Những cú lừa kinh điển trong lịch sử bóng đá Việt

Đặng Xá 06/09/2020 14:00

V.League nói riêng và lịch sử giải VĐQG Việt Nam nói chung đã chứng kiến không ít những cú lừa ngoạn mục. Không chỉ là câu chuyện tranh cãi đôi bên trên thị trường chuyển nhượng mà đó còn là những tình huống “trở mặt như bàn tay” khiến nhiều đội bóng chết đứng!

Ở tuổi 32, Denisol quyết định sang Việt Nam thử sức trong màu áo Xi măng Hải Phòng nhưng chỉ đá đúng 1 trận rồi mất hút.
Ở tuổi 32, Denisol quyết định sang Việt Nam thử sức trong màu áo Xi măng Hải Phòng nhưng chỉ đá đúng 1 trận rồi mất hút.

Giải A1 cũng đủ thứ chiêu trò

Nhiều người vẫn có thái độ miệt thị với V.League và hoài niệm về một quá khứ chơi bóng không “mùi tiền” của giải A1 - tiền thân của V.League trong quá khứ. Nhưng nếu như V.League từng khiến người ta ám ảnh với cách làm chuyên nghiệp nửa vời thì giải A1 từng tồn tại đủ chiêu trò với những thỏa thuận bắt tay dưới gầm bàn đầy tinh quái, của những nhóm “liên minh ma quỷ”

Năm 1989, nhiều CĐV thuộc thế hệ 7x vẫn còn ám ảnh cảnh cầu thủ Tiền Giang rượt đuổi cầu thủ Đồng Tháp sau trận đấu thuộc lượt áp chót của giải. Anh ta cho rằng Đồng Tháp đã lật lọng trong một giao kèo 3 bên gồm Đồng Tháp, Tiền Giang và Công an Hải Phòng với quy định mỗi đội sẽ có 2 điểm sau các cuộc đối đầu.

Cụ thể hơn, “liên minh” này quy định Đồng Tháp phải thua Tiền Giang, Tiền Giang thua Công an Hải Phòng và Công an Hải Phòng thua Đồng Tháp. Nhưng vì quá máu mê đi tiếp, ông Phạm Ngọc Thành (hay gọi là ông Sáu Thành), Giám đốc Sở TDTT Đồng Tháp đã quyết định lật kèo thắng luôn Tiền Giang. Sau đó Đồng Tháp chơi thăng hoa ở giai đoạn cuối, thắng Điện Hải Phòng ở trận bán kết và thắng luôn CLB Quân đội 1-0 ở trận chung kết để lên ngôi vô địch. Nhưng Đồng Tháp cũng chẳng “nuốt trôi” được thành công ấy. Bởi một thời gian dài sau đó, tội phá kèo trong giao ước 3 bên vẫn khiến Đồng Tháp bị chỉ trích là kẻ 2 mặt.

Đó chưa phải là câu chuyện nổi cộm nhất của giải A1. 6 năm sau, giải đấu này chứng kiến một vụ rùm beng chấn động lịch sử khi đội bóng CLB Quân đội “bẻ kèo” ở vòng chung kết ngược, dẫn đến 4 đội Sông Bé, Bình Định, Long An, Quảng Nam - Đà Nẵng cùng nhau xuống hạng. Cụ thể 6 đội gồm Quân Đội, Sông Bé, Bình Định, Long An, Hải Quan, Quảng Nam - Đà Nẵng rơi vào vòng chung kết ngược. 4/6 đội này sẽ phải xuống chơi ở hạng dưới.

Trừ Hải quan, 5/6 đội kể trên nhất quyết không thi đấu vì cho rằng một đội khác của giải A1 là Cảng Sài Gòn đã có hành vi tiêu cực trong chiến thắng 1-0 trước Lâm Đồng, dẫn đến việc bị trừ 2 điểm và bị phạt 2 triệu đồng. Khi mà tất cả đang đồng lòng để gây sức ép với BTC thì bất ngờ có sự can thiệp. Đội bóng Quân đội buộc phải thi đấu, hay chính xác hơn là “lật kèo” ở phút chót dẫn đến việc 4 đội còn lại là Quảng Nam - Đà Nẵng, Sông Bé, Long An, Bình Định “chết đứng” khi kẻ chung thuyền bất ngờ bỏ cuộc chơi. Hệ quả, 4 đội bóng này bị BTC và VFF kỷ luật xuống hạng theo đúng điều lệ giải.

Những vụ chuyển nhượng điên rồ

V.League cũng chứng kiến đủ các bi hài kịch, nhưng không đến mức rơi vào cảnh “bóc phốt” như thời chưa chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Dù vậy, việc chi phối bởi ảnh hưởng kinh tế thị trường cùng sự góp mặt của những ông bầu muốn dựa bóng đá để làm ăn khiến V.League từng một thời đảo điên chuyện kim tiền ở giai đoạn 2007 - 2011.

Cú lừa lớn nhất mà V.League chứng kiến không có gì khác ngoài vụ Denilson sang Việt Nam. Năm 2009, Hải Phòng tạo nên bom tấn chuyển nhượng khi đưa về nhà vô địch World Cup 2002 Denilson. Để có được cái gật đầu của danh thủ Brazil, Hải Phòng phải chi không dưới 9 tỷ đồng cùng mức lương 50.000 USD/tháng. Nhưng cay đắng thay, hợp đồng giữa Denilson với Hải Phòng giữa đường đứt gánh chỉ sau 1 trận đấu vì chấn thương đầu gối quá nghiêm trọng. Hải Phòng dính một cú lừa đầy cay đắng. Kẻ môi giới Denilson sang Việt Nam thừa biết tiền vệ này không thể chơi bóng đỉnh cao với cái đầu gối “hỏng” hẳn. Nhưng trước sự háo danh của Hải Phòng, kẻ môi giới này đã lập tức đưa Denilson sang mà chẳng một lời khuyên can nhằm nhanh chóng đút vào túi 1 tỷ đồng trong con số 9 tỷ ấy.

Hải Phòng không phải là cái tên duy nhất nuốt cục tức từ cú lừa. Đến giờ, bầu Hiển vẫn còn nóng mặt khi nhắc đến chuyện Công Vinh rời Hà Nội FC năm 2011. Bất chấp việc đội bóng thủ đô đã gửi thư mời về buổi tái ký hợp đồng giữa Công Vinh và bầu Hiển, bất chấp ông bầu này đã gật đầu với khoản phí lót tay 10 tỷ đồng/3 năm cùng mức lương 80 triệu đồng/tháng, Công Vinh vẫn lật kèo ngay trước thời điểm buổi lễ diễn ra. Anh quay ngoắt 180 độ để sang đầu quân cho Hà Nội ACB của bầu Kiên, trước cái “chết đứng” của bầu Hiển - người đã trao cho Công Vinh quá nhiều đặc ân và chế độ đãi ngộ.

Sau này, Công Vinh lấy lý do bầu Hiển cấm anh không được yêu Thủy Tiên nên đã quyết định ra đi. Nhưng chuyện đâu có thế. Mấu chốt cho cú bẻ kèo khiến bầu Hiển sôi máu vẫn đến từ chữ tiền. Bởi bầu Kiên đã chơi cao tay hơn khi chi ra 14 tỷ đồng tiền lót tay để nẫng Công Vinh ngay trước mũi bầu Hiển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cú lừa kinh điển trong lịch sử bóng đá Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO