Những điều cần biết khi sơ cứu đuối nước

P.Vân (tổng hợp) 23/04/2021 19:47

Đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do tai nạn. Việc hiểu rõ các biện pháp hỗ trợ, ứng cứu cũng như sơ cấp cứu là vô cùng cần thiết để giảm thiểu các tai nạn thương tâm do đuối nước gây ra.

Cách sơ cứu đúng khi bị đuối nước.

BS. Nguyễn Đức Thường (Suckhoedoisong.vn) cho biết, hàng năm nhất là mùa hè có nhiều người bị đuối nước khi đi tắm biển, tắm hồ hoặc do nghề nghiệp tiếp xúc với sông biển.

Trong các trường hợp đuối nước, nếu bệnh nhân được sơ cứu kịp thời, tích cực và đúng phương pháp sẽ có khả năng được cứu sống, nếu ngược lại thì khả năng tử vong rất cao hoặc để lại di chứng tổn thương não rất nặng nề. Vì vậy, biết cách xử trí cấp cứu cho nạn nhân bị đuối nước là điều vô cùng quan trọng

Để cứu sống nạn nhân ngạt nước phải ngăn chặn kịp thời các tiến trình trên tốt nhất là ngay từ khi có cơn ngừng thở đầu tiên tức là trong vòng 1- 4 phút đầu tiên khi bị chìm trong nước, đồng thời xử lý tốt các chấn thương kèm theo (đặc biệt là chấn thương đầu cổ và cột sống).

Cần sơ cứu đúng

Nguyên tắc này cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp ôxy cho nạn nhân. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước:

Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước, ném cho nạn nhân một cái phao, một khúc gỗ, hoặc một sợi dây để giúp họ lên bờ. Không nên nhảy xuống nước nếu không biết bơi và không được huấn luyện cách đưa người đuối nước còn tỉnh lên bờ. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh nếu cần thiết và thở.

Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước, chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi. Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu

Ngay sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ. Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu bệnh nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực. Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.

Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15-30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt. Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Những việc làm không đúng cần tránh

Sau sơ cứu ban đầu người bị đuối nước đã tỉnh lại, cần được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, mục đích xem nạn nhân có bị phù phổi cấp sau khi đuối nước, hay còn được gọi là “chết đuối trên cạn” hay không.

Một người đã hít phải nước thì có thể có các dấu hiệu của phù phổi cấp như: Khó thở, đau ngực hoặc ho; Thay đổi đột ngột hành vi, người mệt mỏi,... những dấu hiệu này không dễ dàng phát hiện, đặc biệt ở trẻ nhỏ mà bình thường chúng có thể khó chịu. Nếu để lâu, nguy cơ tử vong sẽ cao nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì thứ nhất, nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Thứ 2 là khi ngạt nước thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.

Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống. Điều này là do thiếu oxy ở các tổ chức trong một thời gian dài, đặc biệt là não.

Lời khuyên của bác sĩ

Thân nhiệt của chúng ta trung bình là 370C. Nếu bạn đột ngột nhảy xuống dòng nước lạnh, thân nhiệt bị thay đổi bất ngờ, sẽ rất dễ bị chuột rút, đặc biệt là trong tiết trời nắng nóng mùa hè. Khi đã bị chuột rút thì nguy cơ đuối nước rất cao. Do vậy, sau khi chạy ngoài đường nắng vào, bạn cần ngồi trong bóng mát khoảng vài phút, sau đó tắm trên bờ rồi mới nhảy xuống hồ bơi. Vận động trước khi bơi hoặc bạn cũng có thể cho cơ thể quen dần với nhiệt độ nước bằng cách nhúng tay, chân trước rồi đến thân mình, không đột ngột nhảy xuống hồ để tránh cơ thể bị sốc nhiệt.

Đối với trẻ lớn và người lớn không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không. Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.

Đối với trẻ nhỏ: Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác. Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những điều cần biết khi sơ cứu đuối nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO