Nhìn từ các 'án' kỷ luật Đảng

Hoàng Mai 10/07/2019 08:00

Cách đây ít ngày, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông cáo về kỳ họp thứ 37, trong đó nêu sai phạm của nhiều cán bộ trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh không phải là cán bộ cấp cao đầu tiên bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ này, nhưng là lãnh đạo cao cấp của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 bị đề nghị thi hành kỷ luật vì những vấn đề trong quản lý kinh tế của nhiệm kỳ 2011-2016. Đây thực sự là một điều đáng tiếc với một cán bộ cấp cao được đào tạo bài bản, kinh qua nhiều vị trí công tác và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mà mình từng quản lý. Đáng tiếc là một lãnh đạo đã từng được đánh giá là có năng lực nhưng lại vướng vào “án” kỷ luật vì chính sự thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, trong lĩnh vực là thế mạnh của mình.

Không phải chỉ trường hợp của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, các cán bộ bị kỷ luật theo như thông báo của kỳ họp thứ 37 hay các cán bộ bị kỷ luật nêu tại các thông báo trước đây cũng đều là những cán bộ có trình độ, kinh nghiệm, năng lực công tác. Tức là họ đã trải qua thời gian được đào tạo bài bản và kinh qua những vị trí công tác khác nhau nên có thể nói vừa giàu lý luận lại vừa sẵn thực tiễn. Cũng cần nói thêm, cán bộ bị thi hành kỷ luật dù ít tuổi như Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Cảnh hay có tuổi như các ông Vũ Văn Ninh, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Hồng Trường… Họ đều là những người được Đảng, Nhà nước đào tạo bài bản và được tạo điều kiện để làm việc nhưng họ đã sai lầm. Dù là sai lầm theo cách nào đi nữa thì cũng đã gây phương hại đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân, trực tiếp hoặc gián tiếp làm mất uy tín của Đảng; gây mất niềm tin hay trong một số trường hợp họ đã gây hoang mang cho nhân dân khi những lĩnh vực, địa bàn do họ phụ trách bết bát, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Không nói đâu xa, ngay với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, trong thời gian ông còn làm Bộ trưởng Tài chính kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Ninh đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra vụ án kinh tế Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) vay tiền. Vụ án này đến nay đã có nhiều cán bộ bị đưa ra xét xử; cá biệt có những bị cáo như Vũ Quốc Hảo- nguyên Tổng Giám đốc ALC II đã phải nhận 2 án tử vì tội tham ô tài sản. 2 cựu Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Lê Bạch Hồng và Nguyễn Huy Ban) cùng các đồng phạm cũng đã bị cáo buộc gây thất thoát 1.700 tỷ đồng khi cho vay sai đối tượng và bị đưa ra xét xử với tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Khoản 3, Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999. Các cán bộ dưới quyền thời nguyên Phó Thủ tướng còn tại vị Bộ trưởng Tài chính và trực tiếp làm Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội đã bi truy tố thì không lý gì người đứng đầu lại có thể được bỏ qua. Cũng như thế, bằng chữ ký của người phụ trách ngành, lĩnh vực cảng Quy Nhơn từ tài sản nhà nước đã được phù phép biến thành tài sản tư nhân, được Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm.

Nhìn lại các vụ kỷ luật cán bộ mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý thời gian qua có thể thấy kỷ luật Đảng thật sự nghiêm minh, không ai, không tổ chức nào có thể đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật kể cả tổ chức cơ sở Đảng cũng như đảng viên. Các vụ xem xét kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay không có chuyện dưới thì nặng trên thì nhẹ mà tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị, lĩnh vực công tác nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải bị xem xét, xử lý nghiêm minh, không phân biệt đảng viên có chức vụ cao với đảng viên không có chức vụ, không phân biệt có công hay không có công, tuổi đảng cao hay thấp. Không có chuyện “hạ cánh an toàn”; với các vi phạm trước đây, nhưng sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận, nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thực tế vừa qua, công tác kiểm tra, giám sát đang được đẩy mạnh, được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy phòng ngừa, xây là chính. Qua kiểm tra, giám sát để kịp thời nhắc nhở, cảnh tỉnh, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự thiếu gương mẫu của tổ chức đảng, đảng viên; đồng thời, kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm nhưng tiếc là qua kiểm tra giám sát đã phát hiện nhiều cán bộ giữ trọng trách cao vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thậm chí phải truy tố. Đây là điều chẳng đặng đừng nhưng sẽ không thể khác được. Thực tế ấy liệu có là bài học cho các cán bộ, đảng viên khác thấy mà sợ, thấy mà răn mình để không dám tham nhũng, không dám làm trái pháp luật, nhất là trong quản lý kinh tế hay không?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn từ các 'án' kỷ luật Đảng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO