Nhức nhối nạn khai thác khoáng sản trái phép

Điền Bắc 11/12/2021 06:20

Cử tri nhiều địa phương tại các huyện như Quỳ Hợp, Đô Lương, Tân Kỳ, Thanh Chương (Nghệ An) liên tiếp phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng cuộc sống của họ. Vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép trở thành vấn đề “nóng” tại kỳ họp thứ IV, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra cách đây ít ngày.

Xử lý nhưng chưa quyết liệt

Lĩnh vực khai thác khoáng sản, trong thời gian qua được người dân, dư luận nhắc đến rất nhiều. Từ đá trắng đến đất, cát, mỗi loại khoáng sản đều có hệ lụy nhất định. Dù đã có nhiều chỉ đạo xử lý quyết liệt vấn nạn này, nhưng nhìn chung tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là một số loại khoáng sản phổ biến như: đất san lấp, cát sỏi lòng sông, quặng thiếc, đá trắng.

Cụ thể, tại xã Đại Đồng (huyện Thanh Chương), khoảng gần 1 tháng gần đây, người dân liên tục phản ánh tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép… khiến dòng sông bị thay đổi, mất đất sản xuất. Trong khi đó, chính quyền sở tại thờ ơ, trốn tránh trách nhiệm.

Tại thôn Văn Thượng, xã Đại Đồng dù đã nhắc nhở, cảnh báo, nhưng bến thủy nội địa của gia đình ông Phạm Viết Lý vẫn ngang nhiên tồn tại dù sai quy hoạch; không có giấy phép; xây nhà kiên cố trái phép; cát, sỏi không có hóa đơn chứng từ…

Thậm chí, để qua mặt cơ quan chức năng, tàu hút cát của ông Lý luôn khai thác vào khoảng thời gian từ 3-4 giờ sáng. “Bến cát ông Lý trước là một vườn keo, không hiểu sao thời gian gần đây ông Lý tiến hành xây dựng nên một bến thủy nội địa mà không thấy cơ quan chức năng xử lý. Không những vậy, cách đây khoảng 20 ngày, ông Lý còn cho xây dựng nhiều hạng mục kiên cố trên diện tích này, xã có đến kiểm tra nhưng không bị tháo dỡ” - ông T., người dân trú tại thôn Văn Thượng cho biết.

Nói về bến cát trái phép này, ông Lưu Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng thừa nhận, đúng như cử tri phản ánh. Tuy nhiên, khi phát hiện sự việc, chính quyền xã, huyện đã kiểm tra, xử lý, lập biên bản, buộc dừng tập kết cát trái phép cũng như cấm thay đổi hiện trạng khu đất. Song, khi chúng tôi cung cấp hình ảnh, chủ bến cát này ngang nhiên xây dựng nhà kiên cố, thậm chí cho tàu hút cát lúc 4 giờ sáng, ông Hòa cho biết “sẽ chỉ đạo kiểm tra và xử lý”.

Trước đó, vào tháng 10/2021 vừa qua, cũng tại huyện Thanh Chương, Công an huyện này đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã Thanh Tiên, Thanh Giang và thị trấn Thanh Chương bắt quả tang, lập biên bản xử lý các đối tượng khai thác cát, sỏi trên sông Lam trái phép. Tại thời điểm bị bắt giữ, các chủ của 4 sà lan đã không chứng minh được giấy tờ và thủ tục hợp lệ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ phương tiện và tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Hay như, vào tháng 7/2021 khi phát hiện trên địa phận xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên có hiện tượng khai thác cát trái phép, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an huyện Hưng Nguyên triển khai vây bắt. Sau đó, 3 đối tượng cùng trú xã Xuân Lam cùng 2 thuyền vỏ sắt và gần 100 m3 cát bị bắt giữ.

Ông Lý xây dựng nhiều hạng mục kiên cố nhưng chính quyền sở tại không xử lý.

“Không dung túng, bao che”

Vấn nạn khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra trong thời gian qua trở thành vấn đề nóng tại kỳ họp thứ IV, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII. Theo đó, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về công tác cấp phép, khai thác, quản lý khoáng sản trên địa bàn còn nhiều bất cập hay chống thất thu thuế…; đặc biệt là tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra hết sức phức tạp trên các dòng sông ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy.

Tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, ông Thái Thanh Quý nhấn mạnh: “Kiên quyết, quyết liệt, không dung túng, không khuất tất, không bao che cho việc khai thác khoáng sản trái phép…, làm hỏng hạ tầng, không đảm bảo quy định về môi trường”. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng đề nghị UBND tỉnh, các ngành, các cấp liên quan thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Cũng tại kỳ họp này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An cho biết: Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 254 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, trong đó có: 61 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; 193 giấy phép do UBND tỉnh cấp. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ nhiều phương tiện, tang vật vi phạm, khởi tố nhiều vụ án, bị can.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, Công an tỉnh Nghệ An và các đơn vị, địa phương đã tổ chức hơn 1.000 lượt kiểm tra; phát hiện, xử lý 758 vụ; khởi tố 9 vụ, 11 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 748 vụ với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Còn theo Cục Thuế Nghệ An cho biết: Trong hoạt động quản lý thuế, khai thác khoáng sản trên địa bàn, Cục Thuế hiện quản lý 294 tổ chức doanh nghiệp có khai thác khoáng sản và nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường. Năm 2020 đã nộp 869 tỷ đồng, riêng 11 tháng năm 2021 đã nộp 1.125 tỷ đồng, bằng gần 8% tổng thu ngân sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhức nhối nạn khai thác khoáng sản trái phép

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO