nhiều sinh viên có mức thu nhập cao lên tới 15 triệu đồng/tháng trở lên và được làm việc tại nhiều tập đoàn, DN lớn như Samsung, Honda, VNPT…

Đào tạo gắn với nhu cầu thị trường

Ông Nguyễn Trung Thiện - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ nghề Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay các DN trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng nhiều ở khối ngành kỹ thuật như: Cắt gọt kim loại, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí… đây là những nghề mà các DN đang có nhu cầu tuyển dụng rất cao, tuy nhiên cung không đủ cầu.

Đại diện Trường CĐ nghề Vĩnh Phúc cho biết, hàng năm, nhà trường đều tiến hành khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm ra trường. Theo kết quả khảo sát năm 2020-2021, có trên 90% sinh viên có việc làm sau 12 tháng. Để có được tỷ lệ này, nhà trường luôn tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên. Trong chương trình đào tạo, nhà trường đưa giảng dạy các môn về “Kỹ năng mềm - Kỹ năng làm việc chuyên nghiệp”, chú trọng đào tạo về ngoại ngữ và tin học theo chuẩn các ngành nghề…

Theo nhận định từ các chuyên gia, xu hướng thị trường lao động của Vĩnh Phúc trong những năm tới sẽ thu hút nhiều lao động chất lượng cao (cả về kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và ngoại ngữ), các lao động phổ thông sẽ dần bị thay thế bởi các Robot tự động (khi mà lợi thế về lao động giá rẻ sẽ không còn).

Đón bắt xu hướng này, hiện Trường CĐ nghề Vĩnh Phúc đã tập trung vào đào tạo các ngành nghề chất lượng cao đã được Bộ LĐTB&XH phê duyệt, đồng thời cũng là các ngành nghề thị trường đang cần, đó là: Điện tử công nghiệp, Điện công nghiệp, Cắt gọt kim loại, Công nghệ thông tin, Công nghệ ô tô, Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí, Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính. Ông Thiện cho biết, chương trình đào tạo các ngành nghề này được xây dựng trên cơ sở các bộ chương trình của CHLB Đức, Úc, Pháp… và tăng cường thêm ngoại ngữ, kỹ năng mềm. Ngoài ra sinh viên đều được đào tạo trực tiếp tại các DN với ít nhất 30% thời lượng đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều nghề cung không đủ cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO