Nhức nhối nợ thuế

HỒ LUÂN 08/07/2015 22:51

Chỉ trong hai ngày liên tiếp 2 tỉnh - thành lớn nhất của cả nước chủ động công bố danh sách gần 100 doanh nghiệp (DN) nợ thuế với tổng số tiền lên đến gần 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng về khoản nợ thuế của DN trên cả nước.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, đầu năm 2014 con số nợ thuế ước khoảng 45.000 tỷ đồng, số nợ thuế khó đòi chiếm tới 14%, tương đương 6.180 tỷ đồng. Đại diện ngành thuế còn cho biết, nhiều DN giải thể và ngưng hoạt động vẫn nợ tiền thuế, chiếm 50% tổng số nợ khó thu. Bước sang năm 2015, tình hình nợ thuế của DN không có gì sáng sủa hơn, thậm chí các kiểu nợ còn gia tăng mạnh. Bởi vì theo lãnh đạo Bộ Tài chính, tổng số tiền DN nợ thuế lên đến 72.000 tỷ đồng.

Nợ thuế tăng cao, khó đòi buộc cơ quan quản lý phải công bố danh sách DN nợ thuế nhằm “bạch hóa” DN. Song từ vấn đề này cho thấy tình hình kinh doanh của DN còn khó khăn, thứ hai chính là sự lỏng lẻo, yếu kém trong khâu quản lý thuế của các cơ quan liên quan. Nói về nguyên nhân của nợ thuế, bản thân lãnh đạo Cục Thuế các tỉnh thừa nhận, tình hình tài chính eo hẹp DN không đủ khả năng thanh toán thuế. Đơn cử, đối với lĩnh vực bất động sản mấy năm trở lại đây thị trường “đóng băng” hoàn toàn, giao dịch không có, DN cạn kiệt nguồn thu rút cuộc một số DN đành “cố thủ” bằng cách chây ỳ trách nhiệm. Bên cạnh những DN thật sự gặp khó khăn nợ đọng thuế kéo dài thì có tình trạng DN cố tình trốn thuế. Thậm chí, DN xin giấy phép tham gia sản xuất kinh doanh một thời gian sau rồi chủ động giải thể với lý do kinh doanh thất bại cùng một đống nợ với ngành thuế và tiếp tục thành lập công ty mới. Giải thể kinh doanh không chỉ đơn thuần là đóng cửa DN, hệ lụy của việc này kéo theo một lượng lớn nợ xấu, nợ khó đòi tồn đọng.

Nợ khó đòi trong lĩnh vực thuế kéo dài và tăng cao ảnh hưởng lớn đến nguồn thu chung của cả nước, song “bêu người phải ngẫm đến ta”. Rõ ràng, bất cập ở đây phần lớn thuộc ngành thuế, bởi không có lý do gì ngành này lại để số nợ thuế của hàng loạt DN lên hàng chục nghìn tỷ đồng. Bản thân ngành thuế không có biện pháp chặn đứng ngay từ đầu, cho nên số nợ thuế mới trượt dài đến mấy chục ngàn tỷ. Luật quy định nhiều biện pháp xử lý DN cố tình vi phạm thuế như: phạt chậm nộp, cấm lãnh đạo xuất cảnh, ghim hàng không cho xuất – nhập, xử lý hình sự… Nghĩa là, ngành thuế phải phối hợp với các cơ quan liên quan khác đưa ra những giải pháp siết chặt hữu hiệu để DN chủ động nộp thuế, thay vì “bêu tên” và dồn DN vào thế bí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhức nhối nợ thuế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO