Nhìn lại năm 2021 – Phần 1: Một thế giới cần được chữa lành

Mai Nguyễn (theo AP) 07/12/2021 10:02

Một thế giới hiện lên đầy đau thương qua những bức hình biết nói, một năm trôi qua với rất nhiều điều khiến con người phải suy ngẫm. Bên cạnh đại dịch Covid-19, năm 2021 cũng đã cho thế giới chứng kiến vô số những “đại dịch” khác như các cuộc xung đột, nạn đói, “cơn bão” di cư, biến đổi khí hậu…

Nhân viên y tế mang theo một tủ lạnh chứa vaccine đến tiêm phòng cho những người chăn cừu ở Tosamaidan, phía tây nam Srinagar, vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, vào ngày 21/6/2021. Ảnh: AP.

Nỗi đau từ đại dịch Covid-19

Số người thiệt mạng trên toàn cầu lên đến 5 triệu người trong chưa đầy hai năm sau khi thế giới xuất hiện “quái vật” mang tên Covid-19. Dịch bệnh không chỉ tàn phá các nước nghèo mà còn khiến những nước phát triển với hệ thống chăm sóc sức khỏe hàng đầu bị tổn thương.

Đại dịch đã đặt thế giới trong tình trạng tổn thương và đẩy những người sống sót đến đỉnh điểm của sự mất mát, đau khổ. Theo Phó Giáo sư về lịch sử y học thuộc Đại học Oxford Erica Charters, đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt ở từng nơi vào những thời điểm khác nhau - như những gì đã từng diễn ra trong quá khứ. Chính phủ các nước sẽ phải đưa ra quyết định sẵn sàng sống chung được với dịch bệnh ở cấp độ nào.

Vaccine Covid-19 của Pfizer được tiêm tại Viện Ghép Thận Quốc gia ở Thành phố Quezon, Philippines, vào ngày 17/11/2021. Ảnh: AP.
Một người vô gia cư ngồi bên trong một tòa nhà bỏ hoang ở Quito, Ecuador, vào ngày 18/3/2021, hệ quả từ đại dịch Covid-19. Ảnh: AP.
Cảnh sát quân sự Everaldo Pinto hóa trang thành siêu anh hùng Captain America, vui đùa cùng trẻ em và khuyến khích chúng tự bảo vệ bản thân trong đại dịch Covid-19 ở Petropolis, bang Rio de Janeiro, Brazil, ngày 15/4/2021. Ảnh: AP.
Bệnh nhân được thở oxy trong ô tô ở New Delhi, Ấn Độ ngày 24/4/2021. Hệ thống y tế của Ấn Độ đã bị quá tải bởi đại dịch Covid-19, khiến nhiều bệnh nhân tuyệt vọng vì thiếu oxy và các nguồn cung cấp khác. Ảnh: AP.
Một người phụ nữ vui mừng chờ đợi được tiêm vaccine tại nhà riêng ở Burzaco, Argentina ngày 18/2/2021. Ảnh: AP.
Các nhân viên y tế mang vaccine Sinovac đến một ngôi nhà ở cộng đồng Kalunga Vao de Almas, một vùng nông thôn ở ngoại ô Cavalcante, bang Goias, Brazil, vào ngày 15/3/2021. Kalunga Vao de Almas là một cộng đồng truyền thống của những người da đen xuất thân từ nô lệ. Ảnh: AP.
Một người đàn ông chạy thoát khỏi sức nóng từ nhiều giàn hỏa táng các nạn nhân đại dịch Covid-19 tại một lò thiêu ở ngoại ô thủ đô New Delhi, Ấn Độ, vào ngày 29/4/2021. Ảnh: AP.
Đại dịch đã chia cắt vô số gia đình tại Viện dưỡng lão Reminiscencias ở Tandil, Argentina, ngày 4/4/2021. Ảnh: AP.
Tượng đài Washington với những lá cờ trắng là một phần trong tác phẩm nghệ thuật sắp đặt tạm thời của nghệ sĩ Suzanne Brennan Firstenberg, "Ở Mỹ: Hãy nhớ", để tưởng nhớ những người Mỹ đã thiệt mạng do đại dịch Covid-19 tại công viên quốc gia National Mall ở Washington D.C. Ảnh: AP.

Trái đất kêu cứu trước biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu vốn đã không còn là một khái niệm mới mẻ đối với con người. Thời điểm hiện tại, biến đổi khí hậu được xem là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại thế kỷ 21 do sức ảnh hưởng kinh hoàng trực tiếp tác động đến Trái đất.

Trong năm 2021, bên cạnh hạn hán và băng tan – hai tác động tiêu cực xảy ra nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, các thảm họa tự nhiên cũng đã xuất hiện nhiều hơn. Mưa bão liên tục kéo dài, lốc xoáy, núi lửa phun trào, hiện tượng El Nino,... tất cả đã khiến cuộc sống của hàng triệu người dân trên khắp Trái đất lâm vào cảnh “khốn cùng”. Từ “cơn bão quái vật” Ida tàn phá nước Mỹ, đến những trận lũ lụt lịch sử tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua tại châu Âu, cùng những trận mưa “nghìn năm có một” tại nhiều quốc gia châu Á, thậm chí là mức nhiệt độ cao chưa từng có trong lịch sử được ghi nhận tại nhiều khu vực trên Trái đất.

Khi biến đổi khí hậu đã gõ cửa khắp hành tinh, khi tác động từ nó là điều không thể phủ nhận thì việc nỗ lực để đảm bảo một tương lai thích ứng tốt hơn là điều con người cần phải hành động ngay. Trừ khi các hành động táo bạo và nhanh chóng được thực hiện, biến đổi khí hậu sẽ lấp đầy tương lai của Trái đất. Trong một viễn cảnh tồi tệ, nếu như con người không thể ngăn được những tác động của biến đổi khí hậu, Trái đất sẽ không còn là một hành tinh “có thể sống được”. Con người đã hành động, đúng thế, nhưng chưa đủ!

Một con chim cánh cụt bơi trong khu bảo tồn chim cánh cụt Gentoo và chim cánh cụt Chinstrap tại Thủy cung Indowa của Mexico. Ảnh: AP.
Những thân cây vụn và những ngôi nhà bị nghiền nát nằm vùi một nửa trong bùn núi lửa Taal gần một năm sau khi nó phun trào ở tỉnh Batangas, phía nam Manila, Philippines vào ngày 10/1/2021. Ảnh: AP.
Người dân đau lòng bên đống đổ nát của một tòa nhà bị hư hại do động đất ở Mamuju, Tây Sulawesi, Indonesia, vào ngày 15/1/2021. Ảnh: AP.
Đám cháy Sugar, một phần của Đám cháy Phức hợp Beckwourth ở Doyle, California, Mỹ vào ngày 9/7/2021. Ảnh: AP.
Một ngôi nhà bị bao phủ bởi tro bụi từ một ngọn núi lửa tiếp tục phun trào ở La Palma thuộc quần đảo Canary của Tây Ban Nha vào ngày 30/10/2021. Ảnh: AP.
1Chai nhựa và các loại rác thải khác trôi nổi trên hồ Potpecko gần Priboj, phía Tây Nam Serbia vào ngày 22/1/2021. Ảnh: AP.
Một đoàn tàu đi qua đường sắt bị bao vây bởi nước lũ do mưa và tuyết tan ở Nidderau gần Frankfurt, Đức, vào ngày 3/2/2021. Ảnh: AP.
Bùn nứt trải dài trên một khu vực rộng lớn từng được bao phủ bởi nước của đầm phá Suesca, ở Suesca, Colombia ngày 17/2/2021. Hồ đã từng đầy ắp cá nhưng hiện đang khô dần do tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: AP.
Trận tuyết rơi ngắn cũng đủ khiến hồ Dal ở ngoại ô Srinagar, Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đóng băng trắng xóa, ngày 27/2/2021. Ảnh: AP.
"Đại dịch châu chấu” tại Elburgon, thuộc hạt Nakuru, Kenya, ngày 17/3/2021. Ảnh: AP.
Đám cháy rừng tiếp cận bãi biển Kochyli gần làng Limni, Hy Lạp, cách thủ đô Athens khoảng 160 km về phía bắc vào ngày 6/8/2021. Ảnh: AP.
Những đứa trẻ nô đùa trong khu vực ngập lụt của cộng đồng ở Iquitos, Peru, vào ngày 20/3/2021. Ảnh: AP.
Một phụ nữ vác cây thánh giá bằng gỗ trong cuộc hành hương cầu nguyện núi lửa Pacaya giảm hoạt động ở San Vicente Pacaya, Guatemala, vào ngày 5/5/2021. Ngọn núi lửa cách thủ đô Guatemala chỉ 50 km về phía nam đã hoạt động mạnh hơn vào đầu tháng Hai. Ảnh: AP.
Lòng sông cạn lộ đáy của sông Old Parana, một nhánh của sông Parana, trong đợt hạn hán ở Rosario, Argentina, vào ngày 29/7/2021. Ảnh: AP.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn lại năm 2021 – Phần 1: Một thế giới cần được chữa lành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO