Nhức nhối nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản

LÊ ANH 14/06/2022 07:49

Giả danh Cảnh sát giao thông (CSGT) thông báo “phạt nguội”; làm giả căn cước công dân để lừa rút tiền từ ngân hàng, thậm chí lập nhóm chát riêng để lừa đảo với các tính chất, mức độ có tổ chức tinh vi,…là những hình thức tội phạm vừa nổi lên. Mới đây cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh và một số địa phương đã thông tin cảnh báo đến cá nhân, tổ chức và người dân trên địa bàn.

Cảnh sát giao thông TP HCM khẳng định, chỉ gửi phiếu báo và thông báo đến người vi phạm giao thông bằng thư gửi bảo đảm qua đường bưu điện. Ảnh: PC08

Đánh vào “lòng tham”

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động phức tạp trong giai đoạn TP HCM căng mình chống chọi với dịch bệnh Covid-19 từ tháng 5 đến giữa tháng 9/2021, với các vụ việc được Công an TP HCM khám phá, triệt phá. Trong đó, chỉ tính riêng nạn lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội, cơ quan điều tra đã khởi tố 2 vụ án với 3 bị can và hiện vẫn đang tiếp tục xác minh một số vụ việc vừa được người dân trình báo.

Khi TP HCM trở lại trạng thái “bình thường mới” (kể từ tháng 10/2021) chưa được bao lâu thì thời gian gần đây, nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục nổi lên với nhiều chiêu trò tinh vi, lợi dụng thời điểm kinh tế khó khăn, giá cả lạm phát để đánh vào “lòng tham” của nạn nhân.

Thông tin với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, một cán bộ thuộc Công an TP Thủ Đức cho biết, cơ quan này vừa phát đi cảnh báo về 1 thủ đoạn lừa đảo mới được các đối tượng sử dụng để đánh vào “lòng tham” của nạn nhân. “Đối tượng lừa đảo dưới hình thức chiêu dụ người dùng mạng xã hội tải về ứng dụng trò chơi đổi thưởng, sau đó dụ dỗ đầu tư ngoại hối trên các sản giao dịch giả. Để lừa đảo trót lọt, người chơi được cho thắng vài lần đầu với lượng tiền nhỏ, rút được tiền về tài khoản. Sau đó, người chơi bị cuốn hút với các lệnh vào tiền lớn hơn. Thực tế, sau khi nộp tiền xong sẽ không rút được bất kỳ khoản nào nữa” - vị cán bộ này cho biết.

Không chỉ hoạt động trên địa bàn TP Thủ Đức, Công an phường Tân Thới Nhất (quận 12, TP HCM) mới đây thông tin có 3 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới mức độ tinh vi, có tổ chức, với số tiền các nạn nhân bị lừa đảo lên tới nhiều tỷ đồng.

Cụ thể, mới đây chị H. trình báo với công an vụ việc quen biết một tài khoản facebook “Việc làm Shopee Mall” xưng tên là Tài. Đối tượng trao đổi nội dung công việc nếu thanh toán trước các sản phẩm trên Shopee Mall và đánh giá sản phẩm tốt thì chị H. sẽ hoàn lại tiền đã thanh toán và chiết khấu từ 7-10% tùy sản phẩm. Tin là thật nên chị H. đã sử dụng tài khoản ngân hàng của mình chuyển tiền bằng hình thức Internet banking, với nhiều lần chuyển tiền cho Tài với hi vọng được hoàn lại tiền kèm theo “khuyến mãi” cộng thêm số tiền được chiết khấu từ 7-10%... Trình báo với cơ quan công an, chị H. cho biết, đã bị lừa chuyển tổng cộng 7 lần với tổng số tiền bị lừa không rút lại được là 139.238.000 đồng. Dù chị H. nhiều lần liên hệ yêu cầu được hoàn lại tiền thì đối tượng tên Tài đã khóa Zalo, điện thoại không liên lạc được.

Công an quận Tân Bình, TPHCM cho biết một vụ lừa đảo có tổ chức rất tinh vi mới đây liên quan đến 1 nhóm Telegram có tên “Richard Về Bờ An Toàn” do đối tượng Richard Hiệp làm chủ nhóm. Nạn nhân là chị D. cho biết, đã tham gia nhóm này và đầu tư một loại hình tiền điện tử là USDT trên sàn VISTA. Qua trao đổi, chị D. có nhờ Richard Hiệp đầu tư sinh lời cho mình, Richard Hiệp đồng ý và yêu cầu chị D. chuyển số tiền 96 triệu đồng để đầu tư. Nghe lời chiêu dụ, chị D. sử dụng tài khoản ngân hàng chuyển tiền bằng hình thức internet banking. Sau khi chuyển tiền thành công, Richard Hiệp và một số đối tượng cầm đầu nhóm đã chủ động chặn chị D. trên mạng xã hội Telegram, chặn số điện thoại của chị D,… Nhận thấy bị lừa khoản tiền lớn của mình nên chị D. đến Công an quận Tân Bình trình báo.

Thông tin với phóng viên, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP HCM cho biết, người dân cần đặc biệt lưu ý vì mới đây PC08 phát hiện nhóm đối tượng lừa đảo rất tinh vi, lợi dụng danh nghĩa CSGT để lừa người vi phạm giao thông đóng tiền “phạt nguội”. “CSGT TP HCM không gọi điện thoại, nhắn tin thông báo "phạt nguội", mà chỉ gửi phiếu báo xác định hành vi vi phạm kèm thông báo đến người vi phạm bằng thư gửi bảo đảm qua đường bưu điện” - đại diện PC08 cho biết, đồng thời cảnh báo người dân hết sức cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại liên quan đến vụ việc vi phạm giao thông. Tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, số CMND/CCCD, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email...) cho bất kỳ ai.

Cần bảo mật thông tin trước người lạ

Theo Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang - Phó Giám đốc Công an TP HCM, mỗi người dân cần tự trang bị các kiến thức pháp luật cùng với ý thức cảnh giác cao để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Theo quy định của ngành, lực lượng công an không làm việc qua điện thoại cũng như không gửi tin nhắn, đường link, cũng không yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng qua điện thoại. Do đó, mỗi người dân cần tự bảo mật thông tin cá nhân và không cung cấp cho bất kỳ đối tượng nào tự xưng là công an, kiểm sát viên, nhân viên ngân hàng hay cơ quan chức năng liên hệ qua điện thoại di động hoặc mạng xã hội.

Trong khi đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an TP HCM cho biết, vừa qua đã phát hiện nhiều vụ việc giả công an, giả cả website của Bộ Công an với mục đích lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, PC08 thuộc Công an TP HCM cũng đang sử dụng Hệ thống camera quan sát giao thông của thành phố để minh bạch hóa quá trình xử lý các vi phạm giao thông, tránh các trường hợp giả danh CSGT để liên hệ người dân lừa đảo đóng tiền “phạt nguội”. “Khi phát hiện hành vi vi phạm, CSGT sẽ ghi lại và thông báo cho tổ CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên tuyến để thực hiện dừng phương tiện, kiểm soát và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật” - đại diện PC08 cho biết.

Đối với nạn lừa đảo đầu tư vào các sàn giao dịch giả mạo hoặc trò chơi trúng thưởng đang phát sinh phức tạp trên địa bàn, đại diện Công an TP Thủ Đức cũng khuyến cáo đến người dân, trước hết cần nâng cao cảnh giác trước những đối tượng lạ mặt hoặc tài khoản chỉ quen biết qua mạng xã hội để tránh “tiền mất tật mang”. Công an TP Thủ Đức khẳng định, hiện nay các sàn giao dịch tiền điện tử chưa được cấp phép trong nước, bao gồm cả các ứng dụng trò chơi trúng thưởng và các sàn giao dịch giả mạo khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhức nhối nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO