Nhịp điệu Piềng Văn

Điền Bắc 24/10/2020 09:30

Về quê mới Piềng Văn, tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An người dân bản Nong Lanh thuộc vùng tái định cư thủy điện Hủa Na vẫn duy trì một không gian văn hoá, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Thái.

Người dân bản Piềng Văn đánh cồng chiêng trong dịp lễ hội.

Gặp chúng tôi trên đường lên xã, dù không quen biết nhưng với bản tính hiền hậu, mến khách, sau vài câu chuyện, ông Lô Đình Thi- Trưởng bản Nong Lanh đã niềm nở mời về nhà. Từ nhà Trưởng bản phóng tầm mắt có thể bao quát toàn cảnh Piềng Văn yên bình với những nếp nhà sàn trên mái khói bếp đang mơ màng nép mình dưới thung núi.

Bên chum rượu cần mời khách, Trưởng bản Thi phấn khởi cho biết: Năm 2011, bản Nong Lanh di dời từ núi cao xuống mường thấp, đổi tên là bản Piềng Văn. Toàn bản hiện có 39 hộ, 146 khẩu. Cuộc sống đã có nhiều thay đổi khi tại khu tái định cư có đầy đủ điện, đường, trường, trạm... đủ đầy hơn chỗ cũ. Nhờ đó, bản Piềng Văn vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Bởi trước khi rời bản xuống nơi ở mới, cả bản đã đồng lòng ra một quy ước giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa.

Về nơi ở mới, rút bài học từ những bản tái định cư trước, người bản Piềng Văn tự dựng nhà sàn truyền thống bằng gỗ cách điệu mái ngói đỏ tươi, kiên quyết không đồng ý với phương án ở nhà sàn xây dựng bằng bê tông. Với quy ước của bản, người dân quyết phục dựng, bảo tồn những nét văn hóa đã có bao đời của dân tộc, trong những buổi sinh hoạt, người già kể cho lớp trẻ nghe về tích truyện dựng bản lập mường bằng tiếng Thái. Các nhạc cụ cồng chiêng, pí lăng, khèn bè... các làn điệu dân ca khắp, lăm, nhuôn... được sưu tầm và được các nghệ nhân truyền dạy cho lớp trẻ. Trong những dịp lễ hội, các trò chơi dân gian như chọi gụ, bắn nỏ, đi cà kheo... được duy trì tổ chức. Dù làm gì, ở đâu, trong các dịp lễ, tết hay xuống chợ, làm nương, người phụ nữ Thái bản Piềng Văn vẫn mặc váy Thái truyền thống. Đến nay, Chi hội phụ nữ bản vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Chị Lô Thị Hồng Tâm- bản Piềng Văn cho biết: Ngay từ thuở thiếu thời, trong lúc nông nhàn, trên mỗi ngôi nhà sàn truyền thống các mế (bà, mẹ) lại truyền dạy cho con cách trồng bông, dệt vải, thêu khăn váy... Trang phục thể hiện sự khéo léo, tinh tế thông qua mỗi đường kim, mũi chỉ, mỗi hoa văn, họa tiết trên áo. Trước khi về nhà chồng các cô gái bản Piềng Văn sẽ sắm sửa cho mình một ít của hồi môn, trong đó không thể thiếu tấm phà, khăn, váy, áo thổ cẩm và đệm gối bông lau.

Cuộc sống tinh thần phong phú, ý thức cao trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Tuy nhiên theo tập quán lâu đời, đến nơi ở mới, trong vòng luẩn quẩn, người dân bản Piềng Văn vẫn kéo nhau vào rừng đốn củi, săn bắt động vật, chặt phá gỗ, đốt nương làm rẫy... Trước tình hình đó, Trưởng bản Thi nhiều đêm trằn trọc, trăn trở phải làm gì để thoát nghèo. Mỗi kỳ sinh hoạt bản, câu chuyện vẫn thường xuyên đề cập là làm sao để bà con nhanh chóng thoát nghèo. Nhưng câu chuyện ấy vẫn thường kéo dài suốt từ kỳ sinh hoạt này sang kỳ sinh hoạt khác, từ năm này sang năm khác. Cuối cùng Trưởng bản và các già làng họp bàn bạc đi đến kết luận phải xây dựng quy ước, hương ước để người dân ký cam kết. Hộ nào vi phạm sẽ bị nêu tên và nộp phạt.

Thực hiện nghiêm túc bản cam kết, sau 3 năm di dời, bản Piềng Văn đã bản đáp ứng đủ 5 tiêu chí để được công nhận bản văn hóa. Những tập tục lạc hậu trong việc cưới việc tang không còn, các gia đình trong bản đều thực hiện theo nếp sống mới, không thách cưới cao, không để đám tang quá 24 tiếng. 100% gia đình trong bản có công trình hợp vệ sinh, vệ sinh xung quanh làng bản và thực hiện di dời chuồng trại ra khỏi sân nhà. Người dân khi ốm đau đều đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh, phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ, trẻ em được tiêm phòng đầy đủ... Trong bản, mỗi khi nhà ai có việc hệ trọng là bà con lại đến thăm hỏi, chia sẻ và giúp đỡ bằng vật chất. Mỗi bó củi, bát gạo, cân thịt dù nhỏ bé nhưng thể hiện sự thương yêu, đùm bọc của người dân bản Piềng Văn và làm tăng tính cố kết cộng đồng. Do vậy, người dân bản không sa vào tệ nạn xã hội, không vi phạm lâm luật như khai thác lâm sản trái phép, không phát rừng làm rẫy trái quy định...

Để phát triển kinh tế, bản xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là trọng tâm, then chốt. Nhờ được nhà nước hỗ trợ tiếp thu khoa học kỹ thuật trồng các loại cây, chăn nuôi, cán bộ và nhân dân bản Piềng Văn đã tích cực lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo bản giảm từ 52,28% xuống còn 35,89%. Nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu có ông Hà Văn Tiến, ông Lô Hồng Ngân, ông Lô Văn Vinh, chị Lang Thị Tuyết.... Với những nỗ lực trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc, ngày 25/4/2014 bản Piềng Văn là một trong những bản tái định cư đầu tiên của Thủy điện Hủa Na được công nhận là bản làng văn hóa, là một trong những bản văn hóa đầu tiên của khu tái định cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhịp điệu Piềng Văn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO