Những bài báo viết trong tâm bão

HẠNH NGUYÊN - HỮU CHÍNH 25/01/2022 10:00

Phóng viên thường trú của Báo Đại Đoàn Kết ở vùng “mưa úng đất, nắng nẻ trời” (Hà Tĩnh, Quảng Bình), mỗi khi bão, lũ xảy đến họ lại phải “chiến đấu” như những chiến binh thời chiến. Sống ở tâm bão, lũ đã tôi luyện họ trở thành những cây bút dũng cảm, gai góc nhưng đong đầy nghĩa tình và khát khao vươn lên.

Nhà báo Hạnh Nguyên (ngoài cùng bên trái) trong một lần tác nghiệp ở tâm lũ huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: Bùi Ngân.

Tác nghiệp ở tâm bão Doksur

Nhận được thông tin, 10 giờ ngày 15/9/2017, bão Doksuri - cơn bão được nhận định có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây - sẽ trực tiếp đổ bộ vào Hà Tĩnh, tôi (nhà báo Hạnh Nguyên) quyết định lao vào xã biển Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) “đón bão”.

8 giờ ngày 15/9/2017, sau khi gửi đứa con mới 3 tuổi về quê, tôi xách theo ba lô gồm điện thoại, máy tính, máy ảnh và vài bộ quần áo, cùng 3 đồng nghiệp nữa lên đường. Những trận cuồng phong liên tiếp kéo đến, cảnh tượng trước mắt hết sức hãi hùng, gió tốc mạnh, cây cối xơ xác…

9 giờ cùng ngày, có mặt tại xã Cẩm Nhượng, chúng tôi chọn khách sạn Sông La làm điểm dừng để đón bão. Khách sạn nằm sát bờ biển. Đề phòng bão cuốn, chủ khách sạn phải thuê người tháo dỡ hết cánh cửa sổ và đập thông một số mảng tường phía cửa biển để dọn đường cho bão đi. “Nếu không làm thế này, gặp phải luồng gió, có khi nó tốc bay cả tòa nhà” - một người được thuê phá dỡ khách sạn nói.

10h, gió bắt đầu giật mạnh kèm theo mưa lớn, cây cối rung lắc dữ dội, sóng biển dồi lên cao ngút rồi tấp vào bờ, ước chừng bước sóng cao từ 10-15m, tiếng cây đổ, mái tôn, biển quảng cáo…của các nhà hàng trên bờ biển Thiên Cầm bay sàn sạt.

Chúng tôi nấp vào những điểm trọng yếu quay lại cảnh tượng bão đổ bộ. Để có hình ảnh thuyết phục nhất. Chúng tôi thống nhất sẽ di chuyển ra vị trí gần kè biển để tác nghiệp.

Bước chân ra nhưng những đợt gió quật thẳng vào người, sức gió mạnh đến mức tôi có cảm giác, chỉ cần mình thả tay khỏi điểm bám thì cả người bị nhấc nổi theo chiều gió. Tôi lần từng bước một, bám chặt bờ tường. 10 phút vật lộn với sức gió khủng khiếp, chúng tôi cũng đã đến được vị trí sau tấm bia đá ghi dòng chữ “xã Cẩm Nhượng”, và cùng nấp tại đây để tác nghiệp.

Trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên, con người trở nên nhỏ bé. Đang tác nghiệp, bất ngờ, một thanh gỗ từ đâu theo luồng gió lao tới với tốc độ chóng mặt, nó vụt bay qua đầu, chỉ cần lệch vài cm là tôi đã bị thanh gỗ phang thẳng vào mặt. Chưa bao giờ tôi có cảm giác khiếp sợ như lúc này. Sau khi có những hình ảnh chân thực ở “mắt bão”, chúng tôi quay lại khách sạn Sông La để gửi thông tin về tòa soạn.

11 giờ trưa, ngay sau khi về đến điểm trú, người ướt sũng. Lúc này, điện không có, sóng 3G chập chờn, việc chuyển tải hình ảnh, dữ liệu đến tòa soạn gặp rất nhiều khó khăn. Không thể mở máy tính viết bài, tôi phải nhắn qua phần mềm Messenger cho Trưởng văn phòng thường trú Bắc Trung bộ. Từ những hình ảnh, thông tin hiếm hoi do tôi gửi đến, 11h25 cùng ngày, bài viết: “Tường thuật từ tâm bão Hà Tĩnh” được xuất bản trên báo điện tử daidoanket.vn. Video về siêu bão Doksuri cũng được đăng tải.

12 giờ trưa, gió vẫn rít rất mạnh, cả dãy nhà hàng ven biển đã bị tốc mái, cây cối gãy, đổ ngổn ngang. Từ sảnh khách sạn Sông La, tôi khiếp đảm khi nhìn thấy chiếc cột trụ bê tông của nhà hàng đối diện bị gió thổi tốc lên cao rồi rơi xuống gãy đôi. Tận mắt chứng kiến những hình ảnh đó, mới thấy được sức tàn phá của siêu bão Doksuri khủng khiếp đến mức nào.

13 giờ, một người đàn ông ướt sũng lao thẳng xe máy vào giữa sảnh khách sạn nói lớn: “Tuyến kè chắn sóng thôn Hải Nam (xã Cẩm Nhượng) bị sóng đánh vỡ, nước biển đã tràn vào nhà, ngập hết cả rồi”. Người này vừa dứt lời, khoảng 7 người trú ẩn trong khách sạn đang ngồi co ro trên ghế bỗng đứng phắt dậy, chạy ra phía cửa, khuôn mặt hoảng hốt, lo âu. Không chần chừ, chúng tôi thu dọn đồ đạc, ra xe, quyết định di chuyển đến thôn Hải Nam để ghi lại những hình ảnh thiệt hại đầu tiên của siêu bão Doksuri.

Thảm cảnh diễn ra trước mắt chúng tôi, cây cối, nhà cửa bị gió bão, sóng biển cuốn đổ ngổn ngang. Ngồi trên xe nhưng vẫn nghe tiếng gió rít từng hồi, tôi có cảm giác chỉ cần 1 sơ sẩy nhỏ cũng có thể khiến chiếc xe bị gió nhấc bổng. Giao thông tê liệt, không thể tiếp cận hiện trường tuyến kè bị vỡ, chúng tôi quyết định vòng sang đường khác, đi thẳng về phía xã Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên) để ghi nhận những thiệt hại ban đầu.

15 giờ 30 chiều, bão tan, gió lặng dần, mưa ngớt hạt. Trở lại thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng, cảnh tượng hoang tàn, xơ xác. Tôi tiếp tục hành trình tác nghiệp thiệt hại sau bão. Trước khi bão Doksuri xảy ra đến cuối tháng 9/2017, hàng chục tin, bài về siêu bão Doksuri được chuyển tải đến bạn đọc với những hình ảnh, thông tin chân thực nhất.

9 năm công tác tại Báo Đại Đoàn Kết, là phóng viên thường trú tại Hà Tĩnh, tôi đã trải qua không biết bao nhiêu trận bão, lũ như thế.

Nhà báo Lê Hữu Chính cứu người trong lũ. Ảnh: Xuân Thi.

Phóng viên trở thành người cứu hộ

Vùng đất Quảng Bình, trái tim của du lịch miền Trung, nơi có những thắng cảnh nổi tiếng như hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới; động Phong Nha; biển Nhật Lệ… đã lôi cuốn hàng triệu bước chân tìm đến để khám phá, trải nghiệm. Tuy nhiên, bên cạnh sự ưu đãi, ban tặng nhiều kỳ thú từ thiên nhiên, Quảng Bình cũng là địa phương thường xuyên gồng mình trước sự tàn phá của thiên tai.

Tôi (nhà báo Lê Hữu Chính) lớn lên bên dòng Long Đại, nơi vùng đất “Hạc Hải vi nghiên” nên chứng kiến cảnh người làng vượt khó, giúp nhau qua mỗi mùa bão, lũ. Với tôi, bão, lũ cũng góp phần hun đúc đức tính kiên cường, tự lực cánh sinh của người dân Quảng Bình bao đời nay. Thế nhưng, bão lũ cũng đã ghì chặt cuộc sống còn lắm khó khăn của con người quê tôi.

Và rồi, tôi bén duyên với nghề báo nên thường xuyên phải có mặt ở những vùng bão, lũ để ghi lại những thông tin kịp thời phục vụ độc giả. Chúng tôi thường rỉ tai nhau rằng “đi khó thì viết dễ” với hàm ý hãy về cơ sở, hãy vượt khó vượt khổ đi thực tế để kịp thời ghi lại những thông tin, chụp những bức ảnh thiết thực, ý nghĩa nhất.

Còn nhớ vào mùa lũ tháng 10/2020, mưa lớn không ngớt suốt ngày đêm khiến nước lũ lên nhanh, hàng vạn ngôi nhà dọc bờ sông Gianh, sông Nhật Lệ... ngập sâu trong nước. Bám sát cơ sở để có thông tin nhanh chóng gửi về tòa soạn, người viết phải xoay xở nhiều công đoạn về thu thập nguồn tin, ngay cả chuyện tìm địa điểm để viết bài, gửi ảnh và việc đường truyền Internet nhanh hay chậm cũng phải xử lý nhanh chóng. Giữa trời mưa tầm tã, nhiều đoạn đường bị ngập sâu, nếu không có kinh nghiệm, phóng viên sẽ bị mắc kẹt tại vùng lũ. Đó còn chưa kể, nếu không cẩn thận, sơ sẩy một chút là cả người và máy móc có thể rơi xuống nước lũ là chuyện thường…

Bám sát cơ sở để lấy thông tin viết bài, nhìn thấy cảnh chạy lũ của bà con khiến tôi chạnh lòng. Vì vậy, cùng với việc đảm bảo thông tin gửi về tòa soạn, tôi cũng chung tay hỗ trợ người dân vùng lũ lụt vượt qua khó khăn. Ngay mùa lũ năm 2020, tôi đã sử dụng số tiền tiết kiệm được để mua một chiếc đò nhôm chạy máy cole. Chiếc thuyền nhôm rộng 2,2m, chở trên 2 tấn hàng; được trang bị thêm áo phao, phao cứu hộ (loại tròn có dây), đèn pin...

Trong đêm nước lũ dâng cao, tôi cùng với nhóm bạn đã đi cứu hộ, di chuyển người dân ở các thôn ngập lụt đến nơi an toàn. Đến 21 giờ, mực nước lũ lên gần chạm mái nhà, tổ cứu hộ chúng tôi liên tiếp di chuyển 10 hộ dân tại thôn Xuân Dục 4 (xã Xuân Ninh) đến nơi an toàn. 23 giờ, chiếc thuyền nhôm vẫn tiếp tục có mặt ở thôn Lộc Long (xã Xuân Ninh) để di chuyển các hộ dân ngập lũ đến nơi cao ráo.

1 giờ sáng ngày 19/10, nước lũ vẫn tiếp tục lên cao, trên dòng nước bạc, chiếc thuyền nhôm nhanh chóng di chuyển các cụ già, người ốm đau giữa cơn mưa tầm tã. Lúc này, tại các xóm 5, 6 thôn Xuân Dục (xã Xuân Ninh), tiếng kêu cứu cứ liên tiếp, dồn dập. Sức người có hạn nhưng chiếc thuyền nhôm của chúng tôi vẫn liên tục di chuyển trong đêm.

Tôi nghĩ, trong hoàn cảnh khẩn cấp, giữa bốn bề nước lũ, người dân kêu cứu thì không phải riêng tôi - một người viết báo mà bất kỳ ai cũng hành động dấn thân như vậy thôi. Với tôi, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, cứu nạn cứu hộ hay từ thiện lúc này đều xuất phát từ cái tâm và tình người trong khó khăn, hoạn nạn.

Báo Đại Đoàn Kết trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành:

1/Tập Đoàn Novaland

2/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

3/ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam

4/ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt

5/ Ngân hàng NN và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank

6/ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank

7/ Ngân hàng Đầu tư và PT Việt Nam BIDV

8/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam

9/ Cty TNHH TM Dịch Vụ Tân Hiệp Phát.

10/ Cty Bất Động sản Thắng Lợi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những bài báo viết trong tâm bão

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO