Những 'chiến sĩ' thầm lặng - Bài 3: Chống tham nhũng nhờ 'tai mắt' của nhân dân

Trần Duy Hưng 05/06/2019 07:00

Giám sát đầu tư của cộng đồng là một hoạt động giám sát mang tính nhân dân, ngay tại địa bàn diễn ra hoạt động đầu tư. Khác với cơ chế giám sát mang tính quyền lực nhà nước, giám sát cộng đồng có sự tham gia của “tai, mắt” nhân dân nên có lợi thế về sự thường xuyên, liên tục và rộng khắp... trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí ở địa bàn dân cư.

Những 'chiến sĩ' thầm lặng - Bài 3: Chống tham nhũng nhờ 'tai mắt' của nhân dân

Qua giám sát, cộng đồng dân thôn Trí An phát hiện hành vi dùng cát đen trộn bê-tông của nhà thầu tại công trình xây dựng Trường mầm non của xã.

Gian dối không qua được mắt nhân dân

Bây giờ thì xã Nam Hoa (Nam Trực-Nam Định) đã đạt chuẩn nông thôn mới. Cán bộ, người dân địa phương ai nấy đều rất phấn khởi về thành quả này. Với người dân xóm 3, thôn Trí An của xã, niềm vui còn lớn hơn khi quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương họ đã làm được một việc rất ý nghĩa, đó là kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi làm ăn gian dối của một nhà thầu xây dựng khi thi công công trình trường mầm non của xã.

Cụ thể, để đảm bảo hạ tầng của xã đạt các tiêu chí nông thôn mới, UBND xã Nam Hoa đầu tư xây dựng công trình trường mầm non của xã. Công trình được thiết kế theo chuẩn Quốc gia, gồm 4 phòng học cao tầng, tổng vốn đầu tư 2,1 tỷ đồng từ các nguồn trái phiếu Chính phủ, ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp (mỗi hộ dân thôn Trí An góp 100.000 đồng). Công ty CP xây dựng Thành Nga (doanh nghiệp xây dựng có địa chỉ trên địa bàn huyện-PV) trúng thầu thi công.

Ông Triệu Phúc Ơn, nguyên Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm 3, thôn Trí An nhớ lại: “Sáng ấy, trên đường ra đồng, qua công trường thi công, tôi thấy công nhân đang hối hả trộn đảo bê-tông nên dừng lại xem. Tôi phát hoảng khi thấy nhà thầu là Công ty cổ phần xây dựng Thành Nga dùng toàn cát đen để trộn bê tông đổ dầm công trình. Thấy bất thường, tôi liền gọi bà con đang làm đồng gần đó đến chứng kiến. Chúng tôi yêu cầu nhà thầu dừng thi công, dỡ bỏ toàn bộ số bê tông đã sử dụng và lập biên bản vụ việc, báo cáo lên UBND xã”.

Có mặt tại công trình ngay thời điểm đó, PV Đại Đoàn Kết chứng kiến đống cát đen được nhà thầu dùng trộn bê tông vẫn còn nguyên, đúng như phản ánh của người dân địa phương. Dùng tay bóp nhẹ số “bê tông” được trộn bằng cát đen rơi lả tả sau khi được trộn đảo đến 8 tiếng.
Ông Triệu Phúc Ơn chia sẻ: “Quê tôi, lúc nông nhàn nhiều người kiếm sống thêm bằng nghề thợ xây nên ai cũng biết bê tông phải được trộn bằng cát vàng mới đảm bảo chất lượng. May mà công trình nằm ngay cạnh đường ra đồng nên bà con mới phát hiện, ngăn chặn kịp thời kiểu làm ăn gian dối này. Nếu ở chỗ khuất nẻo, không ai phát hiện, hậu quả thật khôn lường”.

Từ phát hiện, phản ánh của nhân dân, tại buổi làm việc với UBND xã Nam Hoa sau đó, đại diện Công ty cổ phần xây dựng Thành Nga đã thừa nhận sai phạm, xin lỗi nhân dân địa phương, tổ chức thi công lại theo đúng các yêu cầu kỹ thuật.

Tiết kiệm cả tỷ đồng từ giám sát cộng đồng

Dẫn chúng tôi đi trên con đường trục, chạy qua trước cổng UBND xã Yên Bình (Ý Yên-Nam Định), ông Phạm Nghĩa Bình-Trưởng Ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã cho biết: con đường này dài 650m, rộng 5 mét, đổ bê tông, được các tổ nhóm thợ trong xã tự làm với kinh phí chỉ hơn 800 triệu đồng.

Tuy nhiên, trước đó, nó được chính quyền xã dự trù kinh phí lên đến 1,8 tỷ đồng; thuê hẳn một doanh nghiệp lập hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật; rồi tổ chức đấu thầu thi công, trong đó có một doanh nghiệp đã bỏ thầu thi công và trúng với giá hơn 1,5 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Nghĩa Bình, qua nghiên cứu hướng dẫn thực hiện Quyết định 800 của Chính phủ về “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020” Ban GSĐTCCĐ nhận thấy đối với những công trình loại nhỏ, kinh phí thực hiện không quá 3 tỷ đồng chính quyền xã có thể tự lập báo cáo kinh tế kỹ thuật; ưu tiên giao việc thi công cho các tổ nhóm thợ ở địa phương để vừa tạo công ăn việc làm, phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân địa phương vừa tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng công trình, chính quyền xã Yên Bình đã không thực hiện theo tinh thần trên. Công trình thuộc loại đơn giản, kinh phí dự trù ban đầu cũng chỉ có 1,8 tỷ đồng nhưng chính quyền xã vẫn thuê hẳn một doanh nghiệp lập hồ sơ báo cáo kinh tế-kỹ thuật. Chính quyền xã cũng không giao việc thi công cho tổ nhóm thợ nào đó ở địa phương mà tổ chức mời doanh nghiệp tham gia đấu thầu,với giá trúng thầu rất cao.

Nhận thấy việc làm trên của chính quyền xã không đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, không đúng tinh thần xây dựng nông thôn mới, Ban GSĐTCCĐ đã kiên trì đấu tranh, phản đối, buộc chính quyền xã phải thay đổi các quyết định.

“Cuối cùng, kết quả đấu thầu phải hủy, việc thi công được xã giao cho một tổ nhóm thợ con em địa phương, vốn rất giỏi việc này. Và, chỉ với hơn 800 triệu đồng kinh phí, con em địa phương đã làm xong con đường, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm cho ngân sách gần 1 tỷ đồng so với số kinh phí chính quyền xã định bỏ ra thuê doanh nghiệp”, ông Bình chia sẻ.

Những 'chiến sĩ' thầm lặng - Bài 3: Chống tham nhũng nhờ 'tai mắt' của nhân dân - 1

Ông Phạm Nghĩa Bình trên con đường đã tiết kiệm ngân sách gần 1 tỷ đồng.

Bản lĩnh vững vàng, kiến nghị trung thực

Theo ông Đặng Phúc Giao, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Nam Định, qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, MTTQ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập Ban GSĐTCCĐ ở 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Mỗi Ban thường có từ 9-11 thành viên, thường là cán bộ Mặt trận, cán bộ các đoàn thể ở cơ sở, người có trình độ, uy tín trong cộng đồng... được nhân dân ở các địa phương lựa chọn, tín nhiệm bầu tham gia.

Trên cơ sở Quy chế hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng, Ủy ban MTTQ tỉnh đã vận dụng, xây dựng, ban hành Hướng dẫn hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ vào điều kiện, khả năng thực tế, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các Ban GSĐTCCĐ lựa chọn 2 nội dung quan trọng để giám sát, gồm: giám sát việc xây dựng và thực hiện quy hoạch trong chương trình xây dựng nông thôn mới và giám sát các dự án đầu tư bằng nguồn vốn và công sức của cộng đồng hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho địa phương.

Tuy nhiên, theo Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng, phạm vi giám sát của cộng đồng rất rộng. Muốn thực hiện tốt các nhiệm vụ này, nhất là để phát hiện được các sai phạm đòi hỏi thành viên Ban GSĐTCCĐ phải có năng lực, trình độ. Trong khi đó, các thành viên phần đông là người “ngoại đạo”, do vậy chưa đáp ứng được yêu cầu này. Không ít giám sát viên thừa nhận gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia giám sát thiết kế, thi công, dự toán của dự án…vì thiếu kiến thức chuyên môn.

Trong khi đó, không ít các đối tượng chịu sự giám sát thiếu hợp tác, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định, chẳng hạn như không muốn thông báo kế hoạch, tiến độ, thậm chí có những đơn vị cố tình vi phạm, tìm cách thay đổi thiết kế, chủng loại vật tư nhằm giảm chi phí công trình. Điều này dẫn đến việc tiếp cận các thông tin phục vụ hoạt động giám sát của các Ban GSĐTCCĐ bị hạn chế.

Từ đó, theo ông Đặng Phúc Giao, để các Ban GSĐTCCĐ hoạt động hiệu quả, trước hết mỗi thành viên của Ban cần phát huy tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, công tâm, có bản lĩnh vững vàng, đề xuất, kiến nghị khách quan, trung thực, giữ đúng nguyên tắc đồng thời đề cao tính xây dựng. Hoạt động giám sát phải đảm bảo đúng đối tượng, phạm vi và nội dung, không gây cản trở công việc của các đối tượng chịu sự giám sát.

Những phản ánh, kiến nghị của Ban GSĐTCCĐ, nhất là những phản ánh về sai phạm, tiêu cực cần được các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xem xét, xử lý nghiêm túc, kịp thời.

* “Nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện về trang bị, kinh phí phục vụ hoạt động của Ban GSĐTCCĐ. Với mức hỗ trợ kinh phí hoạt động 2 triệu đồng/Ban GSĐTCCĐ/năm như ở Nam Định hiện nay là quá thấp, không đảm bảo yêu cầu để các Ban hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, các Ban GSĐTCCĐ rất cần được tập huấn, trang bị kiến thức, nghiệp vụ. Đặc biệt, các đơn vị chịu sự giám sát (chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu...) cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ việc giám sát của cộng đồng”- Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Nam Định Đặng Phúc Giao khẳng định.

[Bài 4: Phải chiến thắng chính mình]

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những 'chiến sĩ' thầm lặng - Bài 3: Chống tham nhũng nhờ 'tai mắt' của nhân dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO