Nhìn lại một năm đầy gian lao của ngành y tế Việt Nam

Hoàng Chiến 29/12/2021 19:20

Kết thúc năm 2021, ngoài những thành tựu đạt được, ngành y tế Việt Nam cũng trải qua một năm đầy gian lao với những biến động lớn…

Hàng chục ngàn người tử vong vì Covid-19

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam đã ghi nhận khoảng hơn 1,6 triệu ca nhiễm, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người thì có 16.900 ca nhiễm).

Nhiều nơi bị phong toả do có ca nhiễm Covid-19.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là hơn 31 ngàn ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 27/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Dịch bệnh đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân cũng như ảnh hưởng đến nhiều mặt của kinh tế - xã hội đất nước, gây ra những mất mát không thể nào bù đắp được.

Lùm xùm vụ Việt Á

Sự việc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) cấu kết trục lợi với với lãnh đạo y tế một số địa phương để "thổi giá" kit xét nghiệm Covid-19 đang là tâm điểm của dư luận trong suốt thời gian qua.

Họp báo thông báo tình hình kết quả công tác Công an năm 2021. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.

Theo cơ quan điều tra, tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Tính đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.

Quá trình cung ừng vật tư, Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật Công ty Việt Á) thông đồng với lãnh đạo các CDC hoặc bệnh viện hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, xác nhận khống các báo giá... để quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Đồng thời, Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.

Theo Bộ Công an, Công ty Việt Á đã bán kit xét nghiệm cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Trong đó, giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến được chi tiền phần trăm 30 tỷ đồng.

Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đồng loạt khám xét 16 địa điểm ở 8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An và Cần Thơ. Cảnh sát triệu tập, ghi lời khai của trên 30 người liên quan.

7 ngày sau, C03 khởi tố vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị liên quan và khởi tố 7 bị can, trong đó có Phan Quốc Việt và ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương).

Kết quả điều tra ban đầu xác định, quá trình kinh doanh kit test Covid-19 do Việt Á sản xuất, Việt cùng các thuộc cấp đã "lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test để kinh doanh". Hơn nữa, kit test Covid-19 là sản phẩm thuộc danh mục được áp dụng "chỉ định thầu rút gọn" nên Việt đã chủ động cung ứng trước thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố để sử dụng.

Việt sau đó thông đồng với lãnh đạo CDC để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân là các công ty liên danh, công ty con để lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Việc này làm giá sản phẩm của Việt Á cao hơn nhiều so với thực tế, định giá ở mức 470.000 đồng/kit. Hành vi này bị đánh giá là "nâng khống giá", vi phạm quy định về đấu thầu.

Ngoài ra, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế với số lượng lớn và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán, Việt đã thỏa thuận chi số tiền lớn cho lãnh đạo nhiều đơn vị mua hàng.

Sau khi vụ án được khởi tố, nhiều lãnh đạo CDC cũng đang bị cơ quan điều tra triệu tập.

Gần 1.000 nhân viên y tế ở TP HCM nghỉ việc

Gần 1.000 nhân viên y tế tại TP HCM nghỉ việc vì áp lực...Ảnh: VOV.

Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021, có tới gần 1.000 nhân viên y tế tại TP HCM xin nghỉ việc, đó là thống kê của ngành y tế TP này tạo buổi họp báo về tình hình dịch Covid-19 TP HCM diễn ra vào cuối tháng 11.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, trong năm 2020 toàn thành phố có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Trong 10 tháng đầu năm 2021, số nhân viên xin nghỉ việc trong lĩnh vực y tế là 968 trường hợp.

Trong đó, có những bệnh viện, cả chục nhân viên y tế nộp đơn nghỉ việc cùng lúc, kể cả những người có thâm niên hàng chục năm.

Triền miên không thể về nhà trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, quá tải, đồng lương ít ỏi, trong khi áp lực công việc lại quá lớn. Trong khi cơ hội phát triển tay nghề ở y tế phường xã còn hạn chế… Đó là những lý do khiến hàng ngàn nhân viên y tế xin nghỉ việc.

Trước điều kiện dịch bệnh còn đang diễn biến vô cùng phức tạp, F0 trên cả nước vẫn đang tiếp tục tăng. Việc những nhân viên trong ngành y tế nghỉ việc là một câu chuyện đáng buồn bởi có được thành quả chống dịch như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến sự hi sinh, vất vả của biết bao cán bộ bác sĩ, y tá, nhân viên y tế…

Khởi tố hàng loạt lãnh đạo ngành và các bệnh viện lớn

Cũng trong năm 2021, hàng loạt lãnh đạo trong ngành y tế và lãnh đạo các bệnh viện lớn phải “hầu toà”.

Ngày 4/11, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 360, Bộ Luật Hình sự 2015.

Ông Trương Quốc Cường.

Theo đó, ông Trương Quốc Cường khi làm Cục trưởng Cục Quản lý Dược giai đoạn 2007-2016, là người chịu trách nhiệm đối với các hoạt động của Cục này. Trong đó có nhiệm vụ trình lãnh đạo Bộ Y tế các quyết định liên quan đến việc cấp phép đăng ký thuốc liên quan đến vụ VN Pharma.

Ngày 19/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Nguyễn Quang Tuấn (54 tuổi, quê quán Hà Nội). Ông Tuấn nguyên là Chủ tịch Hội đồng mua sắm của Bệnh viện Tim Hà Nội, thời điểm bị khởi tố là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Ông Tuấn bị khởi tố để điều tra về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ngày 8/2, Viện KSND tối cao đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt các bị can để tạm giam là Võ Thị Chinh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM; Phí Duy Tiến, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM; Nguyễn Quốc Toản, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức Bệnh viện Mắt TP HCM về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3, Điều 222, Bộ Luật Hình sự năm 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn lại một năm đầy gian lao của ngành y tế Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO