Nhiều sản phẩm do Dược phẩm Á Âu phân phối được quảng cáo như thuốc chữa bệnh

MINH QUÂN 14/10/2021 11:59

Nhiều loại sản phẩm do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu - Aerophar phân phối chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe như Ích Thận Vương, Tiêu Khiết Thanh... cũng được quảng cáo trái phép, có thể gây hiểu nhầm là thuốc.

Quảng cáo đề Ích Thận Vương có sự kết hợp của các vị thuốc.

Ngoài loại thực phẩm Nga Phụ Khang, thì nhiều loại sản phẩm khác do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu - Aerophar phân phối chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe như Ích Thận Vương, Tiêu Khiết Thanh... cũng xuất hiện quảng cáo trái phép, có thể gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc mặc dù không có tác dụng chữa bệnh.

Nhiều sản phẩm do Dược phẩm Á Âu phân phối quảng cáo trái phép

Như Đại Đoàn Kết Online đã phản ánh trong bài “Cảnh giác trước các thông tin quảng cáo Nga Phụ Khang chữa u xơ, u nang” trước đó, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Nga Phụ Khang do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu - Aerophar (gọi tắt là Dược phẩm Á Âu) phân phối không có tác dụng chữa bệnh nhưng vẫn tràn làn các website quảng cáo sản phẩm này có tác dụng điều trị bệnh, thậm chí còn được quảng cáo là thuốc.

Được biết, hiện nay Dược phẩm Á Âu là đơn vị đang phân phối các sản phẩm vốn là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, như Nattospes, Cốt Thoái Vương, Hoàng Thống Phong, Ích Giáp Vương, Kim Thần Khang, Kim Thính... Trong đó, nhiều sản phẩm đang được tiếp thị trái phép trên không gian mạng như Google, Facebook...

Đến nay, Dược phẩm Á Âu chưa trả lời Báo Đại Đoàn Kết Online về các vấn đề liên quan, vì vậy chưa thể xác định vai trò cụ thể của Dược phẩm Á Âu với mạng lưới quảng cáo trái phép đang trôi nổi trên mạng hiện nay.

Chẳng hạn, các trang web đang quảng cáo sản phẩm do Dược phẩm Á Âu chịu trách nhiệm là đại lý, tự thực hiện nội dung quảng cáo hay Dược phẩm Á Âu gửi bài quảng cáo cho đại lý tự đăng. Hoặc cũng có thể những website quảng cáo sản phẩm cho Dược Á Âu là giả mạo...

Vì vậy, trước khi trả lời những câu hỏi trên thì người tiêu cùng cần phải cảnh giác trước những quảng cáo trái phép liên quan nhiều sản phẩm do Dược phẩm Á Âu phân phối, tránh rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang”.

Theo tìm hiểu của Báo Đại Đoàn Kết Online, hiện trên mạng xuất hiện quảng cáo sản phẩm Ích Thận Vương, Tiêu Khiết Thanh... trái với quy định của pháp luật. Điểm chung của những quảng cáo này là sử dụng tên miền quốc tế, back link qua lại với nhau để tăng uy tín seo - giúp chiếm vị trí hiển thị ở top đầu của Google.

Chẳng hạn, sản phẩm Ích Thận Vương không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh, nhưng đang được “hô biến” bằng cách quảng cáo thành phần trong sản phẩm có tác dụng điều trị bệnh...

Bên cạnh đó, sản phẩm Tiêu Khiết Thanh cũng được “hô biến” tác dụng theo cách tương tự như trên, đồng thời, nhiều bài tiếp thị còn gọi đây là “sản phẩm số 1 cho người khản tiếng”...

Chẳng hạn, trên trang khantieng.com, nhiều bài viết khẳng định: “Sau 1 - 3 tháng sử dụng, sức đề kháng đường hô hấp được cải thiện rõ rệt, giọng hết khàn, các tổn thương niêm mạc thanh quản mãn tính bắt đầu cải thiện nên khản tiếng không bị tái phát.

Sau 3 - 6 tháng, các tổn thương mạn tính được cải thiện, giọng nói trong trẻo bình thường, công việc và cuộc sống trở lại như trước”...

Ngoài ra, các bài tiếp thị sản phẩm liên quan Dược phẩm Á Âu còn sử dụng clip chia sẻ của bệnh nhân để quảng cáo trái quy định.

Luật quy định cấm quảng cáo có từ "số 1".

Những nội dung tiếp thị như vừa nêu không nằm trong phạm vi giấy phép quảng cáo sản phẩm được cơ quan chức năng cấp.

Hành vi bị pháp luật nghiêm cấm

Việc quảng cáo sản phẩm Nga Phụ Khang, Ích Thận Vương hay Tiêu Khiết Thanh... trái phép thực tế đã được pháp luật quy định rõ ràng.

Chẳng hạn, Điều 8 (Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo), Luật Quảng cáo 2012 nêu rõ: Cấm “quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Cấm quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”...

Ngoài ra, việc quảng cáo trái phép về sản phẩm cũng được nêu rõ tại Điều 10 (các hành vi bị cấm), Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cấm “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây:

Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp;

Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online về tình trạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang được quảng cáo tràn lan, thổi phồng công dụng, giả mạo sản phẩm, vi phạm quy định trên không gian mạng như Google, Facebook... luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, cho rằng, cần tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm để răn đe.

Ngày 13/10, PV Đại Đoàn Kết Online đã liên hệ với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để nhằm làm rõ tình trạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang được quảng cáo tràn lan, thổi phồng công dụng, giả mạo sản phẩm, vi phạm quy định trên không gian mạng như Google, Facebook...

Tại trụ sở của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các nhân viên văn phòng cục yêu cầu PV Đại Đoàn Kết Online để lại giấy giới thiệu và sẽ có người liên hệ làm việc sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều sản phẩm do Dược phẩm Á Âu phân phối được quảng cáo như thuốc chữa bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO