Những 'cột mốc' nơi phên dậu Tổ quốc

Tuệ Phương 02/07/2020 09:25

Người có uy tín tại tỉnh Điện Biên đi đầu trong vận động nhân dân hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bằng những việc làm cụ thể.

Trong những năm qua, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã làm tốt công tác phát huy vai trò người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần bảo vệ vững chắc đường biên mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự biên giới quốc gia.

Ông Lò Văn Mừng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên cho biết, nhận thức đầy đủ vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, hàng năm, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách quan tâm, động viên người có uy tín.

Trên cơ sở quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, người có uy tín ở Điện Biên không những chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước mà còn là hạt nhân trong phát triển kinh tế hộ gia đình, tấm gương cho con cháu và người dân noi theo.

Ngoài ra, người uy tín còn thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong xóa đói, giảm nghèo; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.

“Điểm nổi bật ở Điện Biên đó là người có uy tín tại các địa phương đã trở thành lực lượng nòng cốt trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Với vốn hiểu biết và uy tín của bản thân, họ đã động viên các nghệ nhân tổ chức sưu tầm và giữ gìn văn hóa truyền thống các dân tộc như các làn điệu dân ca, dân vũ, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của dân tộc mình, động viên các nghệ nhân trao truyền tri thức dân tộc cho thế hệ sau. Nhiều mô hình về xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào các dân tộc đã được hình thành và phát triển gắn với vai trò nòng cốt của người có uy tín. Điển hình như mô hình bảo tồn múa khèn của dân tộc Mông ở huyện Mường Nhé, mô hình bảo tồn nghề dệt của dân tộc Lào ở huyện Điện Biên” - ông Lò Văn Mừng chia sẻ.

Đặc biệt, người có uy tín còn đi đầu trong vận động nhân dân hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bằng những việc làm cụ thể như: Hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa; góp ngày công lao động; tham gia giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường...

Mặt khác, người có uy tín còn tham gia tích cực vào việc tuyên truyền, giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng; tham gia giáo dục thanh thiếu niên tích cực học tập, lao động để trở thành công dân có ích cho xã hội... Tiêu biểu trong các hoạt động của người có uy tín là bà Vì Thị Thông ở xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên; ông Vàng Trùng Chìa ở xã Sa Lông, huyện Mường Chà; ông Pờ Dần Xinh ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé; ông Tao Văn Vin ở xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ; ông Lò Văn Ðiện ở xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng…

Theo ông Lò Văn Mừng, trong nếp sống truyền thống của đồng bào các dân tộc Điện Biên, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín luôn có vị trí quan trọng ở cộng đồng dân cư. Phát huy vị trí đó, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong toàn tỉnh đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân tương ái; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Họ đã trở thành những “phên dậu” vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những 'cột mốc' nơi phên dậu Tổ quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO