Những điều cần biết khi F0 điều trị tại nhà

PV 15/01/2022 14:00

Qua một thời gian hỗ trợ F0 tại nhà, mỗi ngày ít nhất 100 F0 cả mới và cũ, tôi thấy đa số F0 và người chăm sóc có thể tự tìm hiểu thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống là đủ, chỉ khoảng 10-15% cần sự hỗ trợ thực sự của các bác sĩ. Dưới đây là một số câu trả lời cần thiết liên quan đến việc chăm sóc và hỗ trợ F0 tại nhà:

Chuẩn bị những gì khi dương tính với SARS-CoV-2 và không triệu chứng?

Cần thiết phải có: Máy đo độ bão hòa ô xy trong máu (SpO2), dung dịch súc họng, thuốc hạ sốt. Bổ sung dinh dưỡng và giữ tinh thần thật tốt. Tất nhiên, bạn phải làm sao để không lây nhiễm cho người khác trong gia đình bằng cách thực hiện thật tốt việc bảo hộ cá nhân và súc họng ngày 3-4 lần bằng dung dịch povidone iodin 1,0% hoặc chlorhexidine 0,12-0,20%. Trước và sau nên súc thêm bằng nước muối sinh lý.

Chỉ cần bổ sung 1 viên vitamin tổng hợp mỗi ngày là đủ. Dùng các loại vitamin C, D hoặc kẽm liều cao chưa được chứng minh là có hiệu quả rõ rệt. Có thể dùng thêm các loại thuốc bổ, tăng cường miễn dịch khác.

F0 cần làm gì khi xuất hiện các triệu chứng liên quan?

Khi virus xâm nhập cơ thể, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ chiến đấu với virus và sẽ biểu hiện ra ngoài bằng các triệu chứng:

- Sốt, chính là cơ thể đang chiến đấu với virus. Nếu sốt nhẹ, ko quá ảnh hưởng đến cơ thể, thì cũng chưa cần hạ sốt. Ở những người miễn dịch kém (dùng thuốc ức chế miễn dịch) thì lại hầu như không sốt.

- Ho, hắt hơi... cũng là những phản xạ nhằm đẩy các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Chỉ khi ho gây khó chịu quá, khiến cho đau quặn bụng, đau ngực, mất ngủ... thì mới cần phải dùng thuốc giảm ho.

- Buồn nôn và nôn cũng là các phản xạ để loại bỏ chất độc hại ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên việc nôn ra ngoài khiến cơ thể bị mất điện giải, rất mệt mỏi nên cần dùng thuốc để hạn chế tình trạng nôn của người bệnh.

- Đi lỏng: Tương tự như các triệu chứng trên, vẫn là để tống khứ các chất độc hại ra ngoài. Tuy nhiên, đi lỏng quá nhiều khiến người bệnh mệt mỏi, mất nước và điện giải nên cần hạn chế, nhất thiết phải bù nước, điện giải.

Với các triệu chứng trên, chúng ta chỉ cần điều trị như thông thường. Thường ngày khi bị cúm, khi bị sốt virus chúng ta xử lý như thế nào thì khi mắc Covid-19, chúng ta cũng xử lý y như vậy. Lưu ý bù đủ nước và điện giải.

Ngoài ra, Covid-19 cũng khiến cơ thể phải hứng chịu nhiều độc tố của virus:

- Đau nhức mình mẩy, đặc biệt các khớp: Việc này là khó tránh khỏi, khi độc tố virus giảm bớt thì sẽ hết. Thường không có thuốc nào làm đỡ được tình trạng này.

- Mẩn ngứa, dị ứng: Xử lý bằng các loại thảo dược có tính mát, các loại thuốc chống dị ứng thông thường.

- Cảm giác ớn lạnh: Cũng là do độc tố của virus, có thể uống trà gừng nóng, ăn các đồ ấm nóng, đủ dinh dưỡng để hạn chế tình trạng này.

- Căng thẳng, lo lắng, mất ngủ là vấn đề tâm lý, khiến sức khỏe chung giảm sút. Có thể dẫn đến thiếu máu lên não, cảm giác khó chịu ở dạ dày - thực quản...

Một số người còn thấy tức ngực, khó thở nhưng SpO2 vẫn 98-99%, thì đó là do tâm lý. Xử lý bằng thuốc an thần nhẹ thành phần thảo dược, MagneB6, Melatonin...

- Đau đầu, váng đầu, nhức mắt, ù tai, cảm giác bồng bềnh: Thường do thiếu máu lên não kết hợp với độc tố của virus. Xử lý bằng cách dùng thuốc tăng tuần hoàn não, thuốc hoạt huyết...

- Mất khứu giác (ngửi mùi), vị giác: Do tổn thương các tế bào thần kinh đệm có chức năng dẫn truyền xung động thần kinh, còn các tế bào khứu giác, vị giác lại không bị ảnh hưởng. Tùy người mà có thể mất khứu giác/vị giác hoặc không. Ăn uống ngủ nghỉ tốt sau khi mắc Covid-19, tập hít các mùi vị, ăn các món ăn quen thuộc và tưởng tượng bằng trí óc, thường sau khoảng 4-6 tuần thì khứu giác và vị giác trở lại bình thường.

- Chảy nước mũi: Do độc tố làm tăng tính thấm thành mạch, làm xung huyết các mạch máu trong mui, khiến nước mũi chảy ra nhiều hơn. Chúng ta dùng nước muối sinh lý, thuốc co mạch như Otrivin (0,05-0,1%), Coldi B, Rhinex 0,05%...

- Các mạch máu nhỏ xung huyết: Một số sẽ bị mắt đỏ, một số thì xì mũi hoặc ho ra một chút máu, do các mạch máu nhỏ bị vỡ ra. Nhìn chung không đáng ngại và thường tự hết.

- Một số người thần kinh yếu, sa sút trí tuệ... có thể rơi vào trạng thái mất tỉnh táo, lú lẫn, lơ mơ... Những trường hợp này thì cần sự trợ giúp của nhân viên y tế.

Khi nào thì F0 phải nhập viện?

Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Trong tình hình của Hà Nội hiện tại. Nhìn chung khi SpO2 cứ giảm mà không thể lên được trên 95% thì nên nhập viện. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi mà bệnh viện các tầng trở nên quá tải, thì chúng ta sẽ phải chấp nhận việc SpO2 giảm mà vẫn không còn chỗ để nhập viện.

Thông thường, khi SpO2 giảm bền vững xuống dưới 95%, hoặc khi nằm sấp thì SpO2 tăng rõ rệt so với khi nằm ngửa (cải thiện khoảng 5%) là đã có dấu hiệu bắt đầu của bão cytokin.

Lúc này, một mặt cần phải cho người bệnh thở ô xy, bằng bình ô xy khí nén hoặc bằng máy tạo ô xy, để duy trì SpO2 trên 95%, một mặt cần cho uống ngay các loại thuốc kháng đông, kháng viêm, liều lượng cụ thể phụ thuộc vào nhận định của bác sĩ.

Trong lúc chờ chuyển viện, người nhà cần tìm hiểu quy định về phân tầng điều trị (của Sở Y tế Hà Nội) để xem F0 nhà mình thuộc diện nào, có thể được điều trị tại những bệnh viện nào, từ đó có phương án chuẩn bị xe và liên hệ với y tế phường, với 115 hoặc trực tiếp với các bệnh viện.

BS Nguyễn Huy Hoàng(Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, nhóm bác sĩ Quân Y hỗ trợ chăm sóc điều trị F0 tại nhà)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những điều cần biết khi F0 điều trị tại nhà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO