Những căn nhà không ánh sáng dưới chân thủy điện

Điền Bắc 24/08/2022 09:32

Mặc dù, trên địa bàn có nhiều công trình thủy điện nhưng hàng chục năm nay, người dân 4 bản của xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vẫn không có điện lưới để sử dụng. Để có nguồn sáng, hàng chục hộ dân nơi đây vẫn phải ra suối đặt máy phát điện nhỏ để sử dụng hoặc thắp bằng đèn dầu. Nghịch lý ấy diễn ra năm này sang năm khác.

Chưa có điện lưới, người dân xã Tà Cạ, vẫn phải dùng tuabin điện phát từ khe suối để thắp sáng.

Thiết bị điện “đắp chiếu”

Cách thị trấn huyện gần 15km, xã Tà Cạ nằm sát biên giới Việt - Lào, để vào xã phải vượt qua nhiều đường đất lầy lội, qua nhiều khe suối. Trong nhiều năm qua, cái nghèo, cái khó vẫn đeo đẳng bà con dân tộc nơi đây. Bởi, dù sống cạnh thủy điện nhưng nhiều năm qua người dân vẫn thiếu ánh sáng của điện lưới. Do vậy, nơi đây, được mệnh danh “những căn nhà không ánh sáng”.

Xã Tà Cạ có 4 bản gồm Sa Vang, Nhạn Lỳ, Na Nhu và Xốp Khăm, đây là những bản khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn với 100% là bà con dân tộc Khơ Mú. Hiện cả 4 bản nghèo ở đây vẫn chưa có điện lưới dù cho nhiều năm qua sống ngay cạnh 3 nhà máy thủy điện như Bản Cánh, Nậm Mô, Nậm Cắn nằm trên dòng sông Nậm Mô. Khi đề cập đến vấn đề các bản làng “khát điện” ngay dưới chân các nhà máy thuỷ điện, ông Vi Văn Mằn - Chủ tịch xã Tà Cạ cho biết, mặc dù sống bên thủy điện, nhưng nhiều năm nay người dân 4 bản nói trên vẫn chưa có điện lưới để sử dụng, sự thiệt thòi này không biết kéo dài đến khi nào. Để có điện thắp sáng, bao năm nay người dân vẫn phải tận dụng sức nước khe suối chạy tuabin (còn gọi là cù) để lấy điện thắp sáng.

Trò chuyện với ông Khun Văn Kỳ, trú bản San Vang nói: “Trên địa bàn có 3 nhà máy thủy điện, nhưng bản chúng tôi hàng chục năm nay vẫn chưa có điện lưới. Không chỉ khó khăn trong sản xuất, mà ngay cả có các thiết bị điện cũng phải nằm đắp chiếu, hoặc chạy bằng xăng, dầu rất tốn kém”. Điều mong ước của người dân bản là có điện lưới để các cháu học hành, sản xuất thuận lợi.

Cũng giống gia đình ông Kỳ, hàng chục hộ dân 4 bản sát chân thủy điện, hàng ngày vẫn phải dùng đèn chiếu sáng bằng chạy tuabin đặt ngoài suối. “Một tuabin mini điện mỗi gia đình phải mua 2-3 triệu đồng nhưng chỉ dùng để thắp sáng cho một bóng đèn tiết kiệm điện. Đó là chưa kể khi mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, tuabin cũng bị cuốn trôi, người dân lại phải mất thêm tiền mua cái mới...”, ông Sự cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Chọn Văn Quế - Trưởng bản Sa Vang cho biết: Bản Sa Vang (gộp chung cả bản Xốp Khăm) có tất cả 103 hộ, chưa có điện lưới nên đời sống của bà con dân bản gặp rất nhiều khó khăn, thiệt thòi. Hiện cả bản phải dùng điện chạy bằng tuabin để thắp sáng. Tội nhất là các cháu nhỏ, tối đến ánh điện tù mù không thể học được. Bà con dân bản muốn xem tivi, nghe đài cũng không được vì không có điện.

Cùng chung cảnh ngộ, nhiều năm nay thầy và trò Trường Tiểu học Tà Cạ phải dùng bóng đèn thắp sáng bằng tuabin chạy ngoài suối. Ông Hà Thắm Cảnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tà Cạ cho biết: Thực sự không có điện lưới rất vất vả, hiện cả trường có 2 máy phát điện mini, nhưng rất kém, mỗi lần chỉ phát từ 5-7 bóng đèn, còn các sinh hoạt khác như nấu cơm hay dạy học bằng máy tính thì không thể. “Để khắc phục, nhà trường dùng các tuabin nhỏ để phát điện, nhưng chập chờn, mùa mưa liên tục phải ra suối điều chỉnh, mùa lũ hoặc nước mạnh quá thì bị trôi. Cũng do không có điện lưới nên hàng chục máy tính phục vụ dạy học của trường phải đắp chiếu”- ông Cảnh chia sẻ.

Hàng chục chiếc máy tính phục vụ học tập của thầy và trò Trường Tiểu học Tà Cạ “đắp chiếu” vì không có điện
để dùng.

Mòn mỏi chờ ánh sáng

Theo thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kỳ Sơn, đến nay trên địa bàn toàn huyện Kỳ Sơn còn 81 bản chưa có điện lưới quốc gia. Ông Nguyễn Văn Long - Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kỳ Sơn cho biết: Theo lộ trình, những thôn bản nằm trong chương trình điện nông thôn của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc sẽ có điện vào cuối năm 2022 và chậm nhất sang năm 2023 xóa trắng các bản thiếu điện lưới quốc gia. Còn lại một số thôn bản đang được đề xuất thì còn phải chờ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng phòng Quản lý điện năng (Sở Công thương Nghệ An) cho biết: Đến nay thực hiện các chương trình, dự án cấp điện, tỉnh đã có 157/273 thôn bản (bao gồm cả đảo Mắt) đã được cấp điện. Trong năm 2021, đã thực hiện đầu tư cấp điện cho 49 dự án bằng nguồn điện lưới quốc gia (trong đó đến nay đã cấp điện cho 46 thôn, bản và 3 thôn bản còn lại sẽ đóng điện trong quý 3/2022). Hiện còn 116 thôn bản và đảo Mắt chưa có điện.

Trước đó, theo đề nghị của tỉnh Nghệ An và các ngành chức năng, từ tháng 10/2014, Bộ Công thương cũng đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Nghệ An giai đoạn 20215-2020. Tuy nhiên, việc đấu nối, hòa lưới điện quốc gia cho vùng nông thôn miền Tây Nghệ An vẫn chưa thể triển khai đồng bộ khiến nhiều thôn, bản ở khu vực này đến nay vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những căn nhà không ánh sáng dưới chân thủy điện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO