Những điều học được ở Anh - Chủ tịch Lê Quang Đạo

29/12/2015 11:59

Lần đầu tiên tôi được trực tiếp làm việc với anh là những ngày đầu của tháng 12-1982. Với cương vị Bí thư Trung ương Đảng, trưởng ban khoa giáo Trung ương trực tiếp phụ trách công tác dân vận và tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, anh đã cùng Đảng đoàn Mặt trận đề xuất với Trung ương Đảng xây dựng Chỉ thị 17CT/TƯ ngày 18-4-1983 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới. Được Ban Bí thư chấp thuận, anh trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo, đồng chí X

Qua 6 tháng chuẩn bị khẩn trương, dự thảo lần thứ 13 đã được Ban Bí thư nhất trí thông qua. Đây là văn kiện đầu tiên của Đảng chuyên về công tác Mặt trận sau khi đất nước thống nhất và là cơ sở để MTTQ Việt Nam chuẩn bị Đại hội lần thứ II.

Kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII – khóa mở đầu cho sự đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam, anh Đạo được Trung ương điều động về chuyên trách công tác Mặt trận với cương vị Bí thư Đảng đoàn và Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và từ tháng 4-1994 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ tư, anh được cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho đến cuối đời.

Có lẽ đây là lúc anh dành nhiều thời gian, tâm huyết và trí tuệ cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, với thời gian chưa đầy 7 năm còn lại, là “người đứng mũi, chịu sào” anh đã dốc sức cùng Đảng đoàn, Ban Thường trực và Ban Dân vận Trung ương làm được khá nhiều việc quan trọng, tạo nền tảng cho bước phát triển mới của sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất như: Giúp Bộ Chính trị xây dựng Nghị quyết 07 ban hành ngày 17-11-1993 “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất”, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng “Luật Quốc tịch” và “Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” – Luật duy nhất trên thế giới chỉ có ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay.

Với bài viết này, tôi muốn kể lại những điều mà tôi học được ở anh khi cùng anh soạn thảo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị.

Ngay từ khi còn là Chủ tịch Quốc hội kiêm Bí thư Đảng đoàn Mặt trận, anh đã nhiều lần trao đổi với anh em chúng tôi về sự cần thiết phải có một nghị quyết chuyên đề của Đảng về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất nhằm cụ thể hóa Cương lĩnh 1991 của Đảng về thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp 1992 trong đó thể hiện cho được tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn mới của cách mạng.

Theo anh, trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” hiện nay, muốn đổi mới công tác Mặt trận, nhất thiết phải đổi mới nhận thức về sự lãnh đạo của Đảng. Vì đổi mới nhận thức về sự lãnh đạo của Đảng là xuất phát điểm, là yếu tố quyết định để đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận.

Vì tính chất quan trọng của vấn đề mà anh đã “ấp ủ” từ lâu nên khi về Mặt trận, việc đầu tiên anh đưa ra bàn trong hội nghị Đảng đoàn và Ban Thư ký là làm tờ trình Bộ Chính trị cho phép Đảng đoàn phối hợp cùng Ban Dân vận Trung ương soạn thảo Nghị quyết trên. Được Bộ Chính trị chấp nhận, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Vũ Oanh lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị và đồng chí Trương Mỹ Hoa – Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) phụ trách Dân vận – Mặt trận, Đảng đoàn thành lập một tổ soạn thảo Nghị quyết và phân công anh Đạo phụ trách, tôi giúp anh chấp bút.

Kế hoạch làm việc của tổ được anh xây dựng một cách hết sức cụ thể và khá chi tiết. Anh đề nghị: Song song với việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ Việt Nam”, cần đặc biệt coi trọng kinh nghiệm thực tiễn và tranh thủ ý kiến của các đồng chí phụ trách Đảng đoàn các tổ chức thành viên của Mặt trận, các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư các khóa, các đồng chí lão thành trong công tác Dân vận – Mặt trận qua các thời kỳ cách mạng, các đồng chí cán bộ Mặt trận có trình độ lý luận, có khả năng tổng kết thực tiễn nay đã nghỉ hưu, các nhân sĩ, trí thức, những người tiêu biểu trong các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài v.v…

Trong quá trình đi cùng anh để lắng nghe, ghi chép những ý kiến của những người cần gặp, tôi học được ở anh cách ứng xử lịch lãm, tinh tế và cách nhập đề rất tự nhiên, rất dí dỏm của anh. Tôi xin kể lại vài chuyện.

Trước khi đến gặp anh Hoàng Tùng và anh Trần Quang Huy, anh Đạo dặn tôi: “Đến gặp hai ông này, các ông ấy có hỏi gì cứ để mình trả lời. Túc đừng tham gia nhé!”.

Hai anh em đến gặp anh Trần Quang Huy trước. Câu đầu tiên anh Huy hỏi: Các ông đã lấy được ý kiến của những ai rồi?

- Người đầu tiên đến xin ý kiến là ông – Anh Đạo trả lời.

Anh Huy tỏ ra rất hồ hởi và đi thẳng vào việc:

- Đây là ý kiến của Trần Quang Huy đóng góp chân thành cho Lê Quang Đạo với tư cách là những người bạn cố tri không chỉ trong hoạt động bí mật, trong chiến đấu mà cả trong lĩnh vực lý luận – tư tưởng, chứ không phải là theo Chỉ thị của Ban Bí thư đâu nhé.

Đến gặp anh Hoàng Tùng, điệp khúc trên lại được lặp lại.

Anh Đạo trả lời luôn:

- Chúng mình mới xin ý kiến của lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận. Hôm nay đến xin ý kiến ông trước khi xin ý kiến các anh lớn.
Sau buổi gặp gỡ đó, anh giải thích cho tôi: Mỗi người chúng ta một tính, một nết. Tài càng cao thì tính càng mạnh. Hai anh đó đều là những nhà tư tưởng của Đảng ta. Để được việc, ta có thực hiện cho được phương châm: Không nên động vào những điều mà người ta không thích. Mình chỉ nói thế để Túc tự hiểu. Đây cũng là bài học mà mình đúc kết được khi tham gia công tác dân vận.

Theo Chủ tịch Lê Quang Đạo, trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” hiện nay, muốn đổi mới công tác Mặt trận, nhất thiết phải đổi mới nhận thức về sự lãnh đạo của Đảng. Vì đổi mới nhận thức về sự lãnh đạo của Đảng là xuất phát điểm, là yếu tố quyết định để đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận.

Anh Đạo bảo, chúng ta cần nghiên cứu sâu thêm đại đoàn kết trong cuộc sống đời thường của Bác Hồ. Hai anh em cùng đồng chí Hà Ngọc Lân – người phụ trách ghi âm, đến gặp anh Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác. Anh Đạo với anh Kỳ vốn làn hững người bạn thân. Gặp gỡ nhau, bao nhiêu chuyện cũ được ôn lại, trong đó có chuyện anh Vũ Kỳ hỏi:

- Anh còn nhớ Bác nói gì về anh và tôi khi Bác từ trên nhà sàn đi xuống không?
- Mình được Bác gọi đến làm việc nhiều lần, mình không nhớ Bác nói lần nào.
- Bác cười nhận xét: “Hai chú thấp như nhau”.

Anh Vũ Kỳ đáp.

- Ông nhớ nhầm rồi. Bác cười và nói: Hai chú cao bằng nhau và sau đó tôi nói: “ Thưa Bác đồng chí Đạo là thiếu tướng, cao hơn tôi nhiều”. Bác rất vui và quay về phía ông nói thêm: “Chú không thua đâu, chú là thừa tướng đấy”.
Làm việc hết buổi sáng, trưa hôm đó đồng chí Vũ Kỳ mời cơm anh em chúng tôi với mấy ly rượu thuốc do các bác sĩ ngâm trước đây dành cho Bác.

Nâng cốc rượu quý, anh Đạo nói luôn:

- Hôm nay mình rất vui được đến làm việc với ông. Xin chúc ông mà cũng là tự chúc mình đã góp phần đào tạo ông trở thành người thư ký suốt đời gắn bó với Bác Hồ kính yêu của nhân dân ta.

Anh Vũ Kỳ xúc động kể lại: Đầu năm 1940 anh Đạo giới thiệu anh Vũ Kỳ vào Đoàn Thanh niên phản đế để rồi sau đó giới thiệu cho đi học lớp quân sự ở Trung Quốc. Cũng chính anh Đạo là người về Hà Đông đón anh Vũ Kỳ lên làm thư ký riêng của Bác Hồ cho đến khi Bác vĩnh biệt chúng ta.

Trước khi trình Bộ Chính trị lần cuối, anh Đạo có buổi làm việc tối tại nhà anh Vũ Oanh. Làm việc xong, anh Oanh mời anh Đạo ở lại ít phút để hỏi thêm về một số việc liên quan đến lịch sử hoạt động của mình như ngày, tháng vào Đảng, thời gian anh Đạo mở lớp huấn luyện đầu tiên cho cán bộ tại làng Mộ Trạch – quê anh Oanh v.v… Vì theo anh Oanh, anh Đạo lúc đó là Ủy viên Thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nội, người trực tiếp giảng bài cho lớp học được mở tại nhà anh Oanh và anh Oanh là một học viên. Qua những người tôi được tiếp xúc, được nghe kể về cuộc đời và sự nghiệp của anh, tôi càng thấm thía lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đánh giá đồng chí Lê Quang Đạo khi tiếp đồng chí U-đôm-Khát-ti-nha - Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước: “Đồng chí Lê Quang Đạo là lão thành cách mạng, là nhà lý luận của Đảng chúng tôi đó”.

Được làm việc với anh gần 8 năm, nhất là được cùng anh chuẩn bị Dự thảo Nghị quyết trên, tôi càng hiểu thêm nhận xét của Tổng Bí thư Đỗ Mười về anh. Tôi khâm phục sự uyên thâm trên nhiều lĩnh vực cũng như tài tổng hợp, phân tích, dự đoán tình hình và những ý kiến nhận xét cũng như những vấn đề mà anh đề xuất với Trung ương.

Đặc biệt, chúng tôi kính trọng và mến mộ anh, một con người kính trên, nhường dưới, cao về chức vụ nhưng không xa, mà rất gần dân, gần cấp dưới; hết mình vì dân, vì nước, vì anh em, đồng chí, đồng đội.

Ngày 17-11-1993, Nghị quyết của Bộ Chính trị “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất” ra đời đã tạo ra một không khí hòa hợp, tin tưởng, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến bữa cơm đoàn kết do anh chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Tiến Võ và tôi thực hiện. Tôi nhớ vào tháng 7-1997, nhân kết thúc kỳ họp Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và cũng là để chúc mừng đồng chí Nguyễn Tấn Dũng vừa được cử làm Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ sang dự Hội nghị, Chủ tịch có tổ chức bữa cơm thân mật tại nhà sàn quán Trần Mục tại đường Âu Cơ với một thực đơn cũng rất “dân tộc” là “mộc tồn bảy món” và rượu nếp cái Làng Vân. Giống hệt như cỗ quê thời xưa. Cỗ đóng sáu, mọi người ngồi bệt trên sàn. Quanh mâm là luật sư Phước Đại đã từng là Phó Chủ tịch Thượng viện Sài Gòn, tiến sĩ Nguyễn Xuân Oanh (Phó Thủ tướng thời Nguyễn Văn Thiệu), đồng chí Nguyễn Tấn Dũng – hồi ấy là Phó Thủ tướng thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giáo sư Lý Chánh Trung từng là người của lực lượng thứ ba trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Lê Khải Bình - Ủy viên Thường vụ thành ủy, Chủ tịch MTTQ TP. Hồ Chí Minh. Và người “chủ cái” là Chủ tịch Lê Quang Đạo.

Qua những người ngồi chung mâm và những món ăn được chọn đủ nói lên ý tưởng và mong muốn của người chủ trì.

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những điều học được ở Anh - Chủ tịch Lê Quang Đạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO