Nhìn lại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sau gần 1 năm vận hành

Lê Khánh 03/11/2022 11:57

Chỉ còn ít ngày nữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ tròn một năm đi vào vận hành. Kết quả cho thấy sau gần 360 ngày vận hành an toàn, phục vụ gần 7,3 triệu lượt hành khách đã cho thấy sự bắt nhịp hoàn hảo và đầy tự tin…

Tăng trưởng ngoạn mục

Ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, từ ngày 6/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước, đã trải qua 360 ngày khai thác an toàn, vận chuyển được gần 7,3 triệu lượt hành khách.

Theo ông Trường, vào giờ cao điểm đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông giãn cách 6 phút/chuyến, giờ bình thường thời gian đợi tàu là 10 phút/chuyến. Hiện mỗi ngày có khoảng 32.000 lượt người đi lại bằng tàu điện trên tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông. Trong đó, 70% người sử dụng vé tháng; giờ cao điểm có từ 5.000 - 6.000 hành khách đi lại trên tuyến

“Từ 1/9, chúng tôi đã chạy 9 đoàn tàu theo đúng kịch bản và thiết kế. Lượng khách đi trải nghiệm gần như bão hòa, còn hành khách sử dụng thường xuyên để đi làm, đi học liên tục tăng không ngừng. Đây là kết quả tốt nhất trong kịch bản khai thác tuyến đã được Bộ GTVT và UBND TP thống nhất ngay từ ban đầu”, ông Trường cho hay.

Chỉ sau gần 1 năm vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển được 7,3 triệu hành khách.

Chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình nhân định, sau một năm vận hành, tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông đã có sự tăng trưởng ngoạn mục trong số người sử dụng đường sắt. “Mặt khác qua trải nghiệm của tôi nhận thấy người dân vẫn chưa đánh giá hết, tận dụng hết năng lực chuyên chở của tuyến đường sắt này”, ông Bình cho hay.

Theo ông Bình, để tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông hoạt động mạnh mẽ hơn nữa thì đơn vị quản lý cần có những biện pháp tuyên truyền mạnh để giúp cho người dân nhận thấy được sự tiện lợi của đường sắt đô thị. Mặt khác cũng tiếp tục xem xét triển khai thêm các biện pháp cải thiện, ví dụ như tìm cách tăng tối đa cái diện tích gửi xe ở gần các nhà ga đường sắt đô thị thì lượng người dân sử dụng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa, từ đó giúp giảm, ùn tắc giao thông trên mặt đường.

Phó Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương chia sẻ, riêng trong 9 tháng qua, tuyến đường sắt đô thị số 2A đã đạt sản lượng 5,4 triệu lượt hành khách, doanh thu đạt 47 tỷ đồng, tăng 5% so với kế hoạch. Đường sắt đô thị đã liên tục lập kỷ lục về lượng khách, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại người dân; góp phần quan trọng nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của vận tải công cộng Hà Nội lên trên 30%.

“Song song với việc vận hành tuyến đường sắt đô thị số 2A, 8 tuyến buýt đã được mở mới, 55 tuyến điều chỉnh lộ trình để tập trung kết nối với đường sắt đô thị. Nhờ đó, hai loại hình vận tải công cộng chính của TP đã bổ trợ cho nhau rất tốt. Sản lượng xe buýt đã tăng 15 - 25% từ khi có đường sắt đô thị”, ông Thái Hồ Phương cho hay.

Tạo dựng văn hóa đi lại của người dân Thủ đô

Ông Vũ Hồng Trường cho hay, tuyến đường sắt đi vào hoạt động một thời gian và người dân nhận thấy tiện lợi, ổn định, không bị ảnh hưởng tắc đường... nên dần hình thành văn hóa tham gia giao thông công cộng bằng đường sắt đô thị. Đặc biệt, hành khách sử dụng đường sắt đô thị làm phương tiện đi lại đã chấp nhận đi bộ xa hơn trước đây và sau đó có thể chuyển loại hình xe buýt được kết nối ở các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng Hà Nội chia sẻ, lượng hành khách liên tục lập kỷ lục mới cho thấy ngày càng nhiều người dân lựa chọn sử dụng tàu điện. Đường sắt đô thị có những lợi thế rất lớn như tàu chạy đúng giờ, thời gian di chuyển và chờ tàu ngắn, độ an toàn cao; kết nối chặt chẽ với xe buýt... Tuy nhiên để khai thác hết năng lực của đường sắt đô thị, cần dần hoàn thiện mạng lưới, có thêm nhiều tuyến đường sắt đô thị nữa vận hành.

Tuyến đường sắt đô thi đầu tiên tại Hà Nội cũng như toàn quốc ngày càng chiếm dược ưu thế được đông đảo người dân lựa chọn.

“Chúng tôi đang xây dựng chính sách giá vé linh hoạt, đa dạng và tiết kiệm hơn; nghiên cứu đưa thêm một số loại hình phương tiện kết nối với nhà ga đường sắt đô thị khác như xe đạp điện, xe đạp… Cùng địa phương xem xét, bố trí thêm khu vực trông giữ xe cho khách đi tàu điện. Tăng thêm tiện ích sẽ thu hút thêm hành khách cho ĐSĐT”, vị Phó giám đốc nhận định.

Nhìn nhận kết quả sau một năm tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông ông Phan Lê Bình khẳng định: “Nếu Hà Nội có được một mạng lưới vài tuyến đường sắt đô thị trên toàn địa bàn thành phố thì sẽ góp phần rất lớn vào việc kéo giảm ùn tắc giao thông trên mặt đường. Tuy nhiên, rất đáng tiếc quá trình xây dựng đường sắt đô thị của Hà Nội cho đến nay là quá chậm. Tôi rất mong là trong thời gian tới thành phố Hà Nội bằng mọi nỗ lực của mình, đẩy nhanh quá trình xây dựng đường sắt đô thị thì mới có thể giải quyết cơ bản vấn đề ùn tắc giao thông cho thành phố”.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Vũ Hồng Trường cho rằng, muốn thu hút người dân hơn nữa không thể chỉ trông chờ vào một tuyến đường sắt đô thị. Qua đánh giá, tổng kết từ thực tiễn cho thấy, đường sắt đô thị rất ưu việt, thu hút được đông đảo hành khách đi lại, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Cần sớm có thêm nhiều tuyến đường sắt đô thị để tháo gỡ khó khăn cho giao thông Hà Nội, làm thay đổi thói quen, tạo dựng văn hóa đi lại của người dân Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn lại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sau gần 1 năm vận hành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO