Những bản tình ca trong cuộc sống đời thường – Bài cuối: Đến ngôi nhà tràn căng hạnh phúc

Giang Vương 22/07/2022 08:00

Tạm biệt Thái Bình, nơi cửa phật từ bi đón những cô gái Thanh niên xung phong một thời, chúng tôi tìm đến Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) - Nơi có những mạch sống tràn căng bởi sự đồng cảm, yêu thương để tình yêu đơm hoa, kết trái...

Bà Phương giúp đỡ chồng mình là Thương binh hạng 1/4 Nguyễn Hồng Tư.

Bình yên dưới những nếp nhà thứ 2

Sau cánh cổng mở rộng, thấp thoáng phía trong khuôn viên của Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Trung tâm), những dáng người xiêu vẹo nửa nằm, nửa ngồi trên chiếc xe lăn, đó là hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp tại đây.

Đón chúng tôi là bác sỹ Phạm Thị Pha - Phó trưởng phòng Y tế của Trung tâm bằng cái bắt tay thật chặt, vừa mời khách vào phòng, bác sỹ Pha vừa phân trần: Mấy ngày qua nắng nóng quá, cơn mưa rào sáng nay làm dịu mát nền nhiệt rất nhiều nên các bác, các chú tranh thủ ra hóng mát. Mấy ngày nay toàn nằm trong phòng vì nắng nóng.

Rồi bác sỹ Pha giới thiệu, 90% số thương binh tại Trung tâm bị vết thương cột sống, gây liệt nửa người, phải gắn phần đời còn lại của mình với chiếc xe lăn. Vừa dẫn chúng tôi đến thăm khu chăm sóc, bác sỹ Pha vừa cho biết: “Tại Trung tâm, người cao tuổi nhất là thương binh Đặng Bá Xuân, sinh năm 1930, quê Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Nay ông Xuân đã yếu, thường xuyên bị đau nhức hốc mắt do vết thương cũ tái phát nên ăn uống phải có người trợ giúp. Cũng may là có người nhà của ông cụ đến chăm sóc, cũng đỡ đi phần nào công việc cho những người phục vụ ở đây”.

Người trẻ nhất tại Trung tâm là Thượng úy Đinh Văn Dương, sinh năm 1983. Đây là người thương binh cách nay đúng 7 năm, Thượng úy Dương là người duy nhất còn sống trong vụ máy bay gặp nạn ở xã Bình Yên (Thạch Thất - Hà Nội) trong khi tập trận. 20 thành viên tham gia chuyến bay huấn luyện nhảy dù của Tiểu đoàn Đặc công số 18, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã hy sinh trong thời bình. Vụ tai nạn thảm khốc ấy đã làm cho anh Dương vĩnh viễn mất đi đôi chân, đôi bàn tay và toàn thân bỏng nặng, mất đi 99% sức khỏe.

Theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều những thương binh bị các vết thương tổng hợp như cụt 2 tay, chân, hỏng mắt. Nhiều người bị vết thương cột sống dẫn đến nửa người phía dưới bị teo cơ, liệt, không tự chủ được sinh hoạt đại, tiểu tiện. Ngoài ra họ còn mắc thêm bệnh tiểu đường, huyết áp cao, suy thận, viên gan B….

Trong số đó vất vả nhất là sự chăm sóc đối với thương binh hạng 1/4 Lê Văn Yên. “Chú Yên quê ở Hưng Yên, không có vợ, chỉ có mẹ già ở quê. Chú về Trung tâm đã hơn 20 năm rồi nhưng 17 năm qua chú phải chạy thận” - bác sỹ Pha cho biết.

Ngoài là thương binh bị liệt, đi lại rất khó khăn, ông Yên còn bị suy thận, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Quân y 103. “Trước đây, chú ấy điều trị ngoại trú thì các ngày thứ 2 - 4 và 6 trong tuần là phải đưa chú lên để chạy thận, xong lại đưa về. Sau này, khi Bệnh viện cho chú được điều trị nội trú thì cứ mỗi thứ 5 hàng tuần, cán bộ Trung tâm lại cắt cử nhau lên viện chăm sóc” - bác sỹ Pha chia sẻ.

Trong khuôn viên sân, thỉnh thoảng lại bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ đẩy xe lăn cho bố, cho ông đi dạo.

Hạnh phúc đã nảy mầm từ những điều bình dị nhất

Trong căn phòng rộng gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách và 1 phòng bếp của vợ chồng ông Nguyễn Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Thanh Phương mà chúng tôi ghé thăm được trang bị khá đầy đủ từ quạt, điều hòa, tivi, tủ quần áo và bàn ăn, ông Tư còn dành riêng một phần của căn phòng để sửa điện tử. “Mấy năm trước tôi còn dạy thêm cho những thanh niên ở trong xóm nghề sửa chữa điện tử, hai năm nay người yếu hơn rồi nên ai nhờ thì mình sửa thôi” - ông Tư giới thiệu.

Ông Tư sinh năm 1955 quê Đoan Hùng, Phú Thọ. Tháng 2/1975 ông tòng quân và được biên chế vào đơn vị C15, E48, F320 thuộc Quân đoàn 3 để tham gia chiến đấu tại mặt trận phía Nam. Tháng 6/1979, ông bị thương trong đợt rà phá bom mìn với thương tật 1/4, liệt 2 chân.

Còn với người vợ đầu ấp tay gối của ông Tư là bà Nguyễn Thị Thanh Phương. Bà Phương là người Khoái Châu, Hưng Yên, là người phục vụ, giúp đỡ những thương binh đang an dưỡng và điều trị tại Trung tâm này. “Năm 1981, tôi được tuyển vào Trung tâm để chăm sóc Thương binh, công việc là phục vụ, giúp đỡ những người bị thương tật trở về” - bà Phương nói.

Hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, rồi hàng năm chăm sóc cho ông Tư, sự chia sẻ từ bàn tay người phụ nữ cứ lớn dần lên. “Đến một ngày, anh ấy nắm tay tôi và nói: Bà cưới tôi nhé. Tôi tàn nhưng không phế, tôi vẫn còn đôi tay để sửa chữa điện tử kiếm kế sinh nhai” - bà Phương nhớ lại.

“Ban đầu, bố mẹ vợ tôi cũng ngăn cản, nhưng thấy tình cảm của chúng tôi đến với nhau là thật nên các cụ cũng nguôi ngoai” - ông Tư kể. Và năm 1994, một đám cưới nhỏ được tổ chức trong chính khuôn viên của Trung tâm này. Đến 6 năm sau cậu nhóc của vợ chồng Tư - Phương chào đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của 2 vợ chồng và của cả những người ở Trung tâm.

“Hiện tại, cháu đã xây dựng gia đình và có hai cháu rồi. Cháu đang làm việc ở Hà Nội và cứ mỗi cuối tuần lại đưa sắp nhỏ về chơi với ông bà” - bà Phương hạnh phúc chia sẻ.

Ngoài cặp vợ chồng Tư - Phương, ở Trung tâm này, còn có thương binh Nguyễn Văn Yểng (quê Hà Nội) vợ là Nguyễn Thị Lịch; Thương binh Ngô Văn Thịnh và vợ là Nguyễn Thị Bình hay Thương binh Nguyễn Văn Phức với cô Nguyễn Thị Hà… Tất cả những người vợ trên đều là người hộ lý, giúp việc ở Trung tâm.

Chúng tôi rời Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành dưới ráng chiều dần buông, ở góc sân nhỏ tiếng trẻ nô đùa gọi bạn. Đó là những đứa trẻ của những gia đình có bố là thương binh và mẹ là những người chăm sóc, phục vụ ở trung tâm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những bản tình ca trong cuộc sống đời thường – Bài cuối: Đến ngôi nhà tràn căng hạnh phúc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO