Nhiều sai phạm ở 2 trường ĐH Duy Tân, Kiến trúc Đà Nẵng

Văn Triệu Sơn 16/09/2015 09:10

Thanh tra Thành phố Đà Nẵng vừa công bố kết luận thanh tra tại 2 cơ sở đào tạo bậc đại học ngoài công lập là Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Theo đó, đã phát hiện nhiều sai phạm trên các lĩnh vực như: Chấp hành chính sách, pháp luật giáo dục, quản lý tài chính, tài sản và thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước ở hai trường đại học này.

Trường Đại học Duy Tân.

Tại Trường Đại học Duy Tân, đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra hai năm 2013 và 2014, qua đó đã phát hiện thấy sai phạm trong việc ký hợp đồng lao động với giảng viên có quốc tịch nước ngoài, chưa xây dựng và đăng ký thang bảng lương, chưa đăng ký đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho một số lao động của trường theo quy định.

Khi tiến hành kiểm tra hồ sơ cá nhân của các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang lưu tại Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra đã phát hiện trường hợp của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, không có hồ sơ cá nhân, không có bản sao bằng cấp, học hàm, học vị và hợp đồng lao động.

Trường hợp của Tiến sĩ Lê Văn Bình thì hồ sơ thể hiện vị Tiến sĩ này đã xin nghỉ việc và chấm dứt hợp đồng lao động theo Quyết định số 1508/QĐ-ĐHDT, ngày 6/7/2012 của Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân.

Trong năm 2014, Trường Đại học Duy Tân đã thực hiện việc ký hợp đồng lao động với người lao động có quốc tịch nước ngoài để thực hiện công tác giảng dạy, nhưng những lao động có quốc tịch nước ngoài này chưa có giấy phép lao động của cơ quan Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền cấp.

Cụ thể là hợp đồng lao động đối với ông Jacob Frank (Quốc tịch Canada) có thời hạn 12 tháng và hợp đồng lao động với ông David Mamix A. Vercauteren (Quốc tịch Bỉ) có thời hạn 12 tháng.

Cũng theo kết luận thanh tra này, năm 2013, Đại học Duy Tân đã chi công tác phí cho cán bộ đi nước ngoài hơn 2,165 tỷ đồng. Năm 2014 là 2,386 tỷ đồng. Gộp chung số tiền vi phạm theo quy định, bị yêu cầu xuất toán ra khỏi chi phí là hơn 2,088 tỷ đồng.

Thanh tra TP Đà Nẵng còn kiến nghị thu hồi hơn 97 triệu đồng, do thanh toán trùng chứng từ, hoặc hạch toán sai. Đồng thời, Đại học Duy Tân phải nộp vào ngân sách 1,064 tỷ đồng từ việc “né” thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

Việc lách luật khá rõ, khi các cá nhân (trong một gia đình) nhận thu nhập từ đầu tư vốn, đã khôn khéo chuyển 7 tỷ đồng vào khoản ghi tăng vốn góp; còn 13 tỷ đồng khác được rút ra theo khoản nhận thu nhập từ đầu tư vốn.

Việc đầu tư xây dựng cơ bản tại hai công trình (Công trình Nhà 5 tầng A và Nhà 5 tầng B tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) trường ĐH Duy Tân đã nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng và đưa vào sử dụng nhưng chưa có kết luận của Sở Xây dựng Đà Nẵng về việc kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư trước khi đưa vào sử dụng. Vi phạm việc thực hiện chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thất nghiệp đối với giảng viên và người lao động…

Những thiếu sót, sai phạm của Đại học Duy Tân thuộc trách nhiệm của Ban Giám hiệu, các bộ phận chuyên môn và các cá nhân có liên quan trong quá trình quản lý - điều hành.

Đối với Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, là nơi giảng dạy về các quy chuẩn trong lĩnh vực kiến trúc, xây lắp, nhưng trường này không hề thực hiện việc kiểm định chất lượng một số công trình xây dựng của trường.

Đến tháng 7/2015, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng vẫn chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn chịu lực cho công trình nhà học số 2 và nhà thư viện.

Đáng quan ngại, khi nhà học số 2 cao bảy tầng, tổng diện tích sàn rất rộng và nặng, đã đưa vào sử dụng gần sáu năm qua; còn nhà thư viện là tầng “tum” cơi nới, ở tầng tám, có diện tích sàn 720 m2, đã đưa vào sử dụng từ ba năm qua, vi phạm các quy định của Bộ Xây dựng.

Đại học Kiến trúc cũng “lách” luật, cố ý nộp thiếu số tiền lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp. Năm 2013, doanh thu từ hoạt động tài chính của Đại học Kiến trúc Đà Nẵng là hơn 1,527 tỷ đồng. Nhưng, Đại học Kiến trúc chỉ nộp Kho bạc Đà Nẵng số tiền hơn 76 triệu đồng (theo thuế suất 10% và áp dụng thuế ưu đãi giảm 50%).

Theo Thanh tra TP Đà Nẵng, đây là khoản doanh thu không đủ tiêu chí để được áp dụng ưu đãi thuế suất, miễn thuế, giảm thuế. Vì vậy, đúng ra, phải áp dụng thuế suất 25% . Số tiền chênh lệch, thực chất là trốn thuế ở đây, tính ra là hơn 305 triệu đồng.

Có thể nói, qua thanh tra cho thấy, các cơ sở đào tạo cần tự giác và chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật; nhất là về quản lý tài chính, thực hiện nghĩa vụ ngân sách. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cần phải xử lý nghiêm những sai phạm nói trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều sai phạm ở 2 trường ĐH Duy Tân, Kiến trúc Đà Nẵng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO