Nhiều nước kiểm soát biên giới, Schengen sắp bị phá vỡ?

Khánh Duy 19/09/2015 09:20

Hơn 2.000 người di cư đã bị mắc kẹt ở một thị trấn gần biên giới Croatia-Serbia trong khi chính quyền Slovenia ngăn chặn hàng trăm người khác rời khỏi khu vực Tây bắc Croatia; tạo thành một số điểm nóng khác trong cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu trong những ngày qua.

Nhiều nước kiểm soát biên giới, Schengen sắp bị phá vỡ?

Người di cư sống vất vưởng ở thị trấn Tovarnik sau khi bị cấm cửa. (Nguồn: AP).

Croatia hôm 18/9 đã đóng cửa 8 cửa khẩu của họ với Serbia sau khi tuyên bố rằng đã “quá tải” vì tiếp nhận khoảng 11.000 người di cư và nhập cư. Dù vậy, rất nhiều người vẫn tìm cách băng qua các ruộng ngô để vượt biên sang Serbia, miền đất hứa mới của dòng người di cư.

Dòng người di cư khổng lồ bắt đầu tràn vào Croatia từ hôm 16/9, sau khi chính quyền Hungary đóng cửa biên giới. Thủ tướng Croatia ban đầu nói rằng đất nước của ông đã sẵn sàng tiếp nhận người di cư trong hành trình của họ đến Slovenia và một số nước ở khu vực Bắc Âu. Nhưng chỉ sau vài giờ đồng hồ, chính quyền Croatia đã tự hiểu rằng họ đã quá coi nhẹ thách thức mà họ phải đối mặt, và không có khả năng tiếp nhận hàng nghìn người di cư di chuyển từ Serbia đến Slovenia.

Lập tức, một lệnh cấm được chính phủ Croatia ban hành để ngăn chặn dòng người di cư. Chính quyền Slovenia cũng ra lệnh cấm di chuyển đối với người di cư, ngăn chặn khoảng 150 người tìm cách di chuyển bằng tàu hỏa. Trước đó, chính quyền Slovenia cũng từng hứa hẹn sẽ cung cấp chỗ ở và các dịch vụ khác cho khoảng 5.000 người di cư.

Tính đến đêm 17/9, có ít nhất 2.000 người di cư đang bị mắc kẹt ở Tovarnik, một thị trấn của Croatia sát biên giới với Serbia. Phải đến sáng ngày 18/9, một chuyến tàu gồm 10 toa mới bắt đầu di chuyển từ thị trấn này đến Serbia, mang theo khoảng 1.000 người di cư, chủ yếu đến từ Syria, Afghanistan và Iraq.

Khoảng 1.000 người khác vẫn bị mắc kẹt và phải ngủ ngay trên nền đất ở trạm xe lửa thuộc thị trấn Tovarnik, hoặc đâu đó trên đường phố của thị trấn này. Rất nhiều trẻ em đi cùng cha mẹ trên hành trình tìm miền đất hứa phải ngủ trên ghế đá lạnh lẽo, thậm chí phải chui vào vali để ngủ cho ấm

Trong lúc sự chia rẽ, kéo theo các cuộc khẩu chiến, giữa khu vực Đông và Tây Âu đang ngày càng trở nên căng thẳng khi phải đối mặt với hàng trăm nghìn người di cư, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã kêu gọi cuộc họp khẩn trong tuần tới để giải quyết vấn đề. Và một trong số các vấn đề vẫn vướng mắc từ trước đến nay chính là hạn ngạch tiếp nhận người di cư của Liên minh châu Âu (EU), nhằm giảm tải gánh nặng cho Đức và Thụy Điển.

Nhiều chuyên gia phân tích cũng hết sức quan ngại về tình hình hiện nay, khi Hiệp ước Schengen có thể bị phá vỡ hay vi phạm, khi một số nước châu Âu như Croatia đe dọa sẽ đóng cửa hoàn toàn biên giới với Serbia, trong khi Hungary bắt đầu xây dựng hàng rào dọc biên giới với Serbia và triển khai hàng trăm binh sỹ, cảnh sát để chặn người di cư.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban còn nói rằng hàng rào của họ kéo dài 41 km dọc biên giới, không bị chia cách bởi một con sông, và sẽ hoàn thành vào cuối ngày 18/9.

Chỉ trong đêm 17/9, đã có thêm hàng trăm người di cư bị mắc kẹt ở thị trấn Tovarnik, sau khi bắt xe buýt từ Macedonia đến biên giới Croatia. Nhiều người thậm chí còn không biết rằng mình đang ở đâu trên hành trình di chuyển.

Cũng do nhiều quốc gia bắt đầu tự ra lệnh áp đặt kiểm soát biên giới, khiến cho dòng người di cư bị mắc kẹt ở nhiều điểm nóng, một số người di cư đã tìm một tuyến đường nguy hiểm và ít ai biết đến là đi xuyên qua biên giới của Nga và Na Uy ở Bắc Cực.

Theo WSJ, một số người di cư Syria đã tìm cách đi bộ hoặc bằng xe đạp băng qua rừng đến khu vực biên giới Nga, Na Uy. Na Uy không thuộc EU nhưng thuộc khu vực miễn thị thực. Cho đến nay mới có khoảng 150 người tị nạn Syria vào châu Âu thành công bằng đường này, nhưng giới chức Na Uy cho biết số lượng nói trên đang tăng nhanh từng ngày, bởi những người Syria đi trước chỉ dẫn cho người sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều nước kiểm soát biên giới, Schengen sắp bị phá vỡ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO