Những dấu chân đoàn kết

Dạ Yến 17/11/2020 09:00

Ngoại giao nhân dân - kênh quan trọng trong công tác ngoại giao của đất nước. Trong suốt những năm qua, MTTQ Việt Nam đã đảm trách và hoàn thành sứ mệnh đó. Bài viết này xin được kể lại một số chuyến công tác của lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam, đến với những người anh em đồng chí, nồng hậu và chân tình.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch Hội đồng quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia Heng Samrin và Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Saysomphone Phomvihane tại Hội nghị Chủ tịch Mặt trận 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam.

Trong căn nhà treo nhiều bức ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Thủ tướng Lào, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước Xixavat Keobunphan nắm tay ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và nói: “Ngày xưa mình đã đồng cam cộng khổ để đi qua gian khó bây giờ không lý gì mà lại không cùng nhau tiến lên”.

1. Bất cứ ai đã từng đến Lào, đều có chung một cảm nhận, đi tới đâu cũng nghe thấy tiếng Việt vì người Lào đều ít nhiều biết nói tiếng Việt. Cho nên cảm giác thật ấm áp thân thương khi được nghe tiếng Việt cất lên từ một người con ưu tú của dân tộc Lào - nguyên Thủ tướng Lào, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước Xixavat Keobunphan.

Ông Xixavat Keobunphan đã từng có nhiều năm tháng tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương, đặc biệt là gắn bó với cách mạng Việt Nam, trong đó có các lần gặp gỡ, tiếp kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bao năm tháng đã trôi qua nhưng tình cảm mà ông Xixavat Keobunphan dành cho Việt Nam vẫn như dòng máu nóng chảy trong huyết quản khi ông nắm chặt tay Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và từng thành viên trong đoàn rồi nói: Việt Nam luôn ở đây- trong trái tim tôi. Cuộc thăm hỏi của người đứng đầu MTTQ Việt Nam vào năm 2017 với nguyên Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước đã trở thành cuộc hạnh ngộ của hai người anh em, đồng chí.

Trong suốt buổi trò chuyện, ông Xixavat Keobunphan như một cụ già kể lại chuyện xưa khi nhắc tới công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxon Phonvihan lúc lại dí dỏm chia sẻ những ngày tháng học tập, sinh sống trên đất nước Việt Nam và viện dẫn cả những câu thành ngữ của Việt Nam để bày tỏ tâm can: “Ngày xưa mình đã đồng cam cộng khổ để đi qua gian khó bây giờ không lý gì mà lại không cùng nhau tiến lên”.

Sự ấm áp mà nguyên Chủ tịch Mặt trận Lào dành cho đoàn công tác hôm ấy sẽ còn mãi đến mai sau. Ngay cả khi tôi hồi tưởng lại câu chuyện này, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước Xixavat Keobunphan đã trở thành người thiên cổ. Nhưng tài sản vô giá mà ông để lại là một tấm chân tình. Đó là minh chứng cho sự gắn bó, đồng hành không chỉ của đội ngũ cán bộ Mặt trận Lào - Việt Nam mà còn bởi ơn nghĩa sâu nặng mà nhân dân hai đất nước, hai dân tộc đã dành cho nhau.

Lịch sử MTTQ Việt Nam in đậm dấu ấn công tác đối ngoại nhân dân. MTTQ Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị với nhiều tổ chức tương đồng ở các nước trên thế giới, bên cạnh Lào còn là mối quan hệ truyền thống với Campuchia.

Samaki - tiếng Lào và Campuchia đều có nghĩa là đoàn kết. Đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện, gắn bó cùng phát triển - chính là tài sản vô giá mà bao thế hệ người Việt Nam - Campuchia - Lào đã phải trải qua nhiều hy sinh, cay đắng mới có thể giành được.

Tạo hóa đã ban tặng cho dòng sông Mê Kông chảy qua lãnh thổ ba nước, mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng lúa bát ngát ở đôi bờ, mang cá tôm nuôi dưỡng con người, làm nên cuộc sống trù phú. Mê Kông không chỉ là một dòng sông mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết là sợi dây kết nối cho mối tình Việt - Lào - Campuchia.

Những ngày ở Lào hay Campuchia, chúng tôi đều có cảm giác như ở Việt Nam vì tình cảm nồng hậu của những người anh em, đồng chí, đồng nghiệp, vì những bữa cơm mang hương vị quê nhà, cũng cơm canh, cá kho, nước mắm và ở đâu cũng vậy, đều được đắm mình trong những vòng xòe lăm vông. Và ở đâu cũng nghe thấy tiếng Việt, thân thương và ấm áp như khi bà Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotu hỏi: “Có ngủ được không?”, hay ông Nhem Valy, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển tổ quốc Campuchia hỏi: “Cơm có ngon không?”…

Chúng tôi nhớ mãi giây phút xúc động ở biên giới Việt Nam - Lào thuộc địa phận cửa khẩu Chalo, tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khăm Muộn, khi đón đoàn đại biểu MTTQ Việt Nam do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh dẫn đầu, ông Khamphanthong Thephahac, tỉnh uỷ viên, Bí thư huyện uỷ, huyện trưởng huyện Bualapha đã từng dùng hai từ “máu thịt” để nói lên quyết tâm cùng nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam xây dựng đường biên, gìn giữ mối quan hệ Việt Nam - Lào như gìn giữ máu thịt của chính mình.

Biên giới là lãnh thổ thiêng liêng là chủ quyền bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia, dân tộc. Nhưng có lẽ điều giản dị nhất mà ông Bí thư huyện ủy Bualapha đã cho chúng tôi thấy, ông cũng như người dân Việt Nam ở bên kia dãy Trường Sơn đang bảo vệ biên giới của mình bằng “sức mạnh mềm”- sức mạnh xuất phát từ trái tim.

Có sức mạnh nào bền bỉ, mãnh liệt hơn sức mạnh xuất phát từ tình yêu. Có biên giới nào được xây dựng gìn giữ tốt đẹp hơn bằng tình hữu nghị. Biên giới không chỉ là ranh giới hiện hữu trên những tấm bản đồ, trên những mảnh đất thân yêu hay trên những vùng biển tiền tiêu tổ quốc mà biên giới còn hiện hữu ở trong tim để luôn luôn nhắc nhớ nhau, cùng nhau vun đắp, dựng xây trong hòa bình.

Trách nhiệm xây dựng đường biên giới hòa bình - hữu nghị là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ cán bộ Mặt trận ba nước.

Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Campuchia - Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, hay Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào đều là những sự kiện quan trọng giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với Hội đồng quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển tổ quốc Campuchia và UBTƯ MTTQ Việt Nam với UBTƯ Mặt trận Lào xây dựng đất nước. Thông lệ này đã trở thành một dịp để những người làm công tác Mặt trận ba nước hội ngộ và tiếp tục gắn bó với nhau trong nhiều hoạt động trao đổi công tác.

2. Việt Nam có đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với 3 quốc gia đó là Trung Quốc, Lào và Campuchia. Từ lâu, việc xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận. Và ở đó, luôn có sự hiện hữu của những dòng sông biên giới - như một lẽ tự nhiên đã trở thành lời mở đầu cho rất nhiều câu chuyện và là mạch nối cho hy vọng của tương lai trong công tác đối ngoại nhân dân của người Mặt trận.

Còn nhớ, khi chúng tôi bước trên cầu Hồ Kiều 2 từ Cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) để sang địa phận Cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam), đoạn đường chỉ dài khoảng 200 m nhưng trong mỗi bước trở về đều mang theo cảm xúc của những ngày Giao lưu hữu nghị giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc và Mặt trận - Chính hiệp các tỉnh và khu tự trị biên giới hai nước lần thứ I được tổ chức tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào tháng 4/2019.

Ở giữa cầu Hồ Kiều 2, ông Quách Quân, Phó Tổng thư ký Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc và ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tạm biệt nhau trong một cái ôm thật chặt. Ở phía sau, chúng tôi và những người bạn Trung Quốc cũng tạm biệt bằng một lời hẹn cho ngày gặp lại.

Dưới chân cầu, dòng Nậm Thi lững lờ trôi về phía ngã ba sông để hợp lưu với sông Hồng chảy vào đất Việt.

Dòng chính của sông Hồng bắt nguồn từ vùng núi thuộc huyện Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ở độ cao 1.776 m. Con sông mang nặng phù sa đỏ sậm khi chảy vào Việt Nam gặp dòng Nậm Thi trong xanh. Thật lạ, ở chỗ hòa vào nhau ấy, dường như sông lại hiền hòa hơn, khiến ai cũng muốn sống chậm lại và cảm nhận nhiều hơn về vùng đất thiêng của Tổ quốc. Đó là biên giới, là lãnh thổ, là những gì quý hơn máu thịt mà dân tộc nào cũng phải gìn giữ.

Lịch sử mối quan hệ của UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc cho thấy, dù đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại, hội đàm cấp cao nhưng đây lại là lần đầu tiên Mặt trận và Chính hiệp các tỉnh biên giới mới có một hoạt động mang tính giao lưu như thế này. Cho nên vượt lên trên những nguyên tắc ngoại giao thông thường là tình cảm, là những sẻ chia không dễ gì có được.

Trong không khí tươi đẹp ấy, những người bạn Việt Nam - Trung Quốc đã cùng nhau trồng cây Điền Nhuận Nam còn gọi là gỗ lim Vân Nam trong một rừng cây mang tên Hữu Nghị.

Ông Vương Chính Vỹ, Uỷ viên Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc, cho biết, 7 cây gỗ lim Vân Nam được trồng trong dịp Giao lưu này chính là 7 cây hữu nghị Trung - Việt để hướng tới kỷ niệm 70 năm (18/11/1950 - 18/11/2020) ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời, hình ảnh 7 cây gỗ lim Vân Nam ngay thẳng, tươi tốt cũng là để hai bên tỏ rõ trách nhiệm chung để đi cùng một hướng.

Dưới tán lá tươi xanh trong rừng cây Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài bày tỏ tin tưởng từ việc hai bên cùng nhau trồng cây chính là Mặt trận và Chính hiệp hai nước đã cùng nhau vun trồng một “Rừng cây hữu nghị” để hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, trong đó có mối quan hệ bền chặt của hai tổ chức Mặt trận và Chính hiệp.

Giao lưu hữu nghị giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc và Mặt trận - Chính hiệp các tỉnh và khu tự trị biên giới hai nước lần thứ I được xem như một bước khởi đầu tốt đẹp cho những cam kết lâu dài trong việc xây dựng đường biên giới hoà bình hữu nghị của Việt Nam và Trung Quốc.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài phát biểu tại rừng cây Hữu Nghị ở Vân Nam, Trung Quốc, tháng 4 /2019. Ảnh: Quang Vinh.

3. Trong những năm qua, MTTQ Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị với rất nhiều tổ chức tương đồng ở các nước trên thế giới, trong đó có những mối quan hệ mang tính truyền thống như Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Mặt trận đoàn kết phát triển tổ quốc Campuchia, Ủy ban Bảo vệ cách mạng Cuba, Hiệp hội Nhân dân Singapore, Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc, Mặt trận dân chủ thống nhất tổ quốc Triều Tiên… Và xét theo vị trí địa lý thì Ủy ban bảo vệ cách mạng Cuba là một trong những tổ chức ở xa nhất, cách Việt Nam nửa vòng trái đất.

Tất cả những gương mặt đã gặp, tất cả những nơi đã đi qua, ở đâu cũng là một Cuba đơn sơ, ấm áp nhưng quá đỗi kiên cường. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, dù nhiều cơn bão theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng có thể đổ ập vào bất cứ lúc nào nhưng người Cuba vẫn ca hát và nhảy múa. Đó là nguồn sống của họ. Đó cũng chính là tinh thần Cuba - tính cách Cuba. Tinh thần đó là biểu tượng của khát vọng, tình yêu cuộc sống không lệ thuộc. Tính cách ấy giống như một lời hiệu triệu, phá tan mọi khoảng cách về văn hóa, ngôn ngữ, truyền cảm hứng rất nhanh cho những người mới đến.

Và tôi rất nhớ họ. Những người mà chúng tôi gọi là chiến sĩ CDR, thành viên của Ủy ban bảo vệ Cách mạng Cuba. Hiểu nôm na, thì họ cũng giống như những người cán bộ Mặt trận ở Việt Nam. Sống cùng dân, hiểu dân và cần mẫn, bền bỉ vận động nhân dân đi theo con đường mà Đảng và nhà nước đã lựa chọn.

Với 8,8 triệu thành viên, CDR mang trong mình sứ mệnh lớn lao của một tổ chức quần chúng lớn nhất tại Cuba, quốc gia của hơn 11 triệu dân. Trong một cộng đồng, cứ khoảng 200 người là có một Ủy ban bảo vệ cách mạng cơ sở. Tất cả các công dân Cuba từ 14 tuổi trở lên đều có thể trở thành thành viên của CDR. Cho đến nay, đã có 133.000 ủy ban cơ sở được thành lập.

Ngày nay, CDR có mặt trong nhiều hoạt động xã hội, đặc biệt tổ chức này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng chống thảm họa và thiên tai. Trong giai đoạn hiện nay khi Chính phủ Cuba tiến hành cập nhật hóa mô hình kinh tế, các tổ chức CDR có nhiệm vụ giải thích cho nhân dân thông qua các tổ dân phố những chính sách mới mà Nhà nước sẽ áp dụng trong thời gian tới. Đồng thời, nhân dân có kiến nghị đề xuất gì cũng sẽ được các thành viên CDR phản hồi lại với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Nhìn vào khối lượng và tính chất công việc của các thành viên CDR, chúng tôi thực sự cảm phục những nỗ lực không mệt mỏi của họ trong bao năm qua. Cũng vật lộn với cơm áo đời thường, vừa phải lo chuyện của cộng đồng làng xã. Từ đó, càng chia sẻ hơn với đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở quê nhà.

Không có điều kiện để đi được nhiều nơi trên đất nước Cuba nhưng tôi chắc rằng, ở nơi nào cũng thế, người Cuba mộc mạc, tốt bụng và chân thành. Họ gặp người Việt Nam như gặp lại bạn- dù chẳng biết biểu đạt ngôn ngữ thế nào cho hết được nỗi lòng, chỉ biết nắm chặt bàn tay đặt lên trái tim và nói: Viva Việt Nam.

Viva có nghĩa là bất tử, là muôn năm, vậy mà trong suốt cuộc hành trình ở đất nước tươi đẹp này, chúng tôi luôn được nghe những người bạn ở bên kia bán cầu nói với mình. Đó là một món nợ ân tình không bao giờ phai nhạt. Và chúng tôi hiểu rằng, tình cảm này, vốn dĩ đã được nuôi dưỡng từ hàng chục năm trước, trải qua bao mất mát, hy sinh mà bao thế hệ người Cuba- Việt Nam đã dành dụm cho nhau, trong đó có người Mặt trận. Vì thế, vô hình trung, chúng tôi có một sợi dây liên hệ.

Sợi dây liên hệ ấy rất bền bỉ và nối dài theo năm tháng gắn bó keo sơn giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai tổ chức Mặt trận Việt Nam và Cuba. Sợi dây liên hệ ấy đúng như nhiều thế hệ lãnh đạo Mặt trận của hai nước đã khẳng định: Nhiệm vụ chung của MTTQ Việt Nam và CDR là phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ những thành quả của cách mạng và đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Đây cũng được xem là một trong những nội dung quan trọng của Bản Ghi nhớ Chương trình hợp tác giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Uỷ ban Bảo vệ Cách mạng Cuba đã ký vào năm 2012 và Biên bản thống nhất các nội dung hợp tác trong giai đoạn 2018 - 2023 tại cuộc hội đàm giữa hai tổ chức vào tháng 11/2017.

Để phát huy những kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, trong thời gian tới, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, hai bên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Cuba.

4. Những năm qua, công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận ngày càng có nhiều đổi mới. Bên cạnh những đối tác truyền thống như Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Mặt trận đoàn kết phát triển tổ quốc Campuchia, Ủy ban Bảo vệ cách mạng Cuba, Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc, Mặt trận dân chủ thống nhất tổ quốc Triều Tiên, UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ động triển khai mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức nhân dân có chức năng, nhiệm vụ tương đồng như Hiệp hội Nhân dân Singapore; Hội Liên hiệp Bình đẳng xã hội CHLB Đức; Phòng Xã hội và Mặt trận Nhân dân toàn Nga; Hội đồng kinh tế và xã hội môi trường Pháp. Cùng với đó, MTTQ Việt Nam tích cực tham gia Hiệp hội Quốc tế các Hội đồng kinh tế xã hội và Các tổ chức tương đương - AICESIS - từ năm 2009.

Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 cũng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác đối ngoại là tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác chiều sâu, ổn định, đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các đối tác truyền thống; tìm hiểu các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhằm mở rộng đối tác của MTTQ Việt Nam theo phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại…

Dấu chân của người Mặt trận sẽ lại tiếp tục miệt mài vươn tới nhiều vùng đất, gặp gỡ, chia sẻ với nhiều người ở các quốc gia khác nhau, nhưng dù ở đâu, làm gì, trong mọi cuộc hành trình, đích đến cuối cùng vẫn là đoàn kết.

Năm 2017, UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước và Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia tổ chức Hội nghị Chủ tịch Mặt trận 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 3 thành công tốt đẹp tại Hà Nội; phối hợp cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia tổ chức Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển góp phần thành công chung các hoạt động kỷ niệm Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào và Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia; phối hợp với Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc tổ chức Giao lưu hữu nghị nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới lần thứ nhất vào năm 2019; tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu, thăm hỏi và chia sẻ thông tin với các đối tác Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba, Mặt trận Dân chủ Thống nhất Triều Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những dấu chân đoàn kết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO