Những ‘bệnh nhân’ cần trợ thở

T.Hằng 03/08/2021 06:51

“Ngành hàng không đang là những “bệnh nhân” cần trợ thở. Nếu không được xử lý sẽ tạo ra chi phí tái cấu trúc nặng nề cho ngành này trong tương lai”, đó là nhận định của giới chuyên gia tại Toạ đàm trực tuyến “Giải pháp cấp bách về vốn để giữ cánh cho hàng không Việt Nam” diễn ra sáng 2/8 tại Hà Nội.

90% máy bay nằm tại sân bay mùa cao điểm.

90% máy bay nằm tại sân bay mùa cao điểm

TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho biết, dịch bệnh khiến doanh thu ngành hàng không giảm sút nghiêm trọng: 80-90% máy bay của ngành nằm tại sân bay trong mùa cao điểm; doanh thu của ngành chỉ đạt 10-20%; vận chuyển hành khách năm 2020 giảm gần 50% so với năm 2019.

Báo cáo số liệu 6 tháng đầu năm 2021 cho biết, điều hành bay giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam mới chỉ đạt 13,5 triệu hành khách, giảm khoảng 14,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó vận chuyển quốc tế đang “đóng băng” nên chỉ đạt 76 nghìn khách, giảm 97,2% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài các DN hàng không, toàn bộ các DN hoạt động liên quan đến dây chuyền vận tải hàng không đều bị ảnh hưởng rất lớn như dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ thương mại mặt đất…

Ông Bùi Doãn Nề cho biết, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày. Trong khi đó, ông Nguyễn Sĩ Hưng, Chủ tịch Vietnam Airlines than thở, chưa bao giờ thấy Vietnam Airlines gặp khó như bây giờ. Theo ông Hưng, nếu không tìm cách hỗ trợ, để các hãng hàng không rơi vào trạng thái phá sản thì hậu quả rất khó lường.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, rất khó đoán định khi nào đại dịch sẽ kết thúc. Do đó, khó khăn vẫn lơ lửng trên đầu doanh nghiệp. Ngành hàng không đang là những “con bệnh cần trợ thở”. Nếu không được hỗ trợ, các DN trong ngành sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, thậm chí dẫn đến tình trạng kiệt quệ tài chính.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép giảm thuế bảo vệ môi trường, áp dụng mức giảm 70% cho các hãng hàng không đến ngày 30/6/2022. Bên cạnh đó, Nhà nước nên tiếp tục giảm giá, phí dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phục vụ ngành hàng không từ nay đến hết năm 2022”, TS Bùi Doãn Nề đề xuất.

Ngành hàng không phải thực sự nỗ lực

Giải cứu ngành hàng không là câu chuyện quan trọng và cấp bách. Nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm khẳng định như vậy. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là giải cứu như thế nào cho hợp lý? Để có thể có các chính sách ưu tiên về vốn, việc giải cứu cần vượt qua định kiến “Dùng tiền thuế của dân để giải cứu một định chế thị trường”?

Điều này bắt buộc nhà lập pháp cần vượt qua một số rào cản về chính trị và pháp lý. Cụ thể, Quốc hội cần cho phép Ngân hàng nhà nước lưu động dòng tiền tới các ngân hàng tư nhân, rồi cho các hãng hàng không tư nhân cho vay. Chưa kể vấn đề giải cứu, ngành hàng không cũng cần đặt trong tổng thể ngân sách và nền tài chính quốc gia.

Nếu so sánh con số 12.000 tỷ hỗ trợ Vietnam Airlines với 26.000 tỷ đồng Bộ Tài chính đề xuất hỗ trợ cộng đồng DN, rõ ràng ngành hàng không được ưu ái rất lớn. Hiện Vietnam Airlines đã được nhận 4000 tỷ đồng khẩn cấp, 8000 tỷ còn lại thông qua việc tái cấp vốn.

“Các hãng hàng không tư nhân muốn được hỗ trợ đã thỏa mãn các điều kiện như tự cân đối tài chính (cắt giảm chi phí, giảm lương), bán bớt các tài sản, thoái vốn một số công ty con hay chưa?”, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề. Còn với hãng bay đặc biệt là Vietnam Airlines cần phải có kế hoạch cắt giảm nhân sự.

Phải chứng minh cho xã hội thấy rằng ngành hàng không cũng đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động và triển vọng dài hạn. Đây là cơ hội để các hãng bay thực hiện tái cấu trúc, tối ưu hóa bộ máy nhân sự. Từ đó khẳng định ngành hàng không xứng đáng nhận được hỗ trợ và giải cứu.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đề xuất, cần xác định việc hỗ trợ ngành hàng không vượt qua khủng hoảng Covid-19 là trường hợp khách quan, bất khả kháng, để từ đó áp dụng các chính sách, biện pháp vừa linh hoạt, đúng quy định pháp luật, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp trong ngành.

“Chính phủ xem xét, có phương án hỗ trợ phù hợp, khả thi đối với các hãng hàng không tư nhân (cho vay hỗ trợ lãi suất khoảng 3-4%/năm so với vay thương mại), thời hạn vay vốn từ 1-2 năm. Đồng thời giảm một số thuế, phí phù hợp ngoài các hỗ trợ đang thực hiện”, ông Lực nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những ‘bệnh nhân’ cần trợ thở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO