Nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản ở Thái Nguyên

Hoàng Sa 20/08/2021 11:00

Nhiều sai phạm trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2018 đã bị thanh tra, kiến nghị xử lý.

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, công tác quản lý về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tồn tại một số hạn chế, vi phạm như: UBND tỉnh Thái Nguyên chưa kịp thời điều chỉnh khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cho phù hợp với kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020) theo văn bản ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 không lập và phê duyệt Bản đồ Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường các giai đoạn là không đúng với quy định của Luật Khoáng sản năm 2010.

Giai đoạn từ năm 2010 - 2018 có 38 dự án được tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép đã hết thời hạn, nhưng còn 15 mỏ chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ là vi phạm Luật Khoáng sản năm 2010. Hơn nữa, giai đoạn từ năm 2009 - 2013 UBND tỉnh Thái Nguyên cũng chưa kịp thời ban hành quyết định tính hệ số quy định khối lượng từ quặng thành phẩm hoặc quặng tuyển ra quặng nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường là vi phạm Thông tư số 67/2008/TT-BTC và Thông tư số 158/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Vấn đề quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản trên đã xảy ra những vi phạm mà trách nhiệm thuộc về cấp chính quyền cũng như những đơn vị được cấp phép khai thác trên địa bàn huyện Đồng Hỷ: Dự án khai thác tận thu mỏ sắt Hàm Chim (thị trấn Trại Cau) được cấp phép cho Công ty Cổ phần luyện kim đen Thái Nguyên.

Năm 2013 công ty này đã khai thác 199.359 tấn/85.900 tấn đã vượt 57% so với giấy phép khai thác được cấp là vi phạm Nghị định số 142/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Sau khi đóng cửa mỏ, hợp đồng thuê đất chưa được thanh lý và diện tích đất dự án cũng chưa được bàn giao lại cho địa phương quản lý theo đúng quy định;

Tại Dự án mỏ sắt Linh Nham (xã Khe Mo) được cấp cho Công ty Đông Việt, một số hạng mục, công trình bảo vệ môi trường xây dựng chưa đầy đủ đã vi phạm Luật Khoáng sản năm 1996. Doanh nghiệp này cũng đang nợ đọng thuế tài nguyên lên tới hơn 1,454 tỷ đồng và phí bảo vệ môi trường hơn 244 triệu đồng; Đối với dự án khai thác mỏ Antimon Văn Lăng (xã Văn Lăng) doanh nghiệp khai thác cũng nợ số tiền hơn 719 triệu đồng gồm tiền thuê đất, ký quỹ bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên; Dự án đầu tư khai thác mỏ Antimon Pò Tèn (xã Văn Lăng) hoạt động khi chưa có quyết định giao đất, thuê đất đã vi phạm Luật Khoáng sản năm 2003, hoạt động khi chưa hoàn thành xây dựng mỏ theo thiết kế. Doanh nghiệp khai thác còn nợ đọng số tiền tạm tính là hơn 2,1 tỷ đồng…

Thanh tra Chính phủ đánh giá trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời giao Thanh tra tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, rà soát thu hồi về ngân sách tỉnh, phối hợp với Cục thuế tỉnh rà soát các khoản thuế và phí đối với các đơn vị trong hoạt động khai thác khoáng sản, đảm bảo việc tính và thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản ở Thái Nguyên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO