Nhịp cầu nối tình hữu nghị Việt-Lào - Bài 1: Nhiệm vụ trên đất bạn

QUỐC ĐỊNH 29/06/2020 00:00

Thống kê bình quân mỗi năm, Công ty TNHH Cao su Việt  Lào khai thác 15 ngàn tấn mủ, riêng năm 2017, kinh doanh đã có lãi 116 tỷ đồng.

Sự gần gũi, chia sẻ giữa lãnh đạo Công ty và người lao động chính là yếu tố quan trọng làm nên thành công của Công ty Cao su Việt Lào.

16 năm trước, gần 20 cán bộ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được phân công lên đường sang nước bạn Lào phát triển cây cao su. Bằng rất nhiều nỗ lực, đến nay Công ty TNHH Cao su Việt Lào đã gặt hái được nhiều thành quả ấn tượng, với hơn 10 ngàn ha cao su, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, nâng cao đời sống cho người dân sở tại, bộ mặt địa bàn “thay da đổi thịt”.

Dẫn chúng tôi đi qua những cánh rừng cao su bạt ngàn, ông Ngô Quyền, Giám đốc Công ty bồi hồi: “Đầu năm 2005 Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam triển khai dự án đầu tư ra nước ngoài đâu tiên nhằm phát triển cây cao su tại Lào. Lúc ấy, tôi và 18 cán bộ khung, từ giã quê hương, gia đình lên đường nhận nhiệm vụ”.

Ông Quyền tâm sự, những ngày đầu gặp muôn vàn khó khăn, do chưa am hiểu phong tục, tập quán, điều kiện địa lý xa xôi, cơ sở vật chất chưa có gì, thời tiết khắc nghiệt, ốm đau, sốt rét không đủ thuốc chữa trị. Lúc này, anh em luôn động viên cố gắng, rồi anh em tự tay dựng lán trại để sinh hoạt. Ngay cả lãnh đạo Tập đoàn lúc đó cũng còn có những ý kiến băn khoăn, chưa thống nhất, có những cổ đông góp vốn nhưng lo không hiệu quả, đã xin rút vốn và có đôi người không chịu nổi cảnh xa nhà và gian khổ đã đầu hàng hoàn cảnh, trở về Việt Nam.

“Chúng tôi không trách họ, ngược lại rất cảm thông bởi họ cũng có lý do riêng, hoàn cảnh riêng” - ông Quyền nói.

Sau một thời gian, số cán bộ khung lúc này còn lại chỉ có 10 người tiếp tục ở lại đi sâu tìm hiểu phong tục, tập quán, giao lưu tình cảm với già làng, trưởng bản và chính quyền địa phương để họ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, sớm giao đất, tuyển dụng lao động tại chỗ để trồng cao su.

Khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ

Từ lực lượng ban đầu ít ỏi, đến nay Công ty đã tăng lên hơn 2.700 người. Những lao động của Công ty liên tiếp trong một năm đã tiến hành cắm đất, phát rừng, dọn cỏ, san ủi mặt bằng để có được hơn 10 ngàn ha đất nằm liền khối, liền vùng thuộc huyện Bachiang (tỉnh Champasak). Tiếp đó, họ chăm sóc cho cây cao su phát triển, tổ chức khai thác và chế biến cao su.

Thống kê bình quân mỗi năm, Công ty khai thác 15 ngàn tấn mủ, riêng năm 2017, kinh doanh đã có lãi 116 tỷ đồng. Mức lương bình quân của công nhân và người lao động là 6,5 triệu đồng/tháng. Công ty Cao su Việt Lào là đơn vị đầu tiên trong ngành cao su Việt Nam đầu tư ra nước ngoài làm ăn có lãi lớn, đã chia cổ tức 62 tỷ đồng cho cổ đông, dẫn đầu toàn ngành cao su Việt Nam, là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

“Cây cao su phát triển đến đâu, điện, đường, trường, trạm được Công ty hỗ trợ cho địa phương phát triển đến đó. Huyện Bachiang từ một vùng đất hoang hóa, người dân sống du canh, du cư, phá rừng trồng lúa, nghèo khó nay nhiều người đã là công nhân cao su. Bachiang nay là địa phương đã xóa được đói, giảm được nghèo, là huyện có thu nhập bình quân đầu người cao, góp phần lớn vào việc phát triển kinh tế cho khu vực”- Giám đốc Công ty cho biết.

Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Công ty Cao su Việt Lào, đơn vị này đã hoàn thành nhiệm vụ trồng mới, rồi chăm sóc, tổ chức khai thác và chế biến diện tích cao su nói trên một cách hiệu quả, là điển hình cho toàn ngành cao su Việt Nam, đơn vị luôn hoàn thành và vượt kế hoạch sản lượng nhiều năm. Năm 2010 đã xây dựng Nhà máy chế biến mủ cao su có công suất mủ tinh 12 ngàn tấn và mủ tạp 9 ngàn tấn/năm, đáp ứng nhu cầu sản xuất mủ để tiêu thụ và xuất khẩu, được bạn hàng đánh giá rất cao, là thương hiệu có uy tín lại Lào cũng như các bạn hàng quốc tế.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Công ty đã vinh dự được đón tiếp nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành Việt Nam sang thăm. Công ty cũng vinh dự đón tiếp Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào, cùng các vị tỉnh trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch huyện, lãnh đạo các cơ quan nông nghiệp của nước bạn tới thăm Công ty động viên cán bộ công nhân viên và người lao động khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều đoàn đại biểu địa phương, đơn vị trong nước cũng đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Căn nhà của một lao động được Công ty hỗ trợ xây dựng khang trang.

Không ngừng đổi mới, sáng tạo

Bên cạnh việc phát triển diện tích cao su, tạo công ăn việc làm cho lao động, Công ty còn có rất nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả.

Có thể kể như sáng kiến không sử dụng xe chuyên dụng (xe đông lạnh) để vận chuyển cây giống mà chỉ dùng xe tải bình thường để chuyên chở cây giống từ Việt Nam sang Lào vào ban đêm, điều này đã giảm chi phí hàng tỷ đồng. Công ty tiến hành cải tiến phương pháp trồng truyền thống trước đây bằng phương pháp trồng stump trần và stump bầu với quy trình cải tiến mới là trồng ướt, trong cùng một thời gian đã trồng được hàng trăm ngàn cây so với việc trồng theo phương pháp truyền thống. Hiệu suất đầu tư nông nghiệp là 68 triệu đồng/ha so với 75 triệu đồng/ha, thấp nhất trong Tập đoàn, rút ngắn thời gian từ 5 năm xuống còn 3 năm, đạt chất lượng, làm lợi nhiều tỷ đồng.

Sáng kiến này đã được Hội đồng sáng kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Sáng kiến về giải pháp kỹ thuật, chuyển chế độ cạo mủ cao su đã khắc phục được tình trạng thiếu lao động.

Năm 2017, Công ty đã mở cạo hết diện tích hiện có và chuyển sang chế độ cạo 100% D4, nhằm giảm áp lực lao động, giảm chi phí nhân công, đảm bảo đủ lao động và tăng năng suất, tăng thu nhập cho công nhân.

Trong 3 năm (2015-2017) áp dụng cạo D4 số lao động thực hiện 2.753 người, khắc phục tình trạng thiếu lao động vào quý 3 và quý 4 như mọi năm, công nhân đi làm đều, sản lượng tăng, tiền lương bình quân đạt gần 7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 10,23% so với cùng kỳ năm 2016. Sáng kiến này cũng được Hội đồng sáng kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.

Đối với sáng kiến thực hiện giải pháp kỹ thuật, lãnh đạo Công ty cho biết, khu vực Huội Kuồng giống như một ốc đảo nằm riêng biệt thuộc Nông trường Bachiang I với diện tích 221 ha, trồng vào tháng 7/2008, có địa hình hết sức phức tạp, sông suối nhiều, đất đỏ bazan, độ dốc cao từ 500 - 600 m so với mực nước biển, đèo dốc hiểm trở, đường đi lại hết sức khó khăn, nước chảy xiết. Vào mùa mua lũ, hệ thống thoát nước tràn lên mặt đường do lưu tốc rất lớn, gây phá hoại nền đường.

Trước đây, có nhiều phương án như xây cầu cống tràn, cống hộp, cầu treo được đưa ra nhưng thực hiện các loại công trình này rất tốn kém nên Công ty đã quyết định xây dựng cống tràn Huội Kuồng, sáng kiến này làm lợi cho Nhà nước nhiều tỷ đồng. Việc xây dựng cống tràn Huội Kuồng đã đáp ứng được nhu cầu trong công tác khai thác theo kế hoạch hàng tháng và hàng năm,đảm bảo vận chuyển mủ cao su hiệu quả cao nhất, giúp việc lưu thông của cư dân trong khu vực được thuận lợi, cải tạo vệ sinh môi trường, không gây ô nhiễm, cải thiện điều kiện sống cho nhân dân địa phương.

Bên cạnh những sáng kiến, Công ty Cao su Việt Lào còn thực hiện nhiều hoạt động quan trọng, ý nghĩa, trong đó luôn hoàn thành nghĩa vụ thuế cho địa phương sở tại,tính đến năm 2018, Công ty đã nộp gần 153,5 tỷ đồng tiền thuế cho tỉnh Champasak. Tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, quan tâm hỗ trợ địa phương, cụ thể xây dựng 50 căn nhà kiểu mẫu trị giá gần 5,5 tỷ đồng. Đường, điện, nước được mở rộng liên thông trong huyện, làm cho bộ mặt xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Hỗ trợ xây dựng một ngôi trường và bàn giao một ngôi chùa tại huyện Bachiang.

Ngoài ra, mỗi năm Công ty còn tặng học bổng, ủng hộ trường học tại Thủ đô Viên Chăn, trường học tại Pakse; vận động đoàn viên ủng hộ quỹ khuyến học cho con em học sinh người Việt tại Pakse do Tổng Lãnh sự quán tổ chức. Trong 15 năm qua, tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty liên tục quyên góp ủng hộ hai tỉnh Champasak, Atapư và các vùng bị lũ lụt ở Việt Nam.

“Là tập thể đoàn kết, nhất trí, tổ chức Đảng trong sạch, các tổ chức quần chúng vừng mạnh toàn diện, gắn bó yêu thương và luôn tôn trọng nhân dân Lào, được chính quyền và nhân dân các bộ tộc Lào ở địa phương tin yêu, quý trọng”- ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Công ty cho biết thêm.

(còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhịp cầu nối tình hữu nghị Việt-Lào - Bài 1: Nhiệm vụ trên đất bạn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO